25/06/2022 19:57 GMT+7

Nga kiên quyết đứng ngoài Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân mới

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Theo giải thích của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, "Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (TPNW) đang làm xói mòn niềm tin và sự đoàn kết giữa các nước, thậm chí phản tác dụng so với tên của nó".

Nga kiên quyết đứng ngoài Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân mới - Ảnh 1.

Tên lửa RT-2PM Topol có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của quân đội Nga - Ảnh: AFP

"Liên quan đến mong muốn thiết lập nền tảng lâu dài dành cho những nỗ lực phổ cập TPNW, như đã được ghi nhận trong những văn kiện cuối cùng của hội nghị, chúng tôi nhấn mạnh: Nga không có ý định tham gia thỏa thuận này và tin rằng TPNW không thiết lập bất cứ tiêu chuẩn phổ quát nào, ngay cả thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai", Hãng thông tấn Tass trích lời bà Zakharova.

Tuyên bố được đưa ra ngay sau kỳ họp đầu tiên của các nước tham gia TPNW kết thúc hôm 24-6.

Theo bà Zakharova, quan điểm của Nga với TPNW vẫn không đổi, đó là sự phát triển của hiệp ước này vẫn còn ở bước "sơ khai, thiếu sót".

Trong cách nhìn của Nga, TPNW không làm gì để giúp giảm nguy cơ hạt nhân đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hay đưa nhân loại tiến gần hơn đến mục tiêu được nêu ra trong TPNW.

Cũng theo quan chức Nga, cách tiếp cận được nêu ra trong TPNW chỉ dẫn đến nguy cơ gia tăng mâu thuẫn giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân.

"Hiệp ước này không tính đến bối cảnh quân sự - chính trị và quân sự - chiến lược, thậm chí còn đi ngược lại nguyên tắc rằng việc giải trừ hạt nhân phải được thực hiện theo cách tất cả các nước cùng cảm thấy mức độ đảm bảo an ninh được tăng lên", bà Zakharova nêu lập luận.

TPNW là kết quả của một hội nghị được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc triệu tập vào năm 2017 nhằm mục đích loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân theo cách có ràng buộc pháp lý.

TPNW bao gồm một loạt lệnh cấm như cấm các nước thành viên tham gia phát triển, thử nghiệm, sản xuất, mua lại, sở hữu, dự trữ, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước cũng nghiêm cấm việc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ quốc gia khác và cung cấp hỗ trợ cho bất kỳ quốc gia nào tiến hành các hoạt động bị cấm.

Theo trang web của Liên Hiệp Quốc, có 122 quốc gia ủng hộ hiệp ước trong phiên bỏ phiếu ngày 7-7-2017 tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Các nước lớn, bao gồm những nước sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc phụ thuộc vào "chiếc ô hạt nhân" đứng ngoài TPNW. Hiệp ước chính thức có hiệu lực từ ngày 22-1-2021.

Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp - các nước thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và có vũ khí hạt nhân - đã tẩy chay cuộc họp đầu tiên của các bên tham gia TPNW khai mạc ở Áo hôm 21-6.

Chiến sự Ukraine tái định hình kho vũ khí hạt nhân của thế giới Chiến sự Ukraine tái định hình kho vũ khí hạt nhân của thế giới

TTO - Con số các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhiều khả năng sẽ không dừng lại ở số 9, khi nhiều nước đang muốn sở hữu "vũ khí hủy diệt" do lo ngại an ninh.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên