14/07/2011 13:12 GMT+7

Nạn quấy rối điện thoại hoành hành

Luật sư TRẦN VƯƠNG THẢO (Đoàn luật sư TP.HCM)
Luật sư TRẦN VƯƠNG THẢO (Đoàn luật sư TP.HCM)

TTO - Không chỉ bị xúc phạm danh dự và nhân phẩm, cuộc sống hằng ngày của nhiều người đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi vấn nạn quấy rối điện thoại.

JiB3n5wy.jpgPhóng to
Những trường hợp quấy rối mang tính nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tâm lý, sinh hoạt của người dùng, các mạng di động đều khuyên người dùng nên “nhờ cơ quan công an can thiệp” - Ảnh minh họa

Chị H. (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết liên tục nhận tin nhắn quấy rối suốt ngày đến sau 12g đêm từ số thuê bao 016690xxxxx. Vì yêu cầu công việc, chị H. phải bật điện thoại 24/24 và chịu trận với nạn quấy rối.

Vấn nạn nhức nhối

Khổ tâm hơn, chị TH. - chủ nhân số thuê bao 097612xxxx - hết sức bức xúc vì liên tục bị quấy rối bởi số điện thoại 098536xxxx từ chiều 21-6. Điện thoại của chị TH. liên tục nhận những tin nhắn xúc phạm. Chị TH. cho biết số điện thoại nhắn các tin nhắn trên là của bạn trai cũ.

Chị C.T. - tổng đại diện chi nhánh miền Nam của một công ty ở Hà Nội - bị quấy rối bởi hàng loạt số điện thoại liên tục trong thời gian dài. Chị C.T. cho biết lúc đầu nhận được tin nhắn từ số 093689xxxx với những lời lẽ bỡn cợt, xúc phạm nhưng chị nghĩ chắc ai đó nhầm máy do lúc đó đã hơn 2 giờ sáng. Thế nhưng những ngày sau đó, số máy này liên tục gửi những tin nhắn có nội dung khiếm nhã và nhá máy liên tục vào điện thoại của chị C.T..

Khi biết chị C.T. sử dụng dịch vụ chặn cuộc gọi của nhà mạng, kẻ quấy rối liền sử dụng hàng loạt số điện thoại khác (chủ yếu là các đầu số 11 số), thậm chí còn dùng cả dịch vụ giấu số gọi đến để tiếp tục quấy rối với cường độ “khủng bố” hơn rất nhiều.

Chưa hết, kẻ quấy rối còn dùng các số di động liên tục gọi điện đến các số máy cố định của công ty nơi chị C.T. đang làm việc, đến nỗi công ty chị thỉnh thoảng phải rút dây điện thoại vì cả công ty không ai làm việc được.

Tìm cách chống

Một số cách tạm chống bị quấy rối:

1. Sử dụng dịch vụ do nhà mạng cung cấp: dịch vụ Call Blocking (VinaPhone); Call Baring (MobiFone); Call Blocking (Viettel); SCAR (S-Fone).

2. Sử dụng phần mềm cho các điện thoại thông minh: rất nhiều điện thoại thông minh hiện nay có sẵn tính năng cho phép người dùng thiết lập chặn tin nhắn/cuộc gọi từ một số điện thoại cụ thể. Người dùng cũng có thể chủ động cài đặt các phần mềm như Kaspersky Mobile Security có hỗ trợ chức năng chống quấy rối điện thoại rất tốt.

Chị TH. đã nhờ đến tổng đài Viettel với mong muốn không bị quấy rối nữa nhưng nhân viên tổng đài cho biết chị phải có bằng chứng bị quấy rối trong 3 ngày thì phía nhà mạng mới can thiệp bằng cách nhắn tin cảnh báo tới số quấy rối, và nếu đạt đến mức độ nặng hơn nữa thì mới bị cắt một chiều gọi đi của số quấy rối.

Tương tự, quy trình xử lý khiếu nại quấy rối điện thoại của mạng MobiFone và VinaPhone cũng đòi hỏi nạn nhân phải cung cấp đầy đủ bằng chứng (nội dung tin nhắn, số thuê bao gọi, thời điểm gọi của số quấy rối) được thu thập trong một khoảng thời gian nhất định. Sau khi có yêu cầu giải quyết khiếu nại từ các nạn nhân, nhà mạng sẽ điều tra, đối chiếu…

Khi có kết quả xác nhận hành vi quấy rối, nhà mạng trước tiên sẽ nhắn tin cảnh cáo đến số thuê bao quấy rối, nếu tiếp tục vi phạm, nhà mạng sẽ cắt chiều liên lạc đi của số quấy rối. Thời gian xử lý khiếu nại nhanh nhất có thể là một ngày với các số cùng mạng. Nếu khác mạng phải có sự liên lạc, phối hợp giữa các mạng, thông thường mất khoảng… một tháng.

Riêng với những trường hợp quấy rối mang tính nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tâm lý, sinh hoạt của người dùng, các mạng di động đều khuyên người dùng nên “nhờ cơ quan công an can thiệp”. Trong phạm vi quyền hạn của mình, nhà mạng chỉ có thể làm việc cao nhất là cắt số quấy rối, không thể ngăn chặn hoàn toàn cũng như có biện pháp xử phạt kẻ quấy rối được.

Khiếu nại lên sở thông tin và truyền thông

Theo nghị định 142/2004 của Chính phủ, hành vi “sử dụng dịch vụ viễn thông để đe dọa, quấy rối, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng”.

Người bị quấy rối có thể báo (trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại, bằng văn bản hoặc thư điện tử) cho doanh nghiệp viễn thông mà mình là khách hàng (thuê bao) hoặc gửi đơn khiếu nại cho sở thông tin và truyền thông (TT&TT) địa phương để yêu cầu giải quyết. Theo đó, doanh nghiệp viễn thông khi nhận được khiếu nại, tố cáo của khách hàng về việc quấy rối qua điện thoại cần theo dõi, kiểm tra, xác minh và yêu cầu chủ thuê bao ngừng ngay việc quấy rối. Nếu chủ thuê báo quấy rối cố tình vi phạm, doanh nghiệp đó ngừng cung cấp dịch vụ, đồng thời báo cáo kết quả cho sở TT&TT địa phương của người khiếu nại, người quấy rối để xử lý vi phạm theo quy định.

Ngoài ra, tùy vào mức độ, tính chất và có đủ căn cứ, hành vi quấy rối qua điện thoại sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh quy định tại Bộ luật hình sự.

Luật sư TRẦN VƯƠNG THẢO (Đoàn luật sư TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên