15/06/2021 00:03 GMT+7

NATO xem Trung Quốc là 'thách thức có tính hệ thống'

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 14-6 ra thông cáo chung về cuộc họp thượng đỉnh, gọi Trung Quốc là “thách thức mang tính hệ thống”.

NATO xem Trung Quốc là thách thức có tính hệ thống - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 14-6 - Ảnh: REUTERS

"Hành động và những tham vọng đã nêu của Trung Quốc đang đặt ra những thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, và đối với những vấn đề liên quan tới an ninh của liên minh", Hãng tin Reuters dẫn lời các lãnh đạo NATO khẳng định trong một thông cáo chung sau Hội nghị thượng đỉnh NATO, tổ chức ở Brussels (Bỉ).

Reuters nhận xét rằng đây là những ngôn ngữ thể hiện lập trường mạnh mẽ của NATO đối với Trung Quốc, tại sự kiện thượng đỉnh đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden với liên minh này.

Ông Biden đã kêu gọi các lãnh đạo thành viên khác của NATO cứng rắn với Trung Quốc, và đây là sự thay đổi trọng tâm đối với mục đích thành lập ban đầu của NATO là bảo vệ châu Âu trước Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh.

Nhìn chung, thông cáo của NATO không nhiều khác biệt so với những rò rỉ nội dung cũng như dự đoán trước đó của giới quan sát.

Các thành viên NATO, đặc biệt ở châu Âu, vẫn ít nhiều thể hiện lập trường không xem Trung Quốc là kẻ thù hay đối thủ - như lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói trước đó.

Hôm 14-6, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc ứng phó với Trung Quốc như một mối đe dọa tiềm tàng, trong khi vẫn giữ một cái nhìn tổng thể hơn về Trung Quốc.

Bà nói với các phóng viên: "Nếu các bạn nhìn vào những mối đe dọa không gian mạng cũng như những mối đe dọa ẩn từ sức ảnh hưởng của họ, nếu bạn nhìn vào hợp tác giữa Nga và Trung Quốc, bạn không thể đơn giản ngó lơ Trung Quốc được. Nhưng chúng ta cũng không nên quá đề cao điều đó, mà phải tìm một sự cân bằng hợp lý".

Tương tự, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nói rằng khi nhắc tới Trung Quốc thì có cả nguy cơ lẫn lợi ích: "Tôi không nghĩ bất kỳ ai ở đây muốn tiến tới một Chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc cả".

Trung Quốc nói NATO "phóng đại"

Phái đoàn Trung Quốc tại EU phản ứng quyết liệt tuyên bố của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hãng tin AFP dẫn tuyên bố của phái đoàn này 15-6 kêu gọi NATO "xem xét sự phát triển của Trung Quốc một cách lý trí, ngừng phóng đại các kiểu 'thuyết mối đe dọa mang tên Trung Quốc' và không lấy các lợi ích hợp pháp và quyền chính đáng của Trung Quốc làm cái cớ thao túng chính trị nhóm trong khi chế tạo ra các vấn đề đối đầu".

Đáp trả lại việc NATO ngày 14-6 ra thông cáo chung, gọi Trung Quốc là "thách thức mang tính hệ thống", phái đoàn Trung Quốc gọi các cáo buộc này vu khống sự phát triển hòa bình của Bắc Kinh và thể hiện tư tưởng Chiến tranh Lạnh.

Trước đó, đại sứ quán Trung Quốc ở London, Anh, cũng đã lên tiếng chỉ trích các nước G7 "thao túng chính trị" khi nhóm này chỉ trích vấn đề nhân quyền của Bắc Kinh.

TRẦN PHƯƠNG

G7 và tham vọng tái định hình thế giới G7 và tham vọng tái định hình thế giới

TTO - Kết thúc ngày 11-6 với phần lớn những màn chào hỏi, lãnh đạo các nước G7 bước vào ngày làm việc 12-6 với những chủ đề quan trọng nhất: phục hồi kinh tế và chính sách đối ngoại.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên