25/11/2020 09:37 GMT+7

Ngặt nghèo mưu sinh từ nhỏ nuôi ước mơ đến giảng đường

TRUNG TÂN - THẾ THẾ
TRUNG TÂN - THẾ THẾ

TTO - Trong hàng ngàn hồ sơ gửi về ban tổ chức chương trình Tiếp sức đến trường, rất nhiều tân sinh viên có hoàn cảnh ngặt nghèo, sớm mưu sinh từ khi còn nhỏ.

Ngặt nghèo mưu sinh từ nhỏ nuôi ước mơ đến giảng đường - Ảnh 1.

Thiết cố gắng gom thêm củi để mẹ đỡ phải vất vả trong những ngày mưa - Ảnh: THẾ THẾ

Vượt lên nghịch cảnh, bằng nghị lực và niềm tin, nhiều bạn đã chinh phục giấc mơ đến giảng đường của mình, như câu chuyện của hai bạn trẻ dưới đây.

Thiết "thợ đụng" vào đại học

Ở xóm nhỏ, chẳng ai lạ gì Thiết "thợ đụng", vì bạn siêng năng, sẵn sàng làm mọi việc khi được thuê. Hàng xóm cũng không ngạc nhiên khi biết Thiết đậu đại học, vì "thằng bé rất chăm học". Nhưng với Thiết, chặng đường 4 năm sắp tới sẽ rất vất vả, vừa phải lo cho mình nơi thành phố, vừa lo cho mẹ ở quê nhà.

Sau khi nhập học, việc đầu tiên cậu sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM Nguyễn Hữu Thiết (xã Đắk Sô, Krông Nô, Đắk Nông) nghĩ tới là kiếm việc làm thêm để trang trải học phí, sinh hoạt. 

"Mình phải tự xoay vì mẹ tàn tật ở nhà, không làm được nhiều. Nếu mẹ phải đi vay nợ lãi cao để lo cho mình thì thật có lỗi" - Thiết tâm sự. Bạn cho biết trước mắt làm gì cũng được, miễn lo xong chi phí ban đầu. Đi học, quen môi trường mới sẽ kiếm công việc phù hợp hơn, tiết kiệm tiền để gửi về quê giúp mẹ.

Cha mất sớm từ khi Thiết 1 tuổi nên ký ức về ông không nhiều bằng người mẹ gắn bó mỗi ngày. Bị tật ở chân, đi lại vô cùng khó khăn nhưng bà Nguyễn Thị Thanh (53 tuổi) không nề hà bất cứ việc lớn bé gì để nuôi con khôn lớn. Hơn 11 năm trước, bà Thanh rời quê hương Hà Tĩnh vào huyện Krông Nô ở nhờ đất của em trai, rồi dựng một túp lều nhỏ, mua vài sào đất kiếm kế sinh nhai.

Nhớ lại chuỗi ngày một thân một mình, bà nghẹn ngào: "Trời sinh voi sinh cỏ, may mà cháu lớn lên khỏe mạnh, thông minh và rất hiếu thảo. Từ nhỏ, công việc nặng nhọc Thiết đều giúp mẹ. Sau giờ học, ai thuê gì cũng làm để có thêm đồng ra đồng vào".

Lên cấp III, học xa nhà, Thiết lại càng ý thức hơn về vai trò trụ cột của mình. Sáng, bạn dậy sớm ăn cơm rồi đạp xe ra đường lớn, đón xe buýt đi học. Chiều, nếu không có tiết học, Thiết đi làm thêm, nào là đào hố cà phê, trồng khoai, sửa cầu gỗ hoặc bưng bê...

Cô Trần Thị Kim Anh, giáo viên chủ nhiệm của Thiết, kỳ vọng: "Tôi tin với nghị lực của em, những thử thách trước mắt em sẽ vượt qua và tiếp tục học giỏi ở cấp học cao hơn".

Mình phải tự xoay vì mẹ tàn tật ở nhà, không làm được nhiều. Nếu mẹ phải đi vay nợ lãi cao để lo cho mình thì thật có lỗi.

Nguyễn Hữu Thiết

Ngặt nghèo mưu sinh từ nhỏ nuôi ước mơ đến giảng đường - Ảnh 3.

Những lúc có thời gian, Châu giúp cha cắt cỏ cho bò ăn - Ảnh: TR.TÂN

Đôi chân cha nâng giấc mơ con

Một tối muộn vào năm 2002, ông Đặng Văn Thủy (trú xã Ea Trul, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) xót xa khi nhìn thấy chân trái của đứa con gái bị teo nhỏ lại, tay phải dị tật đến lạ thường. Ông cũng dị tật, vợ mù lòa, mong con ra đời sẽ lành lặn hơn mình, nhưng số phận bi thương cứ đeo bám mãi. Bác sĩ xác định con ông bị khớp giả xương chày chân trái, xương không phát triển, hai khớp không liền được nhau và tiến hành cắt bỏ để lắp chân giả.

Dù cơ thể không lành lặn, bản thân luôn đau yếu, con gái ông Thủy rất ham học. Nay cô con gái Đặng Ngọc Bảo Châu đã trở thành tân sinh viên Trường ĐH Đà Nẵng. Ông Thủy tâm sự hai vợ chồng bị dị tật bẩm sinh, mãi hơn 40 tuổi mới về sống chung. Từ lúc Châu được sinh ra đã bị tật ở tay, chân, đi lại và sinh hoạt vô cùng khó khăn. 

"Đến nay tôi không nhớ nổi phải đưa cháu đi bệnh viện để "cắt bớt" tay chân biết bao lần. Con bé học giỏi dù sức khỏe không tốt, thường phải nghỉ giữa chừng để đi phẫu thuật" - ông Thủy rơm rớm nước mắt.

Châu cho biết, nếu không có cha, việc học tập của mình sẽ đứt đoạn. Bởi suốt những năm đi học, nhà cách trường mấy cây số mà Châu không thể đi bộ xa nên người cha trở thành đôi chân cho con. 

Trên chiếc xe cà tàng, ông Thủy chở con đến lớp vào mỗi sáng và buổi trưa đón về. "Rồi cháu cũng đậu đại học. Vợ chồng tôi vui lắm, nhưng cũng lo thắt ruột vì chi phí ăn ở của con và còn đáng lo hơn khi Châu đi lại không tiện" - ông bày tỏ.

Hiểu nỗi lòng của cha, Châu đã xin ở ký túc xá tầng thấp hoặc nhà trọ giá rẻ gần trường để tiện việc học. "Một thời gian nữa mình sẽ đi làm gia sư để đỡ đần cha mẹ. Ngành học mình chọn là công tác xã hội với mong muốn sau này về làm công tác xóa đói giảm nghèo ở huyện, xã để đỡ phải di chuyển, không ảnh hưởng người khác mà có thể tự nuôi bản thân, lo cho cha mẹ già" - Châu tự tin.

Tập viết chữ bằng cả bàn tay

Hằng ngày, ông Thủy lắp chân giả cho Bảo Châu rồi nhẫn nại cùng tập đi với con. "Con bé cứng rắn, dù đau đến cắn môi chảy máu vẫn cố tập đi, với mong ước được đến lớp" - ông nhớ lại.

Bệnh tật như muốn ngăn con đường học tập của Châu. Đầu năm 2013, sau đợt mổ một khối u ở tay phải, ngón tay của Châu trở nên yếu ớt. Không cầm bút được bằng hai ngón tay như trước nữa, Châu đành tập viết bằng cách dùng cả năm ngón tay cầm bút.

"Mình tập viết lại như trẻ nhỏ, ban đầu rất mỏi và đau nhức nhưng rồi cũng quen. Không viết thì làm sao đi học được, mà phải viết rõ, viết nhanh để kịp bài kiểm tra, bài thi nữa" - Châu xúc động.

Ngặt nghèo mưu sinh từ nhỏ nuôi ước mơ đến giảng đường - Ảnh 5.
'Chúng tôi hoãn nhiều lần vì muốn đợi các em'

TTO - Một năm đầy biến động với học sinh, sinh viên miền Trung khi bão chồng bão, lũ chồng lũ liên tục xảy ra. Trong gian khó, những tấm lòng xích lại gần nhau và thêm mạnh mẽ, dù câu chuyện của người trao lẫn người nhận đều là câu chuyện vượt khó.

TRUNG TÂN - THẾ THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên