11/04/2019 14:37 GMT+7

Người sửa điểm thi bị khởi tố, người 'mua điểm' bị xử lý thế nào?

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Theo các chuyên gia, trong vụ sửa điểm thi THPT quốc gia, cần làm rõ trách nhiệm của những người mua điểm, đồng thời hành vi mua điểm và sửa điểm có dấu hiệu của tội đưa và nhận hối lộ.

Người sửa điểm thi bị khởi tố, người mua điểm bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiến hành khám xét nơi ở và nơi làm việc của các bị can thơi điểm khởi tố vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình - Ảnh: THÂN HOÀNG

Liên quan vụ gian lận điểm thi xảy ra ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang… cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố một số bị can để điều tra. Tuy nhiên, việc khởi tố này mới chỉ đang dừng lại ở những người trực tiếp sửa điểm, còn những người hưởng lợi từ việc sửa điểm cũng cần phải được làm rõ.

Đó là ý kiến của các chuyên gia pháp lý khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online.

Tôi cho rằng người thực thi pháp luật và bảo vệ pháp luật phải lên tiếng mạnh mẽ, định hướng chứ không thể nói là vì lý do nhân đạo rồi làm cho mất công bằng, lệch lạc, làm ảnh hưởng đến niềm tin trong xã hội"

Luật sư Trần Hồng Phong

Cần làm rõ động cơ sửa điểm là gì?

Theo luật sư Hoàng Văn Hướng - Đoàn luật sư TP Hà Nội, trong vụ gian lận điểm thi, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều bị can về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" hoặc "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".

Đây là những người trực tiếp thực hiện việc sửa và nâng điểm cho hàng chục thí sinh. Nhưng dư luận cho rằng việc chỉ khởi tố những người này mà chưa khởi tố những người hưởng lợi, hoặc đưa ra yêu cầu sửa điểm, là chưa thỏa đáng.

Do đó, cần phải điều tra triệt để xem động cơ của những người sửa điểm là gì, từ đó có thể xác định được thêm những đồng phạm khác của họ.

Cũng theo luật sư Hướng, vụ việc diễn ra ở nhiều tỉnh thành, mức độ rất nghiêm trọng, bởi vậy để khách quan, nên để Bộ Công an trực tiếp điều tra chứ không để công an các tỉnh làm.

Liên quan đến vai trò của những thí sinh được nâng điểm, ông Hướng cho rằng: "Có thể các cháu đúng là nạn nhân, nhưng các cháu đã đủ 18 tuổi, đủ tuổi trưởng thành và nhận thức được những thứ lợi ích mình nhận được mà không thuộc về mình. Các cháu biết lực học của mình thấp nhưng được điểm cao và vẫn vô tư đi học là không trung thực, không khác nhặt được của rơi mà lại bỏ luôn vào túi mình".

"Có thể không phải đưa ra hình phạt gì nặng nề với các thí sinh này nhưng cũng cần phải công khai danh tính của họ để mang lại công bằng cho xã hội", ông nói.

Có dấu hiệu của tội đưa, nhận hối lộ

Luật sư Trần Hồng Phong - Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng nếu các cơ quan tố tụng không làm rõ được vai trò của những người liên quan đến việc sửa điểm thi - cả người mua điểm lẫn người sửa điểm, thì sẽ khiến người dân mất lòng tin vào pháp luật, công lý cũng như đạo đức xã hội.

"Cứ kiểm tra tài khoản của những người trực tiếp sửa điểm, những người thân của họ, cha mẹ của các thí sinh xem tài khoản có giao dịch chuyển đổi không. Phải bị trừng phạt nặng là nhóm người mua điểm", ông Phong nói.

Theo ông, cần phải khởi tố thêm các bị can khác thuộc nhóm những người muốn nâng điểm. "Hãy nhìn vào nước Mỹ, Mỹ xử luôn cha mẹ các học sinh mua điểm tội rửa tiền", ông thêm.

Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Chung - Viện trưởng VKSND quận 8 TP.HCM, cho rằng nếu người mua điểm "trả công" cho người sửa điểm bằng tiền thì tội họ nặng hơn và có thể xem xét tội đưa và nhận hối lộ.

TAND TP.HCM đã xử một cô giáo tội nhận hối lộ vì sửa điểm

Một thẩm phán của TAND TP.HCM cho biết trước đây tòa này đã từng xử án tù cho tội nhận hối lộ một nữ giảng viên trường đại học do người này đã nhận 5 triệu đồng để nâng điểm cho sinh viên.

Do đó, hành vi sửa điểm vì bất cứ động cơ gì thì cũng cần phải làm rõ. Theo ông này, có thể cơ quan điều tra đang mở rộng vụ án và củng cố hồ sơ, chứng cứ để làm rõ ràng mọi tình tiết liên quan.

Thí sinh Thí sinh 'mua điểm' năm 2018 có được thi, xét tuyển năm 2019?

TTO - Sau những công bố mới nhất của cơ quan điều tra về vụ sửa điểm thi THPT quốc gia, dư luận băn khoăn: Những thí sinh được phụ huynh 'mua điểm' có bị tước quyền dự thi 1-2 năm để tăng tính răn đe và cảnh báo?

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên