27/11/2017 10:16 GMT+7

Nguy cơ 'Đại thế chiến' cáp ngầm dưới biển

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - 99% lưu lượng dữ liệu kỹ thuật số được truyền qua cáp ngầm dưới biển chứ không qua vệ tinh. Cáp ngầm sẽ giữ vai trò địa-chiến lược quyết định tương quan lực lượng trong tương lai.

Từ nay đến năm 2030, cáp ngầm dưới biển sẽ trở thành mục tiêu cạnh tranh tiềm năng của các cường quốc. Kết luận đã được nêu trong công trình nghiên cứu dày 208 trang của Ban Tổng thư ký quốc phòng và an ninh quốc gia Pháp - cơ quan tham mưu trực tiếp cho Thủ tướng về an ninh mạng, công bố vào tháng 4-2017.

Công trình nghiên cứu có tiêu đề "Những cú sốc tương lai - Tác động của những chuyển biến và gián đoạn công nghệ đối với môi trường chiến lược và an ninh".

Nguy cơ Đại thế chiến cáp ngầm dưới biển - Ảnh 1.

Đấu nối cáp ngầm vào bãi biển Melaka (Malaysia) ngày 30-10-2015 - Ảnh: AP

Căng thẳng đã xảy ra trên biển

Theo Công ty tư vấn viễn thông TeleGeography (Mỹ), trên thế giới có khoảng 430 tuyến cáp ngầm dưới biển đang hoạt động. Do cáp ngầm trở thành yếu tố sống còn của xã hội, sự cố xảy ra sẽ mang đến hậu quả nghiêm trọng.

Trung tuần tháng 4-2017, đường cáp quang SEA-ME-WE 4 nối bờ biển Annaba (Algeria) với Marseille (Pháp) bị gián đoạn để sửa chữa do sóng lớn làm hư hại. Mạng Internet của Algeria hầu như tê liệt.

Trước đó vào cuối tháng 1-2017, phần lớn mạng Internet ở Madagascar tê liệt suốt 12 ngày do tuyến cáp ngầm nối Madagascar với Nam Phi và Sudan bị đứt do động đất.

Báo cáo công bố năm 2015 do Bộ Quốc phòng Pháp và Tập đoàn viễn thông Orange phối hợp thực hiện đã nhận định: "Khi lưu lượng quốc tế gia tăng…, cần cảnh giác hơn nữa về tính chất dễ tổn thương tại các kết nối then chốt của mạng Internet (như kết nối xuyên Đại Tây Dương), đặc biệt là nguy cơ bị tấn công vật lý".

Bản đồ cáp ngầm dưới biển là bản đồ thể hiện ảnh hưởng trên thế giới"

GS lịch sử hiện đại Pascal Griset ở Đại học Sorbonne

Điều trần trước Thượng viện Pháp hồi tháng 7-2017, đô đốc tham mưu trưởng hải quân Pháp Christophe Prazuck nhấn mạnh căng thẳng đã xảy ra tại các vùng biển giữ vai trò trung tâm trong quá trình phân phối lưu lượng Internet toàn cầu.

Ông giải thích: "Để bảo đảm tiếp cận một số tài nguyên đồng thời tăng cường kiểm soát các khu vực và tuyến đường chiến lược, một số nước đã tăng cường đưa ra yêu sách về biên giới biển bằng cách giải thích thái quá luật pháp quốc tế về biển trong khi một số nước đã tiến hành chiến lược ngăn chặn tiếp cận".

Nguy cơ Đại thế chiến cáp ngầm dưới biển - Ảnh 3.

Tàu Trung Quốc chở quân đến căn cứ quân sự ở Djibouti đầu tháng 7-2017 - Ảnh: THX

Nguy cơ hiện hữu

Ngày 13-10-2017, Pháp đã công bố báo cáo có tiêu đề "Tổng quan Chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia 2017". Báo cáo sẽ được dùng làm cơ sở để soạn thảo dự luật kế hoạch quân sự năm 2019-2025.

Báo cáo ghi nhận ngoài các nguy cơ khủng hoảng tiềm tàng ở châu Á, khu vực châu Phi dưới sa mạc Sahara, Trung Đông hay Afghanistan, hơn bao giờ hết không gian hàng hải đã trở thành yếu tố then chốt trong quốc phòng. Chỉ cần một eo biển chiến lược bị phong tỏa hay một tuyến cáp ngầm dưới biển bị phá hoại, toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo, Ấn Độ Dương là vùng biển quan trọng hàng đầu vì Djibouti là điểm kết nối các cáp ngầm nối liền châu Phi và châu Á, 3/4 xuất khẩu của EU qua kênh đào Suez và Trung Quốc đã điều tàu đến Ấn Độ Dương.

Nguy cơ lớn khác là xung đột trong không gian chung và phi vật chất. Ngoài không gian mạng và không gian ngoài khí quyển, các nước đang tiến hành ý đồ chiếm cứ biển, đứng đầu là Trung Quốc và Nga.

Tàu gián điệp Nga rình rập cáp Mỹ?

Năm 2015, căng thẳng gia tăng khi Mỹ phát hiện tàu nghiên cứu hải dương quân sự Yantar của Nga hiện diện gần tuyến cáp ngầm dưới biển. Lầu Năm góc đã theo dõi con tàu này ở bắc Đại Tây Dương từ ngày 24-8-2015 khi tàu di chuyển trên hải phận quốc tế dọc bờ đông.

Lo ngại trước diễn biến này, Na Uy đã đề nghị các đơn vị thuộc tổ chức NATO hỗ trợ theo dõi tàu Nga.

Hiện tượng này xảy ra trong bối cảnh Nga can thiệp ở miền đông Ukraine, Crimea và Syria. Do đó, hải quân Mỹ tin rằng tàu Yantar là tàu gián điệp có thể cắt cáp quang ngầm ở vùng biển sâu xa bờ.

Lúc bấy giờ chuẩn đô đốc Frederick J. Roegge - Tư lệnh hạm đội tàu ngầm trên Thái Bình Dương, đã phát biểu: "Tôi lo ngại những chuyện Nga có thể làm". Người phát ngôn hải quân Mỹ William Marks tuyên bố: "Đáng lo ngại khi một quốc gia định phá cáp viễn thông".

Nguy cơ Đại thế chiến cáp ngầm dưới biển - Ảnh 5.

Tàu nghiên cứu hải dương học Yantar của Nga bi nghi là tàu gián điệp - Ảnh: Cees Bustraan

Báo New York Times dẫn nguồn tin mật từ Lầu Năm góc đánh giá các tàu ngầm và tàu gián điệp Nga hoạt động ngày càng gần các tuyến cáp ngầm dưới biển của Mỹ với cường độ hoạt động tương đương thời chiến tranh lạnh.

Trong trường hợp căng thẳng hay khủng hoảng ngoại giao, phá hoại cáp quang ngầm là vũ khí đáp trả công hiệu vì tiến trình quyết định của NATO sẽ bị rối loạn, các giao dịch tài chính sẽ bị đình trệ.

Không chỉ đối phó với Nga, năm 2012 Mỹ đã từng loại Tập đoàn viễn thông Huawei (Hoa Vi) của Trung Quốc khỏi dự án cáp quang xuyên Đại Tây Dương Hibernia Express vì lo ngại Bắc Kinh sử dụng thiết bị của Huawei như con ngựa thành Troy để nghe lén châu Âu.

Cuộc chiến sôi động dưới đáy biển

Thật ra cơ quan tình báo các nước lớn đều phát triển công cụ thu thập thông tin từ cáp ngầm dưới biển. Báo Nouvel Observateur (Pháp) đã từng tiết lộ từ năm 2008, một văn bản mật đã cho phép Tổng cục Tình báo đối ngoại Pháp (DGSE) nghe lén điện đàm quốc tế qua cáp quang dưới biển.

Năm 2013, cựu nhân viên Cục An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tiết lộ NSA đã khai thác tuyến cáp biển SeaMeWE 4 để nghe lén các nước đồng minh châu Âu. Bộ chỉ huy thông tin chính phủ của Anh (GCHQ-cơ quan tình báo điện tử) cũng đã bí mật thực hiện chương trình Tempora nhằm giám sát thông tin qua cáp ngầm dưới biển.

Nguy cơ Đại thế chiến cáp ngầm dưới biển - Ảnh 6.

Hàng trăm đường cáp ngầm nối các châu lục hiện nay - Ảnh: TeleGeography

Do cáp ngầm dưới biển giữ vai trò quan trọng chiến lược đặc biệt nên cần được giám sát đặc biệt.

Có nhiều cách để bảo vệ cáp ngầm. Đầu tiên, các nhà mạng phải thường xuyên giám sát vì chỉ có họ mới đủ khả năng phát hiện và định vị cáp bị hỏng. Kế đến, hải quân cần tăng cường tuần tra, giám sát, đặc biệt tại vùng đặc quyền kinh tế (200 hải lý tính từ đường cơ sở của lãnh hải).

Ở Pháp, muốn hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế, các tàu như tàu nghiên cứu khoa học đều phải gửi hồ sơ từ nhiều tháng trước. Cơ quan chức năng hàng hải sẽ kiểm soát tàu bằng cách sử dụng máy bay chụp ảnh hay nghe lén dưới biển.

Hải quân Pháp cũng đã sử dụng nhiều phương tiện giám sát dưới biển như sử dụng máy dò mìn để nhận diện vật khả nghi dưới đáy biển hoặc có thể điều động Đơn vị Thợ lặn và can thiệp dưới biển (CEPHISMER) can thiệp.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên