07/12/2014 13:38 GMT+7

Người khiếm thị ít cơ hội học tập và tìm việc

THÙY AN
THÙY AN

TT - Tỉ lệ học sinh khiếm thị được đi học trên cả nước chỉ đạt 7%, tỉ lệ người khiếm thị được học nghề và có việc làm chỉ khoảng 15%.

Cơ hội nghề nghiệp ít ỏi do định kiến người khiếm thị chỉ có thể làm một số công việc nhất định (như matxa, nhạc công, nhân viên nghe điện thoại, nghề thủ công...).

Thực trạng này được đưa ra tại hội thảo “Hỗ trợ người khiếm thị học tập và học nghề” do khoa công tác xã hội Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức sáng 6-12.

Người khiếm thị được đến trường đã khó, người khiếm thị tìm được công việc để tự nuôi sống bản thân còn khó hơn. Thực trạng về khả năng học văn hóa và học nghề cũng như tìm việc của người khiếm thị được đưa ra tại hội thảo cho thấy cơ hội hòa nhập dành cho họ còn quá ít ỏi.

Sinh viên khiếm thị gặp nhiều rào cản ở môi trường ĐH, họ phải nỗ lực hòa nhập và học tập như những sinh viên bình thường dù khả năng tiếp thu của họ hoàn toàn khác.

Ngoài các vấn đề di chuyển, giáo trình, việc tiếp thu bài giảng có sử dụng thiết bị công nghệ, giảng viên các trường ĐH ở nước ta hiện nay không được trang bị kiến thức cơ bản về giáo dục đặc biệt cũng là rào cản đáng kể cho sinh viên khiếm thị.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, khoa công tác xã hội, cho rằng còn nhiều bất bình đẳng trong giáo dục cho người khiếm thị, trong đó có một khía cạnh là “thái độ “thương hại” của giáo viên, sự bao bọc của nhà trường và bệnh thành tích trong giáo dục đã đưa đến kiểu giáo dục dễ dãi, ban phát điểm số, khiến các em và gia đình không đánh giá đúng năng lực học tập, có khi còn ảo tưởng.

Cô Hiền cũng bày tỏ băn khoăn khi hiện nay loại hình và ngành nghề đào tạo cũng như thị trường lao động cho người khiếm thị còn rất hạn chế. Cơ hội việc làm khó khăn làm giảm sự tự tin và khả năng hòa nhập cộng đồng của họ.

Tại hội thảo, một số trung tâm, trường khiếm thị cũng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tư vấn tâm lý, hướng nghiệp cho người khiếm thị, nhằm giúp họ chọn một công việc phù hợp để nuôi sống bản thân.

Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng (Thủ Đức, TP.HCM) là một trong số ít những trung tâm có phòng tư vấn tâm lý - hướng nghiệp cho người khiếm thị. Cô Lê Thị Vân Nga, giám đốc trung tâm, cho hay:

“Để hỗ trợ người khiếm thị trong học tập và học nghề, trung tâm có nhiều hình thức như hỗ trợ tại nhà, tại trường, qua điện thoại, email... Trung tâm cũng lập kế hoạch giáo dục cá nhân cho từng học sinh để các em có thể định hướng tương lai và tự lập. Chúng tôi có chuyên viên tư vấn tâm lý, hướng nghiệp cũng như hỗ trợ về công nghệ thông tin cho các em”.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ việc học và nghề nghiệp cho người khiếm thị, trong đó quan trọng là tư vấn, hướng nghiệp cho người khiếm thị, xây dựng các chính sách giải quyết việc làm cho người khiếm thị, tăng cường vai trò của nhân viên công tác xã hội, thúc đẩy sự hợp tác giữa các trung tâm khiếm thị và nhà tuyển dụng...

THÙY AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên