16/04/2022 16:40 GMT+7

Ngành vận tải hành khách bằng xe buýt TP.HCM ‘thay áo mới’ để hút hành khách

T.D.V - T.DUNG
T.D.V - T.DUNG

Hiện nay, tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng ở nhiều tuyến đường huyết mạch tại TP.HCM. Xe buýt được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm xe cá nhân, hạn chế tắc đường, ô nhiễm.

Đi xe buýt tiết kiệm, an toàn

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu những hành khách thường xuyên sử dụng xe buýt để đi lại hàng ngày. Nhiều hành khách nhận định, trong những năm gần đây, hệ thống xe buýt ở TP đã "thay áo mới" với chất lượng phục vụ tốt, hệ thống xe hiện đại, an toàn. Không chỉ vậy, xe buýt giúp tiết kiệm chi phí đi lại, giảm bớt việc người dân đi xe máy gây ô nhiễm, kẹt xe…

Ông Trần Văn Đạo - một người dân sống ở TP.Thủ Đức cho biết đã sử dụng xe buýt đi lại từ nhiều năm qua do sợ tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên trên những tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh…(quận Bình Thạnh), Võ Văn Ngân, Lương Định Của…(TP Thủ Đức).

Đi xe buýt thoải mái, ít mất thời gian, không tốn xăng và không lo hít khói bụi. Vé xe buýt cũng chỉ từ 3.000 đồng/lượt đối với sinh viên và 5.000 đồng/lượt đến 7.000 đồng/lượt đối với khách thường. "Bởi vậy, đa số cán bộ hưu trí, người dân lao động, học sinh-sinh viên chọn xe buýt làm phương tiện đi lại tốt hơn", ông Đạo nói.

Ngành vận tải hành khách bằng xe buýt TP.HCM ‘thay áo mới’ để hút hành khách - Ảnh 1.

Đi xe buýt góp phần giảm thiểu lượng khói bụi trong không khí, đồng thời sẽ tránh được các tác động xấu từ ô nhiễm - Ảnh: Q.Đ

Một hành khách khác, chú Nguyễn Ngọc Thư (68 tuổi) cho rằng, đi xe buýt góp phần giảm thiểu lượng khói bụi trong không khí, đồng thời sẽ tránh được các tác động xấu từ khói, bụi và ô nhiễm lên sức khỏe.

Bên cạnh đó, xe cá nhân tăng nhanh trong khi hạ tầng đô thị không phát triển kịp, kẹt xe là vấn đề phổ biến của các đô thị lớn. Việc sử dụng xe buýt thay thế phương tiện giao thông cá nhân được coi là lựa chọn hàng đầu kéo giảm ùn tắc giao thông trong đô thị.

Nỗ lực nhằm tăng giải pháp để thu hút khách đi xe buýt

Sau đại dịch COVID-19, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP cùng các đơn vị nỗ lực nghiên cứu, lên kế hoạch vận hành lại hệ thống xe buýt để đáp ứng nhu cầu người dân.

Cụ thể, đến nay đã có 114 tuyến xe buýt trên địa bàn TP đã hoạt động trở lại phục vụ hành khách (chiếm khoảng 90% số tuyến của mạng lưới tuyến xe buýt). Còn một số tuyến còn lại, hiện Sở Giao thông Vận tải TP (Sở GTVT TP) đang tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét khôi phục hoạt động trở lại.

Sở GTVT TP cũng đã đề ra các đề án, chương trình để nâng cao chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng. Tiêu biểu là đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

Trong đó gồm 27 giải pháp để triển khai gồm cả giải pháp công trình và phi công trình, nhóm giải pháp về hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

Ngành vận tải hành khách bằng xe buýt TP.HCM ‘thay áo mới’ để hút hành khách - Ảnh 2.

Tài xế khử khuẩn bên trong xe buýt chuẩn bị phục vụ hành khách sau giãn cách xã hội - Ảnh: V.B

Tập trung tạo điều kiện phát triển và đưa vào các loại hình mới mang tính kết nối để hỗ trợ cho vận chuyển bằng xe buýt như xe buýt điện, xe buýt sông, kể cả các loại hình hỗ trợ như xe đạp công cộng.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành, mở rộng triển khai vé điện tử, tiếp tục thực hiện các dự án đầu phát triển hạ tầng cho xe buýt TP.

Đặc biệt, Sở GTVT TP.HCM cho biết, sẽ tổ chức đấu thầu khai thác dịch vụ xe buýt để các doanh nghiệp vận tải có sự cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Tạo điều kiện hoàn thiện kết nối xe buýt vào metro, buýt sông…hình thành mạng lưới giao thông công cộng.

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP khẳng định, đơn vị không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ tốt nhất cho hành khách bằng cách: xe buýt thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, trang bị nước sát khuẩn, trên xe có phát loa thông báo vị trí trạm dừng để hành khách tiện lợi xác định vị trí cần xuống trạm,hệ thống chuông bấm để hành khách tiện sử dụng thông báo cho lái xe biết nhu cầu vị trí cần xuống trạm, trang bị hệ thống camera giám sát đảm bảo an ninh trật tự…

Bên cạnh đó với hệ thống cơ sở hạ tầng có khoảng 2.000 nhà chờ, trạm dừng phủ khắp TP luôn được rà soát, chỉnh trang sạch đẹp. Đội ngũ nhân viên phục vụ, lái xe được đào tạo qua các lớp tập huấn nghiệp vụ, luôn ân cần và sẵn sàng hỗ trợ hành khách khi có yêu cầu.

Ngành vận tải hành khách bằng xe buýt TP.HCM ‘thay áo mới’ để hút hành khách - Ảnh 3.

Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP cho biết thời gian tới sẽ có nhiều cải tiến để phục vụ tốt hơn cho hành khách - Ảnh: V.B

Tuy nhiên, đi xe buýt vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như nguy cơ mất trộm hoặc có thể bị sàm sỡ. Trước thực trạng này, trung tâm luôn lắng nghe góp ý, cố gắng giải quyết nhanh nhất khi hành khách gặp sự cố. Trong thời gian tới, trung tâm có kế hoạch phối hợp với công an TP tập huấn cho nhân viên phục vụ, tài xế về các kỹ năng ứng phó, xử lý khi gặp các tình huống trên.

Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giám sát đảm bảo chất lượng phục vụ hành khách qua hệ thống giám sát hành trình GPS, camera an ninh được bố trí trong và ngoài xe được truyền tín hiệu, gửi hình ảnh về Trung tâm điều hành trực tuyến trực tiếp giám sát, theo dõi và kịp thời ghi nhận, khi phát hiện các trường hợp vi phạm trong quá trình hoạt động.

Khi gặp sự cố trên xe buýt, người dân gọi số điện thoại đường dây nóng 0693.187.200 của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP hoặc phản ánh ngay với tài xế, nhân viên phục vụ trên xe để được hỗ trợ kịp thời.

T.D.V - T.DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên