Nhân 70 năm thành lập lực lượng TNXP (15-7-1950 - 15-7-2020), chúng tôi trở lại một trong những công trường mang nặng dấu ấn của lực lượng thanh niên xung phong, gặp lại những chàng trai, cô gái năm xưa rời thủ đô lên với vùng Tây Bắc. Nay họ đã thành những cụ ông cụ bà tuổi gần đất xa trời, nhưng nhắc tới thuở "hai bàn tay ta làm nên tất cả", ánh mắt ai cũng sáng lên, ngỡ như đang trở về thời mười tám đôi mươi và nồng nàn lý tưởng tuổi trẻ.

Hơn 50 năm trôi qua, đại thủy nông Nậm Rốm - công trình thủy lợi lớn thứ hai ở miền Bắc, công trình mang đậm dấu ấn sức trẻ của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) tại Điện Biên vẫn ngày đêm đưa nước về tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh.

Nậm Rốm - Khúc tráng ca tuổi trẻ ở Điện Biên - Ảnh 1.

Đã có một thời từ hậu phương lớn miền Bắc, thế hệ trẻ chia đôi, một nửa đi ra chiến trường chiến đấu giành tự do độc lập, một nửa lên với Tây Bắc xa xôi khai mở những chân trời. Sự hy sinh nơi hòn tên mũi đạn chiến trường là lớn, nhưng hy sinh trong công cuộc dựng xây không phải nhỏ.

"Tháng 10-1963, công trường đại thủy nông Nậm Rốm khởi công, khi đó Điện Biên đang còn là một huyện thuộc tỉnh Lai Châu. Ngoài đồng bào bản địa, lực lượng xây dựng Điện Biên "biến chiến trường thành nông trường" hầu hết là anh em bộ đội tham gia giải phóng Điện Biên, rồi ở lại.

Khi xây dựng công trình thủy nông Nậm Rốm, trung ương Đoàn kêu gọi và huy động lực lượng thanh niên các tỉnh đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội lên đường, góp sức trẻ dựng xây cuộc sống mới", vừa dẫn đường đưa chúng tôi ra thăm đập đầu mối Nậm Rốm, ông Trần Công Chính, chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Điện Biên vừa hồi tưởng những ngày đầu gian khó, mà chính ông, một chàng trai 17 tuổi ngày ấy đã lên đây, bám trụ và sống cùng mảnh đất này từ bấy đến nay đã hơn nửa thế kỷ.

Nậm Rốm - Khúc tráng ca tuổi trẻ ở Điện Biên - Ảnh 2.

"Để bước đầu tạo dựng hình hài của "mạch sống Điện Biên", công việc của chúng tôi làm đầu tiên là xây dựng đập chính dâng nước. Khó khăn nhất là phải ngăn dòng, chặn đứng dòng chảy cả một dòng sông Nậm Rốm với sức nước mạnh và hung hãn, trong khi việc thi công lại hoàn toàn thô sơ, thủ công và liên tục bị bom đạn của kẻ địch bắn phá.

Doanh trại của các tổ, đội phải sơ tán vào rừng khu vực bên trong hồ Huổi Phạ (suối Trời) để tránh máy bay, pháo sáng của địch oanh tạc. Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của mọi người thiếu thốn vô cùng, khi cơm không đủ ăn, nước không đủ uống, mùa đông của núi rừng Tây Bắc lạnh đến nhức buốt chân tay. Liên tục nhiều tháng liền trong năm, anh em TNXP phải ăn măng đắng, rau rừng và ngô (bắp).

Tuy nhiên, lực lượng tham gia xây dựng công trình đã quyết tâm thực hiện khẩu hiệu "ba bù" (bù mưa, bù ốm, bù phòng không) để tăng ca, đẩy giờ làm việc lên đạt từ 10 đến 12 giờ lao động/ngày. Để làm đập chính, thời điểm đông nhất có tới trên 500 TNXP. Sau gần 3 năm mới xong cái đập chính", ông Chính bồi hồi nhớ lại.

Nậm Rốm - Khúc tráng ca tuổi trẻ ở Điện Biên - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Duy Khang (80 tuổi, P.Nam Thanh, TP Điện Biên), một cựu TNXP tháng Tám thủ đô, bồi hồi: "Khi đó mới khoảng 22 tuổi, đang là công nhân cơ khí của Xí nghiệp cơ khí 37 La Thành, nghe tiếng loa kêu gọi, tôi tình nguyện viết đơn tham gia. Khi đó tôi là anh cả, dưới tôi còn 5 em nhỏ nữa, nhưng tôi vẫn quyết tâm đi vì khí thế sôi sục lắm, chúng tôi thanh niên trai tráng cũng háo hức lắm.

Khi tôi được chọn, nhiều đứa bạn vẫn thắc mắc không hiểu sao tôi nhà ngay Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) lại dám rời xa gia đình, xa thủ đô để đến vùng "ruồi vàng bọ chó, gió Tây Trang". Tại công trường khi đó, cứ ban ngày, khi có máy bay địch, chúng tôi sơ tán vào rừng, ban đêm, từ khoảng 8h tối, chúng tôi đập đá dăm thủ công, gánh đất... đến tận sáng hôm sau.

Ngày đó, hầu hết anh chị em chúng tôi phải lấy quần áo quấn vào đòn gánh, cho đỡ đau vai, nhưng vai và bàn chân rơm rớm máu. Đêm ra suối, chúng tôi phải tắm bằng lá cơi, lá xoan để chống lại với các loại bệnh như hắc lào, mẩn ngứa, ghẻ lở. Nhiều đêm mưa, nằm ngủ trong lán, nhiều anh em đã bị vắt xanh bu quanh bụng, hút máu chảy loang, thấm ướt áo quần."

Ông Khang kể khi đó làm việc tất cả chỉ thủ công bằng tay, chưa có máy móc gì. Trong lao động thanh niên xung phong tự mày mò sáng kiến cải tiến công cụ sản xuất để tăng năng suất lao động, như chọn làm cán xẻng phải cong khoằm để cào đất vào sọt nhanh hơn; dùng cẩu bằng cây tre dài để di chuyển đất đá từ vị trí cách nhau 10m mà không phải gánh bộ; dùng ròng rọc động để vận chuyển đất từ đỉnh đồi xuống thấp cho năng suất vượt tới 300%; đóng máng gỗ để tuồn đất, đá, bêtông vào vị trí xây dựng...

Nậm Rốm - Khúc tráng ca tuổi trẻ ở Điện Biên - Ảnh 4.

Những câu chuyện về chế độ cho TNXP hy sinh chúng tôi cũng đã từng chứng kiến khi thực hiện loạt bài về cung đường Hạnh Phúc ở Hà Giang. Những TNXP hy sinh trên cung đường Hạnh Phúc phải hơn nửa thế kỷ sau mới được công nhận là liệt sĩ, đến mức có liệt sĩ được nhận bằng Tổ quốc ghi công nhưng không tìm ra thân nhân để thờ tự, tấm bằng tri ân sự hy sinh ấy được địa phương đem về treo ở trụ sở UBND xã.

Bởi thế, khi thắp nén nhang trong khuôn viên - nơi an nghỉ của những anh chị em TNXP hy sinh khi xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm chúng tôi vẫn khấn thầm có một ngày, thay cho những thủ tục rườm rà, những người hy sinh trên công trường này xứng đáng được công nhận là liệt sĩ.

ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nói về thanh niên xung phong xây dựng Nậm Rốm - Video: NGỌC QUANG

Nậm Rốm - Khúc tráng ca tuổi trẻ ở Điện Biên - Ảnh 6.
Nậm Rốm - Khúc tráng ca tuổi trẻ ở Điện Biên - Ảnh 7.


Nếu những người lính sau chiến thắng Điện Biên Phủ đã "hạ sao" thành công nhân nông trường được coi là thế hệ đầu tiên từ miền xuôi lên xây dựng Điện Biên, thì Thanh niên xung phong từ châu thổ sông Hồng và thủ đô Hà Nội lên với miền đồi núi hoang vu này trong thập niên 60 của thế kỷ 20 là thế hệ thứ hai. Họ cùng dâng hiến thanh xuân để làm nên một Điện Biên tươi đẹp hôm nay, không chỉ từ chính cuộc đời của họ, mà từ bấy đến nay đã hình thành nên những gia đình "tam đại đồng đường", đã coi Điện Biên như quê nhà.

Từ đập tràn - công trình đầu mối của thủy nông Nậm Rốm, nước được chia vào 2 kênh tả, hữu dài 34km chạy xuyên qua thành phố Điện Biên Phủ, đưa dòng nước sông Nậm Rốm chảy ôm trọn cánh đồng Mường Thanh - Video: NGỌC QUANG

Những nhân chứng mà chúng tôi tìm gặp trong những lần trở lại miền đất này, hơn nửa thế kỷ trước đều là dân thủ đô, nhiều người trong số họ là dân "phố cổ".

Đó là ông Nguyễn Duy Khang, nhà ngay Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bà Nguyễn Thị Thơ ở Cầu Giấy, ông Tống Văn Minh ở phố Hàng Cân, bà Lê Thị Phương ở phố Lý Quốc Sư... Bây giờ họ và con cháu đang sống quây quần giữa thành phố biên viễn Tây Bắc này, còn Hà Nội - thành phố nơi hơn nửa thế kỷ trước họ từ đó ra đi, giờ đây lâu lâu lại ghé về chỉ để sống lại ký ức tuổi thơ.

Ông Nguyễn Duy Khang bảo sau hơn 50 năm ở Điện Biên, giờ ông thành người "dân tộc xịn" rồi. 80 tuổi, ông vẫn khỏe và hàng ngày vẫn thảnh thơi vui chơi với con, cháu, hàng ngày vẫn xe máy thăm thú bạn bè. "Cuộc sống của mình giờ rất nhàn nhã, sống đơn giản vui cùng con cháu. Tuy không giàu có, sung túc như ông Chính, ông Minh, nhưng với tôi thế là mãn nguyện".

Nậm Rốm - Khúc tráng ca tuổi trẻ ở Điện Biên - Ảnh 9.

Chủ tịch Hội cựu TNXP Trần Công Chính cho biết khi kết thúc công trình, có hàng trăm đôi lứa nam nữ TNXP thành vợ thành chồng. Có đôi về lại quê, nhưng phần đông ở lại Điện Biên. Ngay bản thân ông Chính, khi kết thúc công trình, làm đơn xin chuyển sang quân đội mà năm lần bảy lượt đều không được vì tổ chức khi ấy "sợ mất phong trào" nên đã nhắm cho ông nhiệm vụ điều hành, quản lí công trình này. Vậy là ông cứ ở công ty quản lý thủy nông Điện Biên, đến khi lên phó giám đốc (năm 1993) và nghỉ hưu năm năm 2008.

Ông Chính nói: "Quê hương mới đã đền bù cho mình rất nhiều, như vậy là quá mỹ mãn. Ngày xưa ôm túi ổi từ quê lên thủ đô ứng tuyển để lên miền Tây Bắc hẻo lánh, có cho vàng cũng không thể nghĩ mai sau sẽ có một ngày con cháu mình được như hôm nay, âu cũng là quả của mảnh đất này trao cho những người đã dấn thân cùng nó từ thuở đầu gian khó ".

Nếu gia đình cựu TNXP Trần Công Chính nổi tiếng với con cháu thành đạt thì ông Tống Văn Minh lại góp phần tạo dựng cho quê mới một thương hiệu ẩm thực nổi tiếng: Dê Minh Bục. Hai mươi năm nay, đến với thành phố Tây Bắc này, trong những đặc sản ẩm thực trứ danh ở đây du khách nào cũng phải ghé dê Minh Bục.

Không như 6 năm trước, lần này ghé tìm ông ở quán cũ, nay đã trở thành một nhà hàng sang trọng bề thế. Ông giao lại cơ ngơi cho người con trai trưởng, còn hai vợ chồng lui về hưu dưỡng tuổi già trong một căn nhà yên tĩnh ở trung tâm thành phố.

Năm nay đã 80 tuổi, ông Tống Văn Minh kể ông vốn quê gốc Hà Nam nhưng ra thủ đô sống. Trước khi lên đường xây dựng Điện Biên, ông đang sống ở phố Hàng Cân và thuộc quân số của "Đoàn thanh niên tháng Tám Thủ đô". Ngày lên Điện Biên, đi cùng xe với cô gái Hà thành nên nảy sinh tình cảm.

Nậm Rốm - Khúc tráng ca tuổi trẻ ở Điện Biên - Ảnh 10.

"Hồi đó từ Hà Nội lên Điện Biên, đi ôtô nhưng cũng mất đến bốn ngày đường. Cô bạn thanh niên xung phong cùng xe say xe, mình chỉ đỡ đàn em chăm sóc, thế rồi lên tới Điện Biên, vẫn chăm sóc nhau rồi yêu nhau", ông lão 80 tuổi hồi ức về cuộc lên đường của đội TNXP tình nguyện thủ đô 55 năm trước mà ngỡ như mới hôm qua, ánh mắt nhìn bà cụ bên cạnh vẫn long lanh như khi 20 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Thơ tiếp lời chồng: "Chúng tôi yêu nhau từ năm 1963, đến khi cưới nhau thì công trình sắp hoàn thành (1968) và ở lại Điện Biên cho đến hôm nay. Tôi nhà vốn ở Cầu Giấy, Hà Nội, hồi ấy 17 tuổi, nặng chưa đầy 35kg nhưng khi thấy anh trai cả xung phong lên Điện Biên thì tôi cũng lấy trộm hộ khẩu, viết đơn xin đi, nhưng vì nhẹ cân quá nên lần đầu bị loại. Hơn nửa năm sau, với quyết tâm theo anh lên xây dựng công trình thủy nông Nậm Rốm, tôi đã "ăn thật nhiều, ngủ thật nhiều" để cân nặng đủ 40kg để được chọn vào đội TNXP Tháng Tám thủ đô".

Kết thúc công trình, cả hai ông bà đi học rồi về làm việc tại bệnh viện tỉnh cho đến khi nghỉ hưu năm 1986. Nghỉ hưu, ông Minh đi đãi vàng, sau đó lang thang khắp vùng để học hỏi, quyết theo nghề dịch vụ ăn uống. Hết làm phở, cà phê giải khát, đến năm 1996 ông mở quán thịt dê. Quán ăn nên làm ra, ông mua hai cái nhà ở Hà Nội, mua nhiều mảnh đất ở Điện Biên Phủ và nay quán dê Minh bục với cơ ngơi rộng rãi nằm ngay trung tâm thành phố ông đã truyền lại cho con trai, còn vợ chồng ông về ẩn cư trong căn nhà thoáng rộng, trung tâm thành phố nhưng yên tĩnh.

Những ông Khang, ông Minh "Bục", bà Thơ, bà Phương, ông Chính… đã có quả ngọt được cuộc đời đáp đền lại cho thời trai trẻ gian nan, cũng như dòng sông Nậm Rốm, khi thác ghềnh được chặn lại, công trình đại thủy nông này đã dâng tặng cho người dân Điện Biên một cánh đồng rộng mênh mang trù phú rộng tới hàng ngàn hecta, và hơn thế, gạo ở Điện Biên cũng là loại gạo ngon nhất vùng tây bắc. Phải chăng đó là ân tình quê mới dành cho những ai đã trọn nghĩa vẹn tình cùng nó!

Nậm Rốm - Khúc tráng ca tuổi trẻ ở Điện Biên - Ảnh 11.
Nậm Rốm - Khúc tráng ca tuổi trẻ ở Điện Biên - Ảnh 12.

Điện Biên Phủ là điểm hội tụ, biểu tượng chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nếu những chứng tích như hầm De Castteri, đồi A1, Mường Phăng, Him Lam, Hồng Cúm… âm vang niềm tự hào của một thời trận mạc, đại thủy nông Nậm Rốm như một khúc ca của dựng xây sau ngày hòa bình. Đại thuỷ nông Nậm Rốm như một di tích trĩu nặng máu, mồ hôi, thanh xuân tuổi trẻ dâng hiến như đại thủy nông Nậm Rốm bên những xác xe tăng, trọng pháo, hố bộc phá trên đồi A1.

Công trình của tuổi thanh xuân hàng ngàn thanh niên xung phong rời đồng bằng, rời thủ đô để cống hiến cho Tây Bắc, hơn nửa thế kỷ sau đã được công nhận.

Ngày 22-2-2010, TNXP Nậm Rốm được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", UBND tỉnh Điện Biên ra quyết định công nhận xếp hạng di sản lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên, khi chưa có hệ thống Đại thủy nông Nậm Rốm, nguồn nước tưới cung cấp cho cả cánh đồng Mường Thanh (huyện Điện Biên) chỉ nhờ vào nguồn "nước trời" và nước từ các suối nhỏ nên người dân chỉ gieo cấy được khoảng trên 1.000ha lúa mùa. Do vậy, năng suất lương thực rất bấp bênh, phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết.

"Sau 1954, chiến trường Điện Biên Phủ như nấm mồ hoang tàn với biết bao xác xe tăng, đạn pháp và cả xác người. Dân cư thưa thớt, nông nghiệp khi đó chỉ là canh tác manh mún, làm nương 1 vụ nên đời sống người dân cực kỳ khó khăn, thiếu thốn…" - Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý trao đổi với Tuổi Trẻ Online.

Nậm Rốm - Khúc tráng ca tuổi trẻ ở Điện Biên - Ảnh 13.

Theo Phó chủ tịch Quý, khi công trình thủy nông Nậm Rốm đi vào hoạt động, với địa thế giáp chân núi, có cao độ cao hơn mặt bằng của cánh đồng Mường Thanh nên hai kênh tả - hữu dài hơn 30km ôm trọn cánh đồng Mường Thanh đã cung cấp nước tưới rất hiệu quả (chủ yếu là tự chảy).

Đặc biệt, từ năm 2004, hệ thống kênh mương được bê tông hóa, dần hoàn thiện, kết hợp với việc xây dựng và đưa vào sử dụng, khai thác một số hồ chứa lớn trên địa bàn, nên diện tích tưới của Công trình đại thủy nông Nậm Rốm được nâng cao, từ 2.400 ha (năm 1984) lên tổng diện tích lúa 2 vụ hơn 7.000ha.

Công trình thủy nông Nậm Rốm với 2 tuyến kênh tả, hữu không chỉ cung cấp nước tưới mà quan trọng nhờ nó mà "văn minh lúa nước" đã đến được với người dân Điện Biên. Cũng nhờ công trình mà nay Điện Biên có những làng của cựu TNXP ở lại mang tên "làng Thái Bình", "làng Hưng Yên"… Nhờ công trình mà nhiều xã thuộc khu vực lòng chảo Mường Thanh đã phát huy thế mạnh kinh. Lúa trồng ở Mường Thanh cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt tạo thương hiệu.

Nậm Rốm - Khúc tráng ca tuổi trẻ ở Điện Biên - Ảnh 14.

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
NGỌC QUANG
VIỆT DŨNG - NGỌC QUANG
Kiều Nhi
Bảo SuZu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên