Neom và The Line: Thành phố không stress!?

LÊ QUANG 08/04/2021 19:05 GMT+7

TTCT - Thế giới có thể bàng quan hay lo lắng nhìn về Cận Đông như một vùng bất ổn định chính trị, song đối với các ông hoàng Saudi Arabia thì tương lai nhân loại sẽ phải bắt đầu ở đây, kẹp giữa triền núi cao 2.500m phủ tuyết và bãi cát trắng, một thành phố mang tên Neom.

 
 Phác thảo một góc The Line. Ảnh: Neom

Là điểm nhấn trong Tầm nhìn 2030 của Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman, Neom được kỳ vọng là thành phố đầu tiên giải phóng con người khỏi stress, trung tính về CO2.

Hiện tại thì công trường tương lai vẫn chỉ là một vùng hoang vu sỏi cát sa mạc, nằm đợi nhát xẻng động thổ. Khí hậu ven biển nóng khô và đất đai cằn cỗi dù lâu nay vẫn đủ nuôi sống vài chục nghìn dân, song đối với quyết tâm giảm thiểu phụ thuộc vào dầu hỏa của Saudi Arabia thì đó không hề là trở ngại.

 Xin giới thiệu với quý vị THE LINE, thành phố một triệu dân với chiều dài 170km, bảo tồn được 95% tự nhiên nằm trong Neom, không xe cộ, không đường sá và không phát thải carbon

- Thái tử Mohammed Bin Salman

Thành phố lạ

Có phải Thái tử Mohammed Bin Salman vung tiền ngân sách để xây một thành phố kiểu mới... cho vui? Thật ra, ở một quốc gia mà phụ nữ không được nghe nhạc và xem đá bóng để tôn vinh thuần phong mỹ tục, ai dám cả quyết điều ngược lại? Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không phải đô thị quy hoạch - theo nghĩa đô thị hay khu đô thị hoàn toàn được vẽ ra trên giấy, trước khi có bóng dáng con người - nào cũng dở.

Thái tử Mohammed Bin Salman của xứ sở xuất khẩu dầu thô số 1 thế giới nêu ra các lợi thế hoàn toàn thuận tai: ông giới thiệu một thành phố Neom với diện tích 26.500km2, to gấp 33 lần New York, với The Line - một đô thị tuyến tính thẳng như kẻ chỉ, chạy dài 170 cây số và tất cả ngốn chừng 500 tỉ USD.

Với một cây cầu vĩ đại giữa các đảo Tiran và Sanafir, người ta sẽ không ướt chân khi muốn đi từ Bắc Phi qua bán đảo Arabia rồi từ đó đi Tây Nam Á mà không cần đụng chạm đến Israel - một Con đường tơ lụa Arabia chăng?

Quan trọng nhất là nó khác hẳn mọi công trình nhân tạo nào trên thế giới cho đến nay. Sẽ có một triệu dân được di cư đến đó. The Line là hành lang nối nhiều tiểu trung tâm của Neom với nhau, nơi chỉ có người đi bộ và đạp xe, do đó Neom cũng được gọi là thành phố của các đoạn đường ngắn: cư dân ở đây, bất kể định đi bệnh viện hay ra công viên hoặc đi làm, sẽ không bao giờ mất quá 20 phút - nhờ mạng lưới giao thông hiện đại chạy ngầm dưới lòng đất.

 
 Mặt cắt The Line. Ảnh: Noem

Toàn bộ dịch vụ giao thông, nhà hàng, hậu cần… được người máy đảm nhiệm, và năng lượng cho cơ sở hạ tầng khổng lồ đó lấy từ nguồn tái tạo, do đó Neom là thành phố trung tính carbon - thứ khí thải đang là ác mộng của các nước công nghiệp.

Thực ra cũng không cần phải giới thiệu thêm về Neom: những vẻ hiện đại lấp lánh đó đều có thể thấy trong các phim về khoa học viễn tưởng. Ai đó từng nói cái gì con người nghĩ ra được thì rồi sẽ làm được.

Ở đây có lẽ cũng phải hiểu câu trên theo hướng khác: các ông chủ của Neom tương lai tính trên giấy theo một thành phố giả định được xây ở đúng vị trí này, sau đó so sánh lượng khí thải với sản phẩm độc hại được hạn chế của Neom, và sự khác biệt được đem khoe là thành tích bảo vệ khí hậu. Nên biết là bên cạnh Hoa Kỳ và Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất giữ kỷ lục về thải CO2 ra khí quyển (28,2 tấn mỗi đầu người trong năm 2007), do đó các “thành tích” chưa chắc đã đáng khâm phục.

 Người dân Saudi Arabia cực kỳ may mắn vì ngẫu nhiên chào đời trên cái rốn dầu khổng lồ của thế giới, chỉ việc múc lên xơi nhưng Neom cho thấy cũng đến lúc họ thấy lạnh chân: nhiên liệu hóa thạch, dù đang cạn dần, vẫn liên tục đầu độc và hun nóng Trái đất với khí thải CO2 và đời cháu chắt của họ sẽ không thể ỉ lại mãi vào mỏ tiền hữu hạn ấy được.  Dù sao thì kho của cải mà họ dành dụm được từ dầu hỏa phần nào cho phép họ bình thản để quy hoạch một hướng phát triển mới trong tương lai.

Tấm gương lịch sử

Đã nhắc tới đô thị quy hoạch thì người làm nghề xây dựng ắt phải nghĩ đến Brasília, thủ đô của Brazil. Hiến pháp 1891 của Brazil ghi mục tiêu xây thủ đô mới, ở thời điểm đó có thể so với Neom hôm nay.

Năm 1922 - bắt đầu xây, khi sân bay gần nhất cách đó 190km và đoạn đường nhựa duy nhất ở xa 640km. Dưới sự đạo diễn của kiến trúc sư Oscar Niemeyer lừng danh, năm 1960 thành phố quy hoạch đặc trưng Brasília có bản đồ mang hình thánh giá hay chiếc máy bay hầu như hoàn thành.

Hôm nay ở đó chỉ gặp tầng lớp trung lưu, đa số là công chức nhà nước. Đám công nhân sau khi xây xong thì bị gạt ra ngoại ô, nơi nạn thất nghiệp, ma túy và tội phạm hoành hành. Nhìn chung, Brasília cực kỳ hiện đại, nhưng thiếu hoàn toàn cơ sở hạ tầng cho một cuộc sống xã hội sôi nổi của một thủ đô.

Các chính trị gia, công chức và nhân viên văn phòng thường về nhà vào cuối tuần hoặc khi hết giờ làm ở các thành phố lân cận, cho dù Brasília có các công trình kiến trúc lộng lẫy và nằm ở khu vực có khí hậu tuyệt vời - mong đợi của con người ở một môi trường sống đôi khi không giống hình dung của các nhà kỹ trị?

 
 Tòa nhà Quốc hội Brazil. Ảnh: HiSoUR

Tòa nhà quốc hội hoành tráng của Brasília được ghi vào lịch sử nghệ thuật kiến trúc, nhưng nó vô hồn khi đứng giữa miếng đất không người, giống như khách sạn Ryugyong giữa Bình Nhưỡng - ngôi nhà chọc trời được thiết kế làm khách sạn cao kỷ lục thế giới với 330m được xây từ năm 1987 và cho đến nay mới chỉ xong lớp kính bọc mặt tiền vào năm 2011, hiện chưa có kế hoạch khai trương.

Hi vọng Neom sẽ có tương lai sáng sủa hơn vì cơ sở tài chính mạnh mẽ hơn, song nhân tố chính vẫn là con người. Neom bắt đầu với những cuộc biểu tình của thổ dân Bedouin mất đất (để giải phóng mặt bằng cho dự án); hay người Bedouin cũng mường tượng ra thành phố siêu đẳng ấy sẽ không có chỗ cho mình?

Saudi Arabia không phải không còn các mối lo khác: sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại, quan hệ của họ với đồng minh Hoa Kỳ và EU nguội đi rõ rệt. Các công ty xây dựng và trang thiết bị thông minh Đức, trừ Siemens, bỏ ngỏ khả năng tham gia dự án. ■

 
 Thông tin The Line

Neom, ghép giữa từ neos trong tiếng Hi Lạp là mới, từ mustaqbal - tương lai của tiếng Ả Rập, được quảng bá là một thành phố của tương lai, nằm giữa sa mạc nhưng đậm đặc công nghệ và hiểu người dân đến từng nhất cử nhất động theo đúng nghĩa đen.

Neom là thành phố quy hoạch hãy còn trên giấy, và khi thực sự được dựng xây, nó sẽ thành một phòng thí nghiệm sống cho các công nghệ trước giờ chỉ thấy trong phim ảnh khoa học viễn tưởng, với con át chủ bài The Line sử dụng trí tuệ nhân tạo để học hỏi và dự báo mọi hành vi của con người, làm cho cuộc sống dễ dàng hơn với cả người dân lẫn doanh nghiệp hay du khách. Và nếu các mô hình thành phố thông minh hiện chỉ sử dụng 1% dữ liệu thu thập từ người dân, thì Neom dự kiến sử dụng đến 90% những gì biết được về cư dân để phục vụ họ tận răng.

Cụ thể đó là những công nghệ nào? Trang web chính thức của dự án thực ra cũng chỉ nói đại khái rằng Neom sẽ là một thành phố thông minh và bền vững, với những tiện ích thấu hiểu người dân, giao thông thông minh không cần xe hơi hay phương tiện cá nhân, và chỉ sử dụng năng lượng tái tạo. Những mường tượng tương đối rõ ràng hơn chỉ được hé lộ khi Joseph Bradley, giám đốc công nghệ của Neom, trả lời phỏng vấn trang ZDNet hồi tháng 2.

The Line là then chốt để hiện thực hóa mọi kỳ vọng công nghệ viễn tưởng của Neom. Theo Bradley, The Line, với một hệ điều hành riêng gọi là Neos, sẽ hiểu cư dân còn hơn chính họ, và sẽ chủ động phục vụ người dân, dựa trên suy đoán về kế hoạch và hoạt động của họ, ngay khi đặt chân lên phố.

Giả sử một du khách vừa đáp máy bay đến Neom, Neos sẽ biết số hiệu chuyến bay, thời gian hạ cánh, cổng đón, khách sạn đã đặt phòng. Khi du khách đi tàu cao tốc từ sân bay vào The Line, xe trung chuyển đã đợi sẵn, xác thực bằng nhận dạng gương mặt, rồi đưa khách thẳng đến khách sạn. Cần nhớ là mọi di chuyển ở The Line chỉ trong vòng 20 phút đổ lại.

Neos sẽ nắm thông tin người dân suốt 24/7, theo dõi sức khỏe của họ; nếu ai đó ngã hay đứng một chỗ quá lâu, hệ thống sẽ gửi drone đến kiểm tra, và sẵn sàng điều xe chuyên dụng đến ngay hiện trường để kịp ứng phó.

Theo Bradley, hệ sinh thái dữ liệu của The Line sẽ có xương sống là một loạt các công nghệ tối tân, bao gồm công nghệ 5G hiện đại nhất, các thiết bị kết nối Internet, xe tự hành, thực tế ảo, thực tại tăng cường và một mạng lưới các ứng dụng khác có tốc độ truy xuất nhanh hơn 4G tới 10 lần. Các tương tác sẽ lưu trữ trên blockchain và bảo mật thêm bằng mã hóa lượng tử để đề phòng các cuộc tấn công tinh vi nhất.

Mỗi cá nhân sẽ được cấp một ID số, và dữ liệu được thu thập liên tục của họ sẽ báo cho mọi dịch vụ, từ nhà ở đến đi lại, mua bán, tiêu dùng hay ngân hàng. “Dĩ nhiên mỗi cá nhân đều có quyền yêu cầu riêng tư, nhưng việc dữ liệu của họ được sử dụng liên quan trực tiếp đến giá trị họ nhận được” - Bradley nói, ngụ ý phải “đánh đổi” thì mới có trải nghiệm ngon lành.

 
 Hình dung về Neom. Ảnh đăng lần đầu trên Gulf Insiders năm 2019

Cần lưu ý bức tranh nói trên vẫn là hình dung rực rỡ của Saudi Arabia về Neom và The Line trong tương lai. Rõ ràng để đổi lấy trải nghiệm đó thì cư dân phải cung cấp dữ liệu cá nhân đến mức tối đa. Neom là thành phố siêu thông minh hay ác mộng của đô thị siêu theo dõi, tùy vào mức độ chấp nhận chuyện đổi quyền riêng tư lấy sự tiện ích.

Bradley cho biết người dân sẽ được chọn muốn cung cấp dữ liệu nhiều đến đâu. Tuy nhiên, chưa rõ liệu Neom có đề ra một mức dữ liệu tối thiểu cần cung cấp để đổi lấy những tiện ích cơ bản nhất hay không. Dù sao đi nữa, giám đốc công nghệ của dự án vẫn tin rằng Neom sẽ thu hút những người muốn sống trong công nghệ, sẵn sàng đổi dữ liệu cá nhân để có trải nghiệm trọn vẹn nhất với thành phố của tương lai. TỊNH ANH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận