07/08/2020 10:16 GMT+7

Ngân hàng 'vượt sóng' thời COVID-19

MINH THÀNH
MINH THÀNH

TTO - Xác định là một năm không dễ dàng do những ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên nhiều ngân hàng vẫn đạt mức lợi nhuận khả quan trong 6 tháng đầu năm 2020 nhờ đa dạng hóa nguồn thu mà trọng tâm là những thu nhập ngoài lãi.

Ngân hàng vượt sóng thời COVID-19 - Ảnh 1.

Techcombank đang xếp thứ ba về lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2020 - Ảnh: MINH THÀNH

Techcombank tăng trưởng ổn định trên thị trường vốn nợ nhờ việc hỗ trợ các doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu, đáp ứng nhu cầu tài chính dài hạn của họ và sau đó phân phối trái phiếu cho các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nhỏ lẻ có giá trị tài sản ròng cao.

Moody’s đánh giá

Nguồn thu từ các loại phí chủ chốt như thẻ, bảo hiểm, phát hành trái phiếu cùng những dịch vụ ngân hàng chú trọng đẩy mạnh trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm khá thấp.

Lợi nhuận ngàn tỉ nhờ đa dạng hóa nguồn thu

Techcombank vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 6.700 tỉ đồng, doanh thu đạt 11.800 tỉ đồng, tăng lần lượt 19% và 30% so với cùng kỳ năm 2019. 

Đây là kết quả khá khả quan trong bối cảnh vừa trải qua đợt giãn cách xã hội trong quý 2 phần nào ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng.

Với lợi nhuận trước thuế đạt 6.700 tỉ đồng, Techcombank đã hoàn thành 51,5% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà đại hội cổ đông đã thông qua. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.400 tỉ đồng, tăng 19% so với mức 4.500 tỉ của nửa đầu năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm, thu nhập từ lãi và dịch vụ của Techcombank tiếp tục đi lên, trong đó lãi thuần đạt 8.100 tỉ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 2.000 tỉ đồng, tăng trưởng 57% so với 6 tháng đầu năm 2019 và chiếm 16,8% tổng doanh thu, do có sự đóng góp mạnh mẽ của hoạt động bảo lãnh phát hành trái phiếu.

Tỉ lệ an toàn vốn (CAR) cuối kỳ của Techcombank, theo Basel II, đạt 16,9%, cao hơn gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu của trụ cột I Basel II (8%) và cao hơn mức 15,5% tại thời điểm cuối năm 2019. 

Nợ xấu ở mức 0,9%, thấp hơn mức 1,1% thời điểm 31-3-2020 do ngân hàng đã chủ động xử lý nợ xấu trong nửa đầu năm 2020.

Với kết quả lợi nhuận như trên, Techcombank đang xếp thứ ba về lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2020, sau Vietcombank và VietinBank. Techcombank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 ở mức 13.000 tỉ đồng, tăng nhẹ so với năm 2019 và hướng tới vị trí "á quân" lợi nhuận trên toàn hệ thống chỉ sau Vietcombank.

Ngân hàng vượt sóng thời COVID-19 - Ảnh 3.

Techcombank đa dạng hóa nguồn thu, trọng tâm là những thu nhập ngoài lãi. Nguồn thu từ các loại phí chủ chốt như thẻ, bảo hiểm, phát hành trái phiếu cùng những dịch vụ ngân hàng được chú trọng đẩy mạnh.

Ông Phùng Quang Hưng (giám đốc điều hành Techcombank)

Tín dụng tăng thấp, ngân hàng tăng thu từ đâu?

6 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng khá thấp. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2020, tín dụng tăng 3,26%. 

Tại TP.HCM, trong khi mọi năm tăng trưởng tín dụng cao hơn bình quân chung của cả nước thì 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 2,52% do nhu cầu vốn của nền kinh tế xuống thấp vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Các doanh nghiệp hiện không dám vay vốn mở rộng sản xuất mà hoạt động cầm chừng, nhằm duy trì sản xuất kinh doanh vượt qua gia đoạn khó khăn hiện nay.

Một câu hỏi đặt ra là tín dụng tăng thấp, ngân hàng tìm kiếm nguồn lợi nhuận từ đâu để bù đắp?

Ông Phùng Quang Hưng - giám đốc điều hành Techcombank - cho hay ngân hàng tập trung vào chất lượng dịch vụ, những hoạt động giao dịch cơ bản hằng ngày của khách hàng để tạo sự tiện lợi cho khách hàng. 

Nhờ vậy, ngân hàng đã tạo ra cơ sở khách hàng mà trong ngân hàng gọi là có tính kết dính và tạo ra CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cao. Tỉ lệ CASA giúp cho biên lãi ròng và chi phí huy động vốn của Techcombank được tối ưu.

Trong báo cáo xếp hạng tín nhiệm, Moody's cho biết tỉ suất sinh lời trên tài sản hữu hình của Techcombank ở mức 2,6% trong quý 1, cao nhất trong số các ngân hàng tại Việt Nam mà đơn vị này thực hiện đánh giá.

Theo tổ chức xếp hạng này, thu nhập từ phí đóng góp tới 14% tổng doanh thu của Techcombank trong quý 1-2020 thông qua hoạt động bán bảo hiểm (bancassurance) và kinh doanh trái phiếu, bao gồm cả tư vấn phát hành trái phiếu cho khách hàng doanh nghiệp lớn và phân phối trái phiếu doanh nghiệp dưới hình thức quản lý tài sản cho khách hàng thu nhập cao.

Không chỉ Techcombank, các ngân hàng khác cũng đi theo hướng đa dạng hóa nguồn thu từ dịch vụ. 

Tại đại hội cổ đông được tổ chức vừa qua, ông Phạm Quang Dũng - tổng giám đốc Vietcombank - cũng cho hay năm 2020 đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu hoạt động, đảm bảo tăng trưởng an toàn, bền vững và hiệu quả.

Một số ngân hàng khác tập trung cho việc chuyển đổi số để giúp ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động, triển khai thêm nhiều chương trình mới nhằm hỗ trợ về vốn, lãi suất cho khách hàng ổn định kinh doanh những tháng cuối năm.

Cho vay bất động sản, ngân hàng phải "chọn mặt gửi vàng"

Những năm trước, cho vay bất động sản là một trong những mảng đem lại nguồn thu cao cho ngân hàng do có thể cho vay với lãi suất cao. 

Tuy nhiên, dịch COVID-19 và bất động sản tăng nóng suốt thời gian qua đã đặt ra bài toán khó cho các ngân hàng, nhất là khả năng thị trường bất động sản sẽ điều chỉnh theo tính chất chu kỳ.

Về vấn đề này, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều ngân hàng cho biết sẽ chỉ chú trọng cho vay với người tiêu dùng cuối cùng. Trong đó, ngân hàng ưu tiên đối tượng người làm công ăn lương. Với chủ đầu tư, ngân hàng phải chọn lựa kỹ càng mới quyết định rót vốn, tránh lập lại tình trạng nợ xấu khi cho vay bất động sản tăng cao như đã từng xảy ra trong quá khứ.

Tại Techcombank, tỉ lệ cho vay bất động sản cũng tăng khá nhanh trong thời gian qua. Về vấn đề này, chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết tất cả khách hàng mà Techcombank lựa chọn đều là khách hàng lớn, có uy tín hàng đầu trên thị trường, có thu nhập và khả năng trả nợ tốt.

"Techcombank luôn đi theo định hướng "Rủi ro thấp - Lợi nhuận cao" nên luôn lựa chọn khách hàng tốt. Thay vì làm việc với 10 khách hàng thì chúng tôi chỉ chọn làm việc với 3 khách hàng tốt nhất" - ông Hồ Hùng Anh giải thích.

Đối với lo ngại về nguy cơ thị trường bất động sản đóng băng, ông Hồ Hùng Anh nhấn mạnh Techcombank luôn chuẩn bị những kịch bản thị trường khác nhau. Đồng thời, các hệ số an toàn theo Basel II của ngân hàng đều rất cao so với mặt bằng chung.

"Cổ đông hoàn toàn có thể yên tâm khi hệ số CAR của chúng ta hiện tại lên tới 16%. Techcombank là một trong những ngân hàng có tỉ lệ an toàn vốn cao nhất thị trường" - chủ tịch Techcombank nhấn mạnh.

Ngân hàng phải tăng trích dự phòng rủi ro

Tác động của dịch COVID-19 khiến nợ xấu có dấu hiệu tăng dần, các ngân hàng đã tăng trích dự phòng rủi ro. Ngân hàng Nhà nước cũng đã dự báo nợ xấu sẽ còn tăng trong những tháng cuối năm, tuy nhiên tỉ lệ nợ xấu dù tăng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Hạ mức dự báo dư nợ tín dụng

Kết quả của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 3-2020 của Vụ Dự báo thống kê (thuộc Ngân hàng Nhà nước) vừa công bố: các tổ chức tín dụng hạ mức dự báo về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2020 ở 2 kỳ điều tra liên tiếp.

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 3,5% trong quý 3 và tăng 10,5% trong năm 2020, giảm mạnh so với kỳ vọng 13,1 - 14,1% của 2 kỳ điều tra trước.

Kết quả khảo sát cho thấy có 54,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng quý 3, kết quả hoạt động kinh doanh cải thiện tốt hơn so với quý 2. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn 15,3% tổ chức tín dụng lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh sẽ suy giảm.

Techcombank đạt lợi nhuận 6.700 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm Techcombank đạt lợi nhuận 6.700 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm

TTO - Techcombank vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 6.700 tỉ, doanh thu đạt 11.800 nghìn tỉ, tăng lần lượt 19% và 30% so với cùng kỳ năm 2019.

MINH THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên