13/02/2019 20:35 GMT+7

Ngày thơ Việt Nam vinh danh cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Ngày thơ Việt Nam 2019 thay vì tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng như thường lệ, năm nay được chọn tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng, đúng ngày kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Ngày thơ Việt Nam vinh danh cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc - Ảnh 1.

Cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc năm 1979 sẽ được vinh danh trong Ngày thơ Việt Nam 2019 - Ảnh: Tư liệu

Diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội với chủ đề Sông núi trên vai, Ngày thơ Việt Nam năm 2019 hướng về biên cương, hải đảo của Tổ quốc, kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17-2-1979 đến 17-2-2019).

Với chủ đề này, các bài thơ về biên giới, hải đảo, về cuộc chiến tranh biên giới và tác giả sẽ được vinh danh trong ngày thơ. 

Theo nhà thơ Việt Chiến - đại diện Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam 2019, toàn bộ các pano lớn dựng trong khuôn viên của Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ in chân dung những nhà thơ cùng bài thơ hay nhất về biên giới của họ…

Ngoài ra, các tác giả sẽ đọc các bài thơ về biên giới, hải đảo của mình và giao lưu với khán giả ở các sân khấu thơ. 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong buổi họp báo chiều 13-2 tại Hà Nội nói chủ đề Sông núi trên vai không chỉ bó hẹp nội dung đề tài chiến tranh bảo vệ biên giới, mà theo nghĩa rộng là tình yêu đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong thơ ca. 

Nhà thơ Việt Chiến tiết lộ thêm, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh sẽ đọc 2 bài thơ Thư mùa đông Gởi từ đảo nhỏ; Trần Đăng Khoa sẽ gửi tới người yêu thơ bài Đỉnh núi; Nguyễn Quang Thiều sẽ đọc bài thơ Đêm sân ga; Hoàng Nhuận Cầm mang tới bài thơ xúc động có tên Anh không thể nào mang đến cho em.

Nhà thơ Anh Ngọc giới thiệu tới công chúng trường ca có tên được chọn làm chủ đề của Ngày thơ năm nay - Sông núi trên vai.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến sẽ trình diễn bài thơ Tổ quốc nơi biên thùy của người Việt. Anh cho biết đây là bài thơ anh sáng tác dành tặng những chiến sĩ đã hi sinh ở chiến trường Vị Xuyên, Phong Thổ, Đồng Đăng.

Việt Chiến đã viết bài thơ từ niềm xúc động khi về thăm lại chiến trường Vị Xuyên cùng với đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam 5 năm trước.

Trong không gian linh thiêng của Văn miếu một ngày đặc biệt, Việt Chiến sẽ ngân lên những vần thơ xúc động trước hàng ngàn công chúng Việt Nam và hàng trăm nhà thơ quốc tế dự Ngày thơ Việt Nam:

… Mùa này biên giới đầy sương

Có ai trở lại chiến trường về thăm

Vị Xuyên, Phong Thổ, Đồng Đăng

Các anh ngã xuống trẻ măng thủa nào


Các anh nằm dọc chiến hào

Từng cây số máu trên cao nguyên này

Trong tầm lựu đạn ném tay

Trong khe ngắm của những cây súng thù…

Hơn 200 nhà thơ đến từ 50 nước tham dự Ngày thơ

Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam còn diễn ra 2 sự kiện lớn về văn học gồm: Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV (diễn ra ngày 16-2 tại Hà Nội), Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III (vào ngày 18-2 tại TP Hạ Long, Quảng Ninh).

Ngoài ra, chiều 16-2, tại Hà Nội, các nhà thơ quốc tế và Việt Nam sẽ tham dự giao lưu và đọc thơ với sinh viên Trường ĐH Văn hóa và Trường ĐH Sư phạm với chủ đề Trên đôi cánh thơ ca.

Ngày 19-2, đúng ngày Rằm tháng Giêng năm Kỷ Hợi, các nhà thơ Việt Nam và quốc tế, công chúng yêu thơ và các đoàn nghệ thuật dân gian sẽ dự Ngày thơ Việt Nam tại thành cổ Xương Giang (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) với chủ đề Người Kinh Bắc.

Ngày thơ Việt Nam năm nay dự kiến thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu quốc tế là những nhà thơ, nhà văn, nhà xuất bản, nhà nghiên cứu văn hóa tiêu biểu cho nền văn học đương đại của 50 nước trên thế giới...

Nhân dịp này, 3 ấn phẩm gồm: 10 thế kỷ văn học Việt Nam (Phong Lê), tuyển tập thơ Việt Nam Sông núi trên vai của 44 tác giả và tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại Một loài chim trên sóng của 22 tác giả được xuất bản song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh sẽ ra mắt công chúng trong nước, quốc tế.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên