19/06/2018 12:26 GMT+7

Nhà báo và tin giả: Lập lờ đánh lận con đen

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tin giả có thể vô hại, đọc xong rồi bỏ qua nhưng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nếu nhằm mục đích phá hủy sự nghiệp chính trị hoặc uy tín của các nhân vật nổi tiếng.

Nhà báo và tin giả: Lập lờ đánh lận con đen - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân chiêu đãi Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân tại nhà hàng trong tháp Eiffel hôm 13-7-2017 - Ảnh: AFP

Tin giả trở thành thách thức thật sự đối với nghề báo không phải vì khó phân biệt giữa thật và giả mà vì tin giả sẽ thúc đẩy vai trò của nhà báo. Họ phải có trách nhiệm vạch mặt tin giả.

Giáo sư Ivor Gaber ở Đại học Sussex, Anh

Tin bịa "nói không thành có"

Ví dụ tiêu biểu như tin Saudi Arabia tài trợ cho ông Emmanuel Macron tranh cử tổng thống Pháp.

Ngày 24-2-2017, trang web lesoir.info ở Bỉ đăng bài viết với đầu đề "Emmanuel Macron, ứng cử viên ưa thích của Saudi Arabia tranh cử tổng thống". Bài viết dẫn nguồn từ Hãng tin AFP cho biết nghị sĩ Philippe Close thuộc Đảng Xã hội Bỉ xác nhận ông Macron và đại sứ Saudi Arabia tại Paris đã gặp nhau nhiều lần. 

Nghị sĩ này còn khẳng định: "Riyadh đã quyết định tài trợ cho hơn 30% kinh phí chiến dịch tranh cử của ông Macron năm 2017".

Thật ra đây là tin vịt. Nhìn địa chỉ trang web lesoir.info bạn đọc nhầm tưởng đó là báo nghiêm túc Le Soir của Bỉ (địa chỉ lesoir.be). 

Báo Le Soir chính hiệu đã nhanh chóng khẳng định đây là tin ngụy tạo. AFP cho biết không xuất bản tin như thế. Nghị sĩ Philippe Close tuyên bố trên Twitter ông chưa từng phát biểu như trên. 

Điều đáng nói là dù các nguồn tin chính thống đã giải thích nhưng tin giả vẫn tràn ngập trên trang web của các đảng cực hữu như fdesouche.com, europe-israel.org hay civilwarineurope.com.

Năm tháng sau, trang web nordpresse.be của Bỉ đăng bài "tiết lộ" bữa ăn tối của Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Macron tại nhà hàng trong tháp Eiffel hôm 13-7-2017 tốn kém đến 82.345 euro. 

Để tạo tin tưởng, bản tin cho biết văn phòng tổng thống Pháp cung cấp thông tin này. Tin vịt đã được chia sẻ hàng ngàn lượt trên Facebook và Twitter.

Quả thật hai tổng thống Mỹ và Pháp cùng hai phu nhân có dùng bữa tối tại tầng hai tháp Eiffel. 

Tuy nhiên, dù điện Elysée không công bố bữa chiêu đãi tốn bao nhiêu, nếu tính toàn bộ các món ăn, chi phí tổ chức, chi phí an ninh thì số tiền thanh toán hơn 80.000 euro vẫn là con số quá đáng.

Không riêng gì Tổng thống Macron, phu nhân Brigitte Macron cũng không thoát khỏi tin giả. Tháng 5-2017, trang web SecretNews đưa tin bà Macron thổ lộ dù kết hôn với người đàn ông nhỏ hơn bà 25 tuổi nhưng bà vẫn thích nữ giới và bà từng sống cuộc sống như hỏa ngục với ông Macron đến mức sa vào trầm cảm và rượu chè suốt 10 năm. 

Bà cũng cho biết đã từng phẫu thuật thẩm mỹ nhiều lần. Đây là tin hoàn toàn bịa đặt do trang SecretNews bịa ra. SecretNews và nordpresse.be tung ra.

Nếu đại sứ Mỹ tham gia biểu tình tại Matxcơva, ắt hẳn sẽ xảy ra khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng. 

Ấy vậy mà ngày 26-2-2017 tại Matxcơva, ngày có cuộc biểu tình tưởng nhớ Boris Nemtsov (nhân vật thường chỉ trích Tổng thống Putin) bị bắn chết trước đó hai năm, các trang mạng xã hội ở Nga lan truyền chóng mặt bức ảnh đại sứ Mỹ tại Nga John Tefft có mặt trong đoàn biểu tình. 

Trên tay ông cầm ảnh chân dung Boris Nemtsov với dòng chữ bằng tiếng Nga: "Ông đã ngã xuống vì tương lai chúng ta".

Trên thực tế đại sứ John Tefft không tham gia biểu tình. Ảnh chụp ông đăng trên báo Moscow Times ngày 22-5-2015 đã bị chỉnh sửa để gán ghép thêm ảnh chân dung Boris Nemtsov vào. 

Tại Pháp, tiến sĩ luật Karine Bechet-Golovko và ông nghị Thierry Mariani đều bị lừa nên đã chia sẻ bức ảnh giả trên Twitter.

Nhà báo và tin giả: Lập lờ đánh lận con đen - Ảnh 3.

Ảnh đã chỉnh sửa đại sứ Mỹ tại Nga John Tefft tham gia biểu tình ngày 26-2-2017 tại Matxcơva - Ảnh: Facebook

Những phát biểu chưa từng nói

Ngày 6-11-2017, trang web Fort Russ (Nga) đăng tin công chúa xinh đẹp Ameerah al-Taweel ở Saudi Arabia trả lời phỏng vấn độc quyền của báo Le Monde (Pháp). 

Bà nhận xét thành phố Jeddah đã trở thành chợ buôn nô lệ, những người có thế lực và tiền của ăn chơi trác táng với gái nhí, ma túy và rượu. Bà đánh giá nạn nô lệ ở Saudi Arabia bí mật tồn tại để phục vụ cho số ít người trong hoàng gia...

Nội dung gây sốc nêu trên là tin giả bởi báo Le Monde chưa từng phỏng vấn công chúa Ameerah al-Taweel. Song, nó vẫn được Hãng tin Tasnim ở Iran và báo Daily Mirror tại Sri Lanka đăng lại.

Tại Úc, nguyên thủ tướng Julia Gillard cũng bị "tai bay vạ gió" như công chúa Saudi Arabia. Mạng xã hội và các trang web gài bẫy truy cập đăng tin ngày 8-10-2010, Thủ tướng Julia Gillard tuyên bố những người tị nạn Hồi giáo phải hòa nhập, còn nếu cảm thấy không hài lòng ở Úc thì nên ra đi. Thật sự bà chưa từng phát biểu như thế. 

Đầu tháng 6-2018, trang web Snopes chuyên vạch mặt tin giả cho biết cựu sĩ quan không quân Mỹ Barry Loudermilk có nêu một câu tương tự vào năm 2001 khi viết về người Hồi giáo ở Mỹ.

Tại Zimbabwe (châu Phi), khi Tổng thống Robert Mugabe từ bỏ quyền lực sau gần 30 năm cầm quyền, trang web APR News ngày 3-12-2017 loan tin phu nhân Grace Mugabe đòi ly hôn sau 21 năm chung sống vì không chịu được nỗi nhục chồng mất chức. 

APR News dẫn nguồn từ nguồn tin thân cận với gia đình ông Mugabe và một người phát ngôn của tòa án tên Lawrence Brown.

Sau đó, người phát ngôn của cựu tổng thống Robert Mugabe cho biết đây là tin giả. Bộ Tư pháp Zimbabwe xác nhận không có ai trong ngành tên Lawrence Brown. 

Dù APR News rút tin giả xuống nhưng tin giả vẫn lan truyền. Trang Le360 ở Morocco còn phịa ra bà Grace Mugabe đòi chia cả tỉ USD khi ly hôn.

APR News là hãng tin thuộc Tập đoàn Central Trade Groupe LDA ở Abidjan (Bờ Biển Ngà). Ông François Dominique Delafosse, tổng giám đốc APR News, khoe APR News là đối tác truyền thông ở châu Phi của Phòng Thương mại Mỹ, đăng ký đóng thuế ở đảo quốc Cabo Verde. Song Phòng Thương mại Mỹ không biết gì về APR News. 

Trang web này rất tích cực chia sẻ nhiều tin giả như các nhà khoa học đã kết luận phụ nữ chỉ là động vật có vú, nhạc sĩ - ca sĩ - nhạc công Bob Marley người Jamaica đã bị CIA ám hại...

Sự thật bức ảnh giả về Che Guevara

nonasciifile_2897733414

Ảnh này không liên quan đến Che Guevara - Ảnh: Twitter

Bọn làm tin giả không chừa những anh hùng như Che Guevara. Từ tháng 11-2017, một bức ảnh trắng đen lan truyền trên Twitter với nội dung một người đàn ông quay lưng mặc quân phục, đội mũ nồi chĩa súng vào hai phụ nữ. Cạnh đó là thi thể hai người nằm dưới đất.

Bức ảnh ghi chú người đàn ông trong ảnh là Che Guevara.

Thật ra đây là ảnh trong bộ ảnh tư liệu về Mặt trận Giải phóng dân tộc Farabundo Martí (FMLN) do trang web eltorogoz.net tập hợp. FMLN chiến đấu ở El Salvador từ năm 1980-1992 trong khi Che Guevara đã hi sinh vào năm 1967.

__________

Kỳ tới: Kiếm tiền từ tin giả

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên