02/01/2018 11:55 GMT+7

Năm 2018, TP.HCM phải thu 376.000 tỉ đồng

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí bên lề hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách TP năm 2018.

Năm 2018, TP.HCM phải thu 376.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện bên lề hội nghị với Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến - Ảnh TỰ TRUNG

Sáng 2-1, ngay ngày làm việc đầu năm 2018, Thường trực UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách TP năm 2018. Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đến dự.

Mở rộng đấu thầu dịch vụ công

Trình bày giải pháp về điều hành thu chi ngân sách năm 2018, Phó giám đốc Sở Tài chính TP Phạm Thị Hồng Hà cho biết trong năm 2018, thành phố sẽ triển khai thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung nhằm giảm đầu mối trong đấu thầu mua sắm tài sản, hàng hóa của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công.

"Đặc biệt, tiếp tục triển khai việc sử dụng các loại hình dịch vụ cho thuê tài sản đối với các trang thiết bị, tài sản cố định để phục vụ công tác chuyên môn, đặc biệt là thiết bị công nghệ thông tin thay vì mua sắm mới" - bà Hà nói.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ triển khai thực hiện đề án quản lý và khai thác dịch vụ tổng hợp thành phố nhằm đảm bảo phục vụ hoạt động chính quyền TP một cách hiệu quả.

Ngoài ra, theo bà Hà, thành phố còn mở rộng đấu thầu các hoạt động cung ứng dịch vụ công ích như duy tu cầu đường, chiếu sáng, vệ sinh môi trường nhằm tăng hiệu quả sử dụng vốn ngân sách và huy động nguồn vốn xã hội.

Tiếp tục thực hiện giải pháp nâng chất lượng xe buýt, giảm dần trợ giá xe buýt bằng cách đổi mới cơ chế quản lý hoạt động xe buýt, sắp xếp lại luồng tuyến, đấu thầu khai thác các tuyến xe buýt có trợ giá và rà soát các khoản chi không hợp lý để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Năm 2018, TP.HCM phải thu 376.000 tỉ đồng - Ảnh 2.

Phó giám đốc Sở Tài chính TP Phạm Thị Hồng Hà - Ảnh TỰ TRUNG

Cụ thể, theo bà Hà trong năm 2018, thành phố sẽ có kế hoạch tăng cường thanh kiểm tra đối với các đơn vị thực hiện hoạt động mua sắm tập trung trang thiết bị, tài sản nhà nước, kiểm soát chặt công tác lập dự toán, quyết toán kinh phí và thực hiện đấu thầu công khai việc lựa chọn các đơn vị cung ứng trang thiết bị, tài sản nhà nước.

Sớm trình đề án tăng mức phí, lệ phí

Đề cập việc triển khai nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trong năm 2018, ngành tài chính thành phố sẽ tập trung rà soát tình hình thực tế TP, nghiên cứu và đề xuất UBND TP đề án thực hiện các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí; Đề án tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí để trình HĐND TP xem xét, quyết định.

Quan trọng hơn, một giải pháp nữa được chú trọng là phối hợp với các bộ ngành Trung ương rà soát, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước do các cơ quan Trung ương quản lý trên địa bàn TP để đề xuất Chính phủ phương án xử lý tạo nguồn thu cho ngân sách TP.

Liên quan đến việc cải thiện thu nhập cho cán bộ công chức TP, đại diện Sở Tài chính TP cho biết Sở sẽ xây dựng đề án thực hiện và sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức trên nguyên tắc xây dựng lộ trình mức chi trả tăng thêm cho từng đối tượng trong giai đoạn 2018-2020 phù hợp khả năng cân đối ngân sách của TP.

Năm 2018, TP.HCM phải thu 376.000 tỉ đồng - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong - Ảnh TỰ TRUNG

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong:

Năm 2018, mỗi ngày TP.HCM phải thu được 1200 tỉ đồng

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà TP dồn lực thực hiện năm nay là triển khai nhanh các công trình giao thông, phát triển hạ tầng TP làm cơ sở cho phát triển bền vững.

- Thưa ông, bắt đầu từ năm nay, TP.HCM được trung ương cho thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù. TP sẽ vận dụng cơ chế này như thế nào trong việc giảm ùn tắc, ngập nước?

Hiện TP đang tiến hành các bước chuẩn bị. Sau đó, bắt đầu các đề án cụ thể vào cuối tháng 3-2018. Nếu kéo dài nữa thì trễ cho việc triển khai cơ chế đặc thù.

Chưa nói đến các chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, riêng chương trình giảm ô nhiễm môi trường, giảm ngập nước, xây dựng hạ tầng giao thông cần 850.000 tỉ mà ngân sách chỉ mới đáp ứng được 30%. Do đó cần phải huy động nguồn lực từ bên ngoài nên phải tính toán kỹ.

Trong cơ cấu thu chi năm nay, thu từ kinh tế là rất cao, mà thu từ kinh tế đòi hỏi phải hoàn thiện môi trường đầu tư để kinh doanh phát triển. Do đó bài toán điều hành năm 2018 đặt ra mục tiêu thu 376.000 tỉ đồng. Tính ra, mỗi ngày (trừ chủ nhật), thành phố phải thu trên 1.200 tỉ đồng. Muốn đạt mục tiêu này phải bắt nguồn từ sản xuất, cho nên TP phải tập trung các giải pháp, các cơ chế mà Quốc hội cho, lắng nghe doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư, không ngừng nổ lực để phát triển.

- Cơ chế cho TP thời gian thí điểm là 5 năm, nhưng nhiệm kỳ này chỉ còn 2 năm nữa, sự chuyển giao nhiệm kỳ liệu có làm cắt khúc cơ chế không, thưa ông?

-Tôi cho là không có sự cắt khúc. Đến năm 2020, từ khi có cơ chế đặc thù, chúng ta sơ kết lại xem những nội dung triển khai theo nghị quyết 54 có thu kết quả gì, trên kết quả đó mình mới tiếp tục thực hiện. Sau đó, khi Quốc hội tổng kết tùy tình hình có thể triển khai tiếp.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên