05/06/2019 10:25 GMT+7

Mỹ siết ông lớn công nghệ vì… dư luận

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Ngay sau thông tin Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đang chuẩn bị điều tra chống độc quyền với Google, ngày 3-6 Hãng tin Reuters cho biết cơ quan này cũng đã được trao thẩm quyền để xem xét, đánh giá hoạt động kinh doanh của Hãng Apple.

Mỹ siết ông lớn công nghệ vì… dư luận - Ảnh 1.

Từ trái qua: CEO Công ty Amazon, ông Jeff Bezos, CEO của Alphabet, ông Larry Page, CEO của Facebook, bà Sheryl Sandberg và Tổng thống Trump trong cuộc gặp tháng 12-2016 - Ảnh: AFP

Ngôi nhà thì đang cháy, còn các vị lại đang tưới nước vào các cây hoa hồng ở sân sau. Hãy dập đống lửa đi.

Ông WILLIAM KOVACIC (cựu chủ tịch FTC) so sánh việc dư luận muốn chính quyền tăng cường quản lý các hãng công nghệ với tình huống cháy nhà

Trong khi đó, Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) cũng đã được ủy nhiệm giám sát hoạt động của Công ty Amazon và Facebook, kiểm tra xem có hay không sự cạnh tranh không lành mạnh ở những công ty này.

Cùng với DOJ và FTC, Ủy ban Tư pháp hạ viện ngày 3-6 cũng công bố một cuộc điều tra độc lập chống độc quyền với các hãng công nghệ lớn.

Sức ép công luận

Tất cả những cuộc điều tra vừa nêu đều chỉ mới ở phạm vi nhỏ, còn đang trong giai đoạn bắt đầu, và "có thể dễ dàng không đi tới đâu" như nhận định của tờ New York Times nếu căn cứ vào những thông tin đã công bố.

Vì thế, trong thời gian ngắn sắp tới, dư luận hẳn sẽ không mong thấy được những khoản tiền phạt lớn, các yêu cầu buộc phải chia tách hay những thay đổi trong cách thức kinh doanh của những ông lớn công nghệ.

Tuy nhiên, với việc được ban cho thẩm quyền giám sát lớn hơn về hoạt động của 4 trong số 5 công ty giá trị nhất thế giới, các cơ quan quản lý của Mỹ đã phát đi thông điệp: những ngày phát triển tự do "không xiềng xích" của các đại gia công nghệ sẽ chỉ còn hữu hạn.

Và nếu các cơ quan quản lý đeo đuổi những vụ việc này đến cùng, Google và Amazon gần như chắc chắn sẽ đối mặt với những tiếng tăm không tốt trước dư luận, mất lòng tin của khách hàng.

Các động thái của giới lập pháp cũng như các cơ quan quản lý Mỹ cho thấy họ buộc phải hành động sau một thời gian đối mặt với sức ép lớn của công luận. 

Nhiều chính trị gia và giới học giả Mỹ lâu nay vẫn chỉ trích các điều luật chống độc quyền còn lỏng lẻo. Mặc dù chính quyền liên bang Mỹ đã áp đặt một số giới hạn với các hãng công nghệ, song so với những khoản phạt khổng lồ, kỷ lục mà giới nghị sĩ châu Âu đã áp với các hãng công nghệ Mỹ thì có vẻ chưa thấm vào đâu.

Cuộc chiến mông lung

Nguồn tin của New York Times cho biết DOJ sẽ điều tra về lĩnh vực kinh doanh quảng cáo và tìm kiếm của các hãng công nghệ, trong khi FTC điều tra về những khiếu nại của người tiêu dùng và nhà bán lẻ cáo buộc Amazon lạm dụng nền tảng thương mại lớn để "bóp chết" các đối thủ mới, đặc biệt là khi công ty này gia nhập các lĩnh vực kinh doanh khác như thời trang và rau củ quả.

Tuy nhiên, những câu hỏi lớn lúc này là liệu các cơ quan quản lý có thể thực sự làm gì trong khuôn khổ luật pháp của Mỹ và liệu như vậy đã đủ chưa? Giáo sư luật Đại học Wayne State, ông Stephen Calkin, cựu luật sư chính của FTC, cho rằng thách thức chính ở đây là những điều luật chống độc quyền hiện nay ở Mỹ không nghiêm khắc như ở châu Âu.

Chưa kể, theo đánh giá của chuyên gia này, quan điểm của DOJ vẫn còn rất bảo thủ khi nhìn nhận về các vấn đề chống độc quyền, do đó họ sẽ can thiệp một cách thiếu quyết đoán. FTC từng điều tra về cáo buộc Google thao túng kết quả tìm kiếm để kiếm lợi từ quảng cáo, tuy nhiên vụ việc đã khép lại năm 2013 khi có tới 5 ủy viên cơ quan này bỏ phiếu ủng hộ Google. Chưa rõ lần này FTC sẽ thay đổi ra sao.

Trang Fortune dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng theo thông lệ, một cuộc điều tra chống độc quyền của liên bang sẽ mất ít nhất 1 năm. Tính thêm cả các thủ tục tố tụng hay các cuộc đàm phán, thương lượng, nếu một giải pháp cuối cùng có đạt được thì nhanh nhất cũng phải tới sau cuộc bầu cử tổng thống 2020. 

Vì lẽ này những tính toán chính trị liên quan tới quá trình truy tố (nếu có) của vụ việc có thể thay đổi tùy vào chuyện đảng nào sẽ lên nắm quyền trong tháng 11-2020.

Ngoài ra, có một viễn cảnh thực sự khiến Google và Amazon lo lắng, đó là nguy cơ tái diễn sự việc từng xảy ra khi Chính phủ Mỹ muốn kiểm soát Microsoft vào những năm 1990. Mặc dù Microsoft đã không phải tách làm đôi như mục tiêu của chính phủ, nhưng việc công ty này bị lao đao trong ít nhất một thập kỷ đã tạo khoảng trống cho những start-up như Google xuất hiện và trở thành "gã khổng lồ" như hôm nay.

Chi tiền "lobby" khủng

Theo trang Engadget, năm ngoái các ông lớn công nghệ là những công ty chi tiền mạnh nhất cho chiến dịch vận động hành lang với chính phủ. Tổng số tiền "lobby" (vận động hành lang) của năm 2018 đã vượt qua mọi năm trước, đạt hơn 64 triệu USD.

Riêng Google là 21,2 triệu USD, Facebook là 12,62 triệu USD, Amazon 14 triệu USD, Microsoft là 9,52 triệu USD và Apple là 6,62 triệu USD. Mức tăng kỷ lục này cũng đi liền với bối cảnh các hãng công nghệ lớn đều đã "đánh hơi" thấy nguy cơ những cuộc điều tra và giám sát "sắp diễn ra" của chính quyền liên bang.

Mỹ tố Trung Quốc Mỹ tố Trung Quốc 'chơi trò đổ lỗi' về đàm phán thương mại hai bên

TTO - Chính quyền Mỹ vừa có phản ứng về nội dung sách trắng thương mại Trung Quốc vừa công bố, cáo buộc Bắc Kinh đang cố “chơi trò đổ lỗi” và nói sai về bản chất tiến trình đàm phán.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên