22/09/2019 10:26 GMT+7

Nhà đấu giá quốc tế rút tranh của họa sĩ Việt Nam

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Sau khi bị giới họa sĩ Việt Nam nghi ngờ bán tranh giả của hai danh họa Trần Văn Cẩn và Tô Ngọc Vân, mới đây nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong đã rút hai bức Lá thư, Hai cô gái khỏi danh sách đấu giá vào ngày 5 và 6-10.

Nhà đấu giá quốc tế rút tranh của họa sĩ Việt Nam - Ảnh 1.

Bức tranh lụa Lá thư được nhà đấu giá Sotheby's Hongkong cho là tác phẩm của danh họa Tô Ngọc Vân - Ảnh: SOTHEBY'S

Được chào bán trong phiên đấu giá mùa thu của nhà Sotheby’s Hong Kong, ngay lập tức Lá thư (Tô Ngọc Vân) và Hai cô gái (Trần Văn Cẩn) trở thành tâm điểm của dư luận.

Tiếng nói của họa sĩ Việt Nam được lắng nghe

Bức tranh Lá thư của danh họa Tô Ngọc Vân được Sotheby’s Hong Kong định giá từ 101.000 - 191.000 USD. Trong khi đó, bức tranh lụa Hai cô gái của danh họa Trần Văn Cẩn được định giá 7.600 - 11.000 USD. Dự kiến giá bán ra của hai bức này sẽ còn tăng cao bởi vài năm gần đây, tranh của họa sĩ Việt Nam thuộc thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương đang dần vượt mốc 1 triệu USD.

Từ trước đến nay, Sotheby’s Hong Kong vẫn được xem là "cửa ngõ" nâng tầm giá tranh Việt bởi danh tiếng của nhà đấu giá này hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, ngay khi hai bức tranh được công bố, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phản ứng quyết liệt và khẳng định họ mới là đơn vị đang giữ hai bức tranh này.

Ông Nguyễn Anh Minh - giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - cho biết bảo tàng có đầy đủ bằng chứng, hồ sơ pháp lý để chứng minh nguồn gốc của Lá thưHai cô gái. Cả hai bức được mua từ những năm 1960 và từ trước đến nay vẫn nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng.

Không chỉ đặt nghi vấn về nguồn gốc, nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu đã chỉ ra những điểm bất thường trong tranh. "Cả Lá thưHai cô gái đều có vấn đề về giải phẫu học. Dù tay nghề của hai người chép tranh có trình độ cách biệt nhau nhưng nhìn chung chất lượng của tranh vẫn rất tệ. Dáng người của nhân vật thô cứng, không có hồn cốt và sự nền nã thường thấy trong tác phẩm của cụ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn" - nhà nghiên cứu Phạm Long phân tích.

Đây không phải là lần đầu tiên Sotheby’s Hong Kong bị tố bán tranh giả của danh họa Đông Dương. Cũng thời điểm này năm ngoái, bức Đời sống gia đình của họa sĩ Lê Phổ dù bị nghi ngờ là tranh giả cũng được bán thành công với hơn 1 triệu USD.

Với trường hợp lần này, trước sự lên tiếng mạnh mẽ của giới nghệ thuật Việt Nam, sáng 21-9, Sotheby’s Hong Kong đã rút hai bức tranh trên khỏi phiên đấu giá sắp tới.

Nhà nghiên cứu Phạm Long cho rằng đây là một tín hiệu rất tích cực từ nhà đấu giá: "Lần này, họ thật sự đã lắng nghe ý kiến từ Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta đạt được thành quả như vậy sau khi nỗ lực phản ứng trên báo chí, mạng xã hội. Nếu chúng ta im lặng và Sotheby’s Hong Kong cứ tiếp tục đưa ra những tác phẩm giả mạo, kém chất lượng thì không chỉ có nhà sưu tập thiệt hại mà danh tiếng của họa sĩ và thị trường nghệ thuật Việt Nam cũng sẽ bị vấy bẩn".

Nhà đấu giá quốc tế rút tranh của họa sĩ Việt Nam - Ảnh 2.

Bức tranh Hai cô gái được Sotheby's Hongkong cho là của danh họa Trần Văn Cẩn và đưa ra đấu giá - Ảnh: SOTHEBY'S

Một tiền lệ đáng chú ý

Cùng với sự chú ý của các nhà sưu tập dành cho tranh Việt Nam, những vụ việc phát hiện tranh giả trên sàn đấu giá quốc tế đang ngày một tăng lên.

Họa sĩ Phạm Hà Hải - nguyên thư ký Hội đồng khoa học Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - cho rằng đây là một tiền lệ đáng chú ý trong việc giải quyết vấn nạn tranh giả. "Đứng trước một bức tranh bị nghi ngờ giả mạo thì chứng cứ mạnh mẽ nhất không phải là tính thẩm mỹ, chất liệu hay đường nét mà phải là hồ sơ tác phẩm" - ông nhấn mạnh.

Trong phiên đấu giá mùa thu của Sotheby’s Hong Kong, ngoài Lá thưHai cô gái, bức sơn mài Dân quê Việt của họa sĩ Nguyễn Sáng (được định giá 12.000 - 19.000 USD) cũng bị cho là cách biệt quá lớn so với tài năng và phong cách của danh họa.

Các họa sĩ nhận định tác phẩm này giống với tranh mỹ nghệ hơn là tranh của danh họa Nguyễn Sáng. Tuy nhiên, kể cả xét về khía cạnh mỹ nghệ, bức tranh cũng không đạt được những tiêu chuẩn về bố cục, màu sắc. Hiện nay, Dân quê Việt vẫn nằm trên danh sách đấu giá sau khi Lá thưHai cô gái đã bị rút xuống.

Nói như nhà nghiên cứu Phạm Long: "Với những tác phẩm có hồ sơ thì họ mới rút xuống, còn tranh nào có thể lách được thì họ vẫn cứ để trên kệ. Thế nhưng, không phải tác phẩm nào chúng ta cũng may mắn có được bằng chứng như Lá thưHai cô gái".

Nhà đấu giá quốc tế rút tranh của họa sĩ Việt Nam - Ảnh 3.

Dù bị giới họa sĩ, nhà nghiên cứu nghi ngờ là tranh giả nhưng bức Dân quê Việt (nhà Sotheby's Hongkong ghi của hoa sĩ Nguyễn Sáng) vẫn được rao bán

Nhà đấu giá quốc tế rút tranh của họa sĩ Việt Nam - Ảnh 4.

Đến sáng 21-9, thông tin về hai bức Lá thư và Hai cô gái đã không còn được tìm thấy trên trang web của nhà đấu giá

Tranh thật lại đang "kêu cứu"

Hiện nay, hai bức tranh lụa Lá thư của họa sĩ Tô Ngọc Vân và Hai cô gái của họa sĩ Trần Văn Cẩn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang xuống cấp nghiêm trọng vì khí hậu nồm ẩm ở miền Bắc. Nhà nghiên cứu Phạm Long chia sẻ nếu bảo tàng không nhanh chóng có biện pháp phục chế, có thể chúng ta rơi vào tình cảnh dù sở hữu tranh thật nhưng muốn ngắm cũng không có cơ hội.

Tranh giả tràn ngập nhưng trung tâm giám định tranh giả vẫn Tranh giả tràn ngập nhưng trung tâm giám định tranh giả vẫn 'ế sưng'

TTO - Tròn 7 tháng sau khi thành lập Hội đồng giám định tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh thuộc trung tâm cùng tên, hội đồng này chưa có bất cứ khách hàng nào.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên