09/01/2020 18:12 GMT+7

Người Thái bất ngờ dùng Twitter chỉ trích hoàng gia nhiều hơn

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Theo luật ở Thái Lan, xúc phạm các thành viên hoàng gia có thể bị phạt tù. Tuy nhiên, những tiếng nói chỉ trích bất ngờ xuất hiện nhiều hẳn lên trong những ngày gần đây ở một "nơi" không hề kín đáo: mạng xã hội Twitter.

Người Thái bất ngờ dùng Twitter chỉ trích hoàng gia nhiều hơn - Ảnh 1.

Công chúa Thái Lan Sirivannavari - Ảnh: REUTERS

"Không còn những nội dung vốn chỉ có thể nói thầm trong các bối cảnh riêng tư để bày tỏ quan điểm về hoàng gia, giờ đây người Thái Lan đang công khai thảo luận và đôi khi chỉ trích hoàng gia bất chấp luật hà khắc" - báo Straits Times mở đầu bài viết đăng ngày 9-1.

Thật vậy, với việc nhà chức trách Thái Lan giám sát chặt chẽ Facebook - mạng xã hội phổ biến tại nhiều nước châu Á, ngày càng nhiều người ở Thái Lan đang bày tỏ quan điểm của mình thông qua Twitter.

Hơn 4,1 triệu tài khoản Twitter được đăng ký từ Thái Lan. Nhiều tài khoản sử dụng tên và ảnh giả, thường của các ngôi sao K-pop (Hàn Quốc).

Bước sang năm mới vừa qua, những người dùng Twitter ở Thái Lan đồng loạt sử dụng hashtag #IslandsShutdown (Đóng đảo) - trở thành hashtag phổ biến hàng đầu trên Twitter trong vài ngày.

Hashtag này đã được sử dụng khoảng 382.000 lần từ ngày 1 tới ngày 3-1-2020, và kể từ đó tới nay đã được lặp lại hơn 1 triệu lần, theo báo Straits Times.

Mọi chuyện bắt đầu sau khi chính quyền xứ sở chùa vàng đóng cửa các đảo nổi tiếng ở miền nam Thái Lan để chuẩn bị cho chuyến thăm cuối năm vừa qua của công chúa Sirivannavari, con gái út vua Maha Vajiralongkorn.

Trong những ngày cuối năm 2019, chính quyền đã gửi thư tới các công ty kinh doanh lữ hành ở nhiều khu vực thuộc vườn quốc gia Nopparat Thara và quần đảo Phi Phi, ngay trước chuyến thăm 4 ngày của công chúa Sirivannavari. Họ yêu cầu các công ty trên hợp tác và dừng nhiều hoạt động du lịch.

Trang tin Khaosod English của Thái Lan hôm 2-1 đăng bài viết: "Netizens Furious at Authorities Closing Down Popular Islands" (tạm dịch: Dân mạng nổi giận với việc chính quyền đóng cửa các đảo nổi tiếng).

Tuy nhiên, ngày 9-1, khi truy cập, bài viết này không còn đọc được, xuất hiện dòng thông báo: "Xin lỗi, nhưng hiện trang bạn đang tìm kiếm không tồn tại".

Ông Soraj Hongladarom, giáo sư triết học tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), nhận định những chỉ trích nhắm vào công chúa Sirivannavari và hoàng gia Thái Lan không phải lần đầu xuất hiện, nhưng đây là "một sự thay đổi cấu trúc ở cấp độ vĩ mô trong xã hội Thái Lan" chưa từng thấy.

Hiện luật xét xử Lese Majeste (tội khi quân) của Thái Lan nêu rõ “bất cứ ai làm tổn hại hình ảnh, xúc phạm, phỉ báng hay đe dọa nhà vua, hoàng hậu, người thừa kế hoặc nhiếp chính của hoàng gia sẽ bị phạt tù từ 3 tới 15 năm”.

Nhiều người đã bị phạt tù vì vi phạm luật này hoặc các luật về tội phạm mạng do đăng những bài viết chỉ trích hoàng gia Thái Lan.

Năm 2017, một người đàn ông ở Thái Lan đã bị phạt tù vì 10 bài đăng, trong đó có nội dung được cho xúc phạm hoàng gia Thái Lan. Ban đầu ông bị tuyên 70 năm tù nhưng cuối cùng được giảm xuống một nửa, còn 35 năm tù sau khi nhận tội.

Do đó, những cuộc thảo luận và những chỉ trích công khai xuất hiện trên Twitter gần đây là một điều đáng chú ý. Ông Soraj Hongladarom đánh giá những chỉ trịch công khai với hoàng gia Thái Lan ngày càng tăng là một diễn biến đáng kinh ngạc.

Nhà vua giữ vai trò gì ở Thái Lan? Nhà vua giữ vai trò gì ở Thái Lan?

TTO - Ở Thái Lan, nhà vua không có quyền lực tuyệt đối. Vai trò của nhà vua phần lớn mang tính biểu tượng, nhưng ông vẫn có sức ảnh hưởng đáng kể và được xem là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong xã hội Thái Lan.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên