29/04/2021 12:05 GMT+7

Ngân hàng chi lớn cho cuộc đua trí tuệ nhân tạo

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Song song với cuộc đua tăng vốn, chia cổ tức, một nội dung nóng trong mùa đại hội cổ đông năm nay là việc ngân hàng chi lớn để đầu tư công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động.

Ngân hàng chi lớn cho cuộc đua trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1.

Tại đại hội cổ đông tổ chức hôm nay, Ngân hàng Nam Á cho hay số hóa tiếp tục là chiến lược mũi nhọn trong thời gian tới - Ảnh: A.H.

Cuộc đua ngày càng nóng hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng chính thức được áp dụng phương thức định danh trực tuyến (eKYC) để mở tài khoản từ xa từ đầu tháng 3-2021.

Tại đại hội cổ đông được tổ chức ngày hôm nay, 29-4, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.400 tỉ đồng, tăng 40% so với năm trước. 

Đồng thời, cổ đông ngân hàng cũng thông qua việc tăng vốn điều lệ trong giai đoạn tiếp theo lên 8.564 tỉ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2020 với mức chia 14,68% và chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ. 

Với việc hoàn thành niêm yết cổ phiếu lên sàn UPCoM vào tháng 10-2020, ngân hàng cũng được đại hội cổ đông chấp thuận chuyển niêm yết lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). 

Song song đó, ngân hàng này xác định số hóa tiếp tục là chiến lược mũi nhọn trong thời gian tới với mục tiêu quản trị, điều hành trên nền tảng số, tạo ra các sản phẩm dịch vụ khác biệt.

Sau khi trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam có robot phục vụ, ngân hàng này cho biết đã hoàn thiện và nâng cấp liên tục hệ sinh thái công nghệ (Robot OPBA - VTM OneBank - App OpenBanking). 

Đồng thời, ngân hàng cũng hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn đầu hệ thống nhận diện định danh điện tử (eKYC) nhằm tiện ích hóa quy trình xác minh, giúp khách hàng giảm bớt thời gian, chi phí đến quầy giao dịch trực tiếp.

Nhiều ngân hàng khác cũng đầu tư rất lớn cho công nghệ. Tại đại hội cổ đông tổ chức hôm qua, 28-4, chủ tịch Ngân hàng Phương Đông (OCB) Trịnh Văn Tuấn cho biết năm 2020 cũng đánh dấu bước nhảy vọt của ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI với số lượng khách hàng tăng 66%, số lượng giao dịch trực tuyến tăng trưởng 250%, tỉ trọng số lượng giao dịch trên OCB OMNI trên tổng giao dịch đạt 83%. 

Sau cuộc thi Open API Challenge vừa qua, OCB tiếp tục làm việc với 2 đối tác Fintech để phát triển sản phẩm từ nền tảng này. Nền tảng Open API được xây dựng và kỳ vọng cho phép các bên thứ ba tiếp cận vào Sandbox (cơ chế thử nghiệm) của OCB để phát triển những sản phẩm tài chính trên cơ sở chia sẻ tài nguyên với ngân hàng… 

Trước đó, vào cuối năm ngoái, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng bắt tay với ngân hàng số Timo Plus với định hướng sẽ là đơn vị cung cấp nền tảng và dịch vụ ngân hàng cho các đối tác hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech). 

Vì sao các ngân hàng chi lớn cho cuộc đua công nghệ? 

Theo các chuyên gia, với sự phát triển của công nghệ, các ngân hàng có thể tận dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, sát với nhu cầu thực tế của khách hàng. 

Chưa kể AI còn có khả năng phân tích dữ liệu của các giao dịch trong quá khứ và hiện tại, hành vi điển hình của khách hàng để phát hiện ra những vấn đề bất thường, tránh gian lận. Công nghệ cũng giúp ngân hàng nâng cao hiệu suất, giảm chi phí…

Hiện tại nhờ sự phát triển của công nghệ, tại nhiều quốc gia đã hình thành xu hướng ngân hàng không chi nhánh, qua đó cho phép các ngân hàng phục vụ tốt hơn với nhiều phân khúc khách hàng, ngay cả người dân ở các vùng xa xôi, hẻo lánh khó tiếp cận được với ngân hàng.

Mobile Money có kịp triển khai trong năm 2021? Mobile Money có kịp triển khai trong năm 2021?

TTO - Ông Phạm Tiến Dũng, vụ trưởng Vụ thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, cho biết Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo phiên bản đề án hoàn chỉnh về Mobile Money lên Thủ tướng nhưng vẫn tiếp tục tiếp nhận ý kiến góp ý của các bộ, ngành.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên