17/01/2016 06:17 GMT+7

Người phụ nữ mang lướt ván đến Iran

D.KIM THOA (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)
D.KIM THOA (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)

TT - Khi nghĩ đến Iran, điều đầu tiên nhiều người biết về quốc gia này là chương trình hạt nhân. Và có thể điều cuối cùng người ta nghĩ tới sẽ là lướt ván.

Chị Marion Poizeau và các em nhỏ Iran chia sẻ niềm vui với môn thể thao lướt ván - Ảnh: Mpora
Chị Marion Poizeau và các em nhỏ Iran chia sẻ niềm vui với môn thể thao lướt ván - Ảnh: Mpora

Cách đây gần ba năm, nhà làm phim người Pháp và cũng là người đặc biệt mê lướt ván, chị Marion Poizeau, cũng bị tò mò bởi ý nghĩ đó. Một người bạn của chị bảo anh biết ở Iran không có ai lướt ván, nhưng anh cũng biết ở vùng biển đông nam Iran có một khu vực lướt ván rất tuyệt vời.

Năm 2010 anh bạn này kết nối Poizeau với Easkey Britton, một nữ vận động viên lướt sóng chuyên nghiệp người Ireland, họ hẹn nhau tập kết tại Iran.

Thoạt đầu họ cũng có đôi chút lo lắng, nhưng cảm giác đó qua đi rất nhanh khi người dân địa phương tỏ ra thật sự hào hứng với lần đầu tiên được xem lướt ván. Poizeau có làm một bộ phim ngắn về chuyến đi đầu tiên này và thu hút rất nhiều người xem trên mạng. Một số người Iran đã đề nghị chị và người bạn kia trở lại. Vậy là năm 2013 họ quyết định trở lại Iran và mang theo thêm một số ván lướt.

Lần này chị Poizeau quyết định chọn khu vực Baluchistan. Nói đúng ra thì nơi đó chọn chị và những người bạn vì đây là nơi duy nhất có sóng ở Iran. Cảnh sắc nơi này thật tuyệt và người dân Baluchistan đã đón tiếp những người khách hết sức nồng nhiệt. Vì đây là khu vực còn giữ nguyên những phong tục truyền thống nên chị Poizeau và các bạn phải tuân thủ nghiêm ngặt luật Hồi giáo ở đây khi lướt ván.

Ở Iran mọi phụ nữ đều phải ăn vận che kín người, ngay cả khi lướt ván họ cũng vẫn phải tuân thủ luật tục khắt khe này. Không những thế, chỉ phụ nữ mới được phép dạy phụ nữ. Mọi người đã phải tìm ra loại quần áo che được toàn thân trong nước. Để thích ứng với hoàn cảnh, chị Poizeau đã kết hợp với nhà thiết kế người Iran gốc Pháp để tạo ra các mẫu đồ bơi nhẹ và thoải mái, thích hợp với phụ nữ Hồi giáo.

Thoạt đầu khi nhóm bắt tay vào việc dạy người dân địa phương lướt ván, chỉ những người đàn ông tham gia. Nhưng rồi phụ nữ đã vào cuộc. Cho tới bây giờ thành viên học lướt ván có độ tuổi từ 10-35 gồm cả nam, nữ. Chị Poizeau cho biết chính quyền địa phương đã rất ủng hộ việc này.

Các thành viên của hội đồng địa phương đã mời nhóm của Poizeau tới nói chuyện về lướt ván và về việc phụ nữ có thể lướt ván. Một lãnh đạo tôn giáo cũng ủng hộ công việc của nhóm và khuyến khích việc dạy lướt ván. Vị lãnh đạo tôn giáo nói đạo Hồi khuyến khích thể thao ngay cả với phụ nữ vì có lợi cả về thể chất lẫn tinh thần.

Tất cả những đón nhận và ủng hộ từ cộng đồng ở địa phương đã khiến chị Poizeau rất ngạc nhiên. Một vài người bố đã nhờ nhóm của chị giúp con gái họ biết lướt ván, một số người chồng cũng có yêu cầu tương tự như vậy cho vợ mình. Không cần nhọc công vận động, mọi việc đã vận hành thật tự nhiên.

Bộ phim tài liệu thứ hai Into the sea (tạm dịch: Đắm mình vào biển cả) của chị Poizeau kể lại hành trình chị và những người bạn đã đưa môn thể thao lướt ván lần đầu đến với người dân Iran được công chiếu tại Tehran tháng 11-2014. Bộ phim đã được người dân Iran đón nhận tích cực và được chọn chiếu chính thức tại nhiều liên hoan phim về lướt ván như ở London năm 2014, tại Tehran và San Diego.

Hiện tại chị Marion Poizeau là đồng sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận có tên We surf in Iran (Chúng tôi lướt ván ở Iran) với những sứ mệnh rất cụ thể. Ngoài việc tiếp tục xây dựng một trường dạy lướt ván cho tất cả mọi người dân Iran tại làng chài Ramin ở Baluchistan, tổ chức này còn thúc đẩy việc nhận thức về đại dương, giáo dục về biển và an toàn trên biển, đồng thời thúc đẩy giao lưu, trao đổi văn hóa giữa những cộng đồng văn hóa khác nhau thông qua một đam mê chung là môn lướt ván.

D.KIM THOA (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên