15/08/2017 08:19 GMT+7

Nhà mạng đua giảm cước 4G, khách hàng tố 'không như quảng cáo'

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Nhà mạng liên tục mời gọi, khuyến mãi gói cước 4G đến mức rẻ hơn 3G nhưng nhiều người vẫn không chọn 4G vì chất lượng không cao, không như quảng cáo, không có gì khác biệt với 3G.

Giới thiệu sim và thủ tục chuyển sang gói 4G tại phòng giao dịch một nhà mạng  - Ảnh: Đ.THIỆN

Ngay sau cuộc đua giảm cước dữ liệu dịch vụ chuyển vùng quốc tế (data roaming), các nhà mạng lại đua nhau hút người dùng điện thoại di động, máy tính bảng dùng dịch vụ dữ liệu 4G để truy cập Internet.

Nhà mạng đua giảm giá cước 4G

Viettel là nhà mạng đầu tiên đưa các gói cước 4G đến người dùng (tháng 4-2017).

Dùng thử, chị Ái Hằng (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: “So với gói cước 3G, gói 4G rẻ hơn. Cùng số tiền 70.000 đồng/tháng trước đây tôi chỉ được dùng 600MB tốc độ cao, giờ tôi được đến 2GB”.

Đầu tháng 7-2017, MobiFone và Vinaphone cũng công bố các gói cước 4G. Do đã có thời gian tìm hiểu thị trường và “đối thủ” đi trước nên gói cước của hai nhà mạng này cạnh tranh hơn.

Chẳng hạn các gói cước 4G có giá 70.000 - 90.000 đồng/tháng của MobiFone và Vinaphone đều cho khách hàng dùng mức lưu lượng cao hơn Viettel từ 400 - 500MB.

Viettel không ngồi im, mới đây tiếp tục công bố các gói cước đặc thù với mức giá giảm. Chẳng hạn với người dùng “nghiện” Facebook sẽ có gói 30.000 đồng/30 ngày/20GB dành cho thuê bao trả trước, thuê bao trả sau không giới hạn dung lượng...

Bên cạnh cuộc đua giảm cước, mỗi nhà mạng đều cố gắng tận dụng các ưu thế của mình để đem đến những ưu đãi hấp dẫn.

Khách hàng: Chất lượng không như quảng cáo

Dù giá giảm nhưng nhiều người dùng vẫn không chuyển từ 3G sang 4G vì cho rằng chất lượng 4G còn... tệ, thậm chí gây khó chịu do không như quảng cáo.

“Tôi không thấy 4G thật sự khác biệt. Tôi dùng 4G được 2 tháng nhưng tốc độ nhiều lúc rất chậm và không ổn định. Tôi có cảm giác những gì các nhà mạng nói về 4G hiện nay cũng giống như 3G trước đây, quảng cáo thì “trên trời” nhưng thực tế lại không phải thế”..., anh Huy Chính cho biết.

Theo báo cáo của Akamai (một hãng nghiên cứu thị trường lớn của Mỹ), trong tốc độ Internet toàn cầu trong quý 1 năm 2017, tốc độ trung bình kết nối Internet di động ở Việt Nam (cả 4G và 3G) chỉ đạt 5,3Mbps, gần thấp nhất trong các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tốc độ mạng di động trung bình của khu vực lên đến 9,69Mbps. Một số nước như Úc có tốc độ 15,7Mbps, Nhật 15,6Mbps.

Trong khảo sát về mức độ hài lòng của người tiêu dùng với dịch vụ 4G LTE tại VN do Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG vừa công bố cuối tháng 7-2017, chỉ có 56% người dùng hài lòng về chất lượng dịch vụ 4G.

Khảo sát của IDG cũng đưa ra một số kết quả khác như: 7% chưa hài lòng về tính ổn định, 5,8% chưa hài lòng về chất lượng, 81% không hài lòng về chương trình khuyến mãi và tư vấn của nhà mạng, 17% chưa hài lòng với giá và gói cước.

Mặc dù kết quả khảo sát của IDG chỉ là tham khảo vì mới được thực hiện trong thời gian từ 1-4 đến 1-7-2017 (khi mới có Viettel công bố phủ sóng toàn quốc, các nhà mạng vẫn đang trong giai đoạn triển khai...), nhưng những chỉ số được công bố, theo các chuyên gia, là rất đáng lưu tâm cho sự phát triển của 4G tại VN trong thời gian tới.

Nên có nhiều gói cước

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thiều Phương Nam, tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, nhận xét giá cước viễn thông tại Việt Nam hiện khá rẻ so với khu vực và thế giới, kể cả cước thoại và dữ liệu (3G lẫn 4G).

Với việc triển khai 4G LTE trên toàn quốc hiện nay, giá cước dữ liệu cũng đã hạ đáng kể nhờ lợi ích của công nghệ mới.

Theo ông Nam, người dùng Việt Nam đã có thể dùng nhiều dữ liệu cho các ứng dụng trên smartphone với chi phí không đổi. Việc này sẽ thúc đẩy việc ứng dụng Internet di động mạnh mẽ hơn.

Cũng theo ông Nam, thời gian tới giá cước trên mỗi MB, GB sẽ tiếp tục giảm. Như vậy người dùng sẽ được sử dụng các ứng dụng cao cấp như HD video, video call... mà không phải trả thêm chi phí.

Tuy nhiên, để thực sự phát triển gói 4G, ông Nam đề xuất nhà mạng nên cung cấp các gói cước đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm khách hàng.

Chẳng hạn, ông Nam đề nghị sinh viên sẽ cần các gói cước giá rẻ, doanh nghiệp sẽ cần các gói cước chất lượng cao.

Đồng thời, các nhà mạng nên có thêm nhiều gói cước đi kèm cho các ứng dụng bởi xu hướng IoT (vạn vật kết nối Internet) đang ngày càng hiện thực hóa và sẽ mở ra những thị trường mới cho các nhà mạng như: thành phố thông minh, xe hơi kết nối Internet, y tế di động, học tập di động, nông nghiệp thông minh…

Chuyển sang 4G nhưng không dùng

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và truyền thông), cả nước hiện có gần 60 triệu thuê bao băng rộng, trong đó có khoảng 48 triệu thuê bao di động băng rộng (gồm cả 3G và 4G).

Cả nước hiện có 6,3 triệu thuê bao đã đổi sang SIM 4G nhưng mới có 3,5 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ này.

Như vậy có thể thấy lượng người dùng 4G hiện nay còn ít, băng thông còn rộng nhưng chỉ có 56% người dùng hài lòng.

Nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi: Sau này, khi lượng người dùng tăng lên, có thể gấp 10 - 20 lần, liệu mức độ hài lòng có tăng theo? Có cần yêu cầu các nhà mạng nâng cấp chất lượng 4G cho tương xứng với quảng cáo và tiêu chuẩn của nhiều nước đang áp dụng?

 So sánh giá cước 4G trọn gói của một số nhà mạng

Nhà mạng

Giá cước tháng (đồng)

40.000

70.000

90.000

120.000

(Viettel: 125.000)

200.000

Viettel

1GB

2GB

3GB

5GB

10GB

MobiFone

2,4GB

3,5GB

6GB

11GB

Vinaphone

2,4GB

3,5GB

6GB

11GB

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên