16/07/2019 11:20 GMT+7

Nhiều lỗ hổng trong quản lý dịch vụ chia sẻ chỗ ở

N.BÌNH - LÊ DÂN - ĐÔNG HÀ - THÁI BÁ DŨNG - L.THANH - HỒNG VÂN
N.BÌNH - LÊ DÂN - ĐÔNG HÀ - THÁI BÁ DŨNG - L.THANH - HỒNG VÂN

TTO - Người cung cấp dịch vụ chia sẻ chỗ ở có thêm thu nhập, nhưng hàng xóm bị phiền vì khách ồn ào, cơ quan thuế thì thất thu. Mà dịch vụ này không phải là "dễ ăn", như ở Hội An....

Nhiều lỗ hổng trong quản lý dịch vụ chia sẻ chỗ ở - Ảnh 1.

Khách nước ngoài tại một homestay ở TP Cần Thơ - Ảnh: N.B.

TP.HCM: cư dân một chung cư cao cấp dán thông báo phản đối

Cư dân ở một chung cư cao cấp tại Q.1, TP.HCM đã dán thông báo phản đối tình trạng khách thuê Airbnb trong các căn hộ cho thuê nơi họ ở.

Người dân ở đây cho rằng tình trạng khách thuê Airbnb ra vào ồn ào, liên tục thay đổi đã khiến không gian sống của họ bị ảnh hưởng, kém an toàn, mất sự riêng tư. "Khách thuê cũng rất mất trật tự khi thụ hưởng các dịch vụ như hồ bơi, phòng tập..." - chị Uyên, cư dân ở một chung cư Q.1, cho biết.

Cần Thơ: phải đảm bảo các điều kiện hoạt động kinh doanh có điều kiện

TP Cần Thơ hiện có gần 30 homestay đang hoạt động, với khoảng 300 phòng.

Ông Vương Công Khanh - phó chủ tịch UBND Q.Cái Răng - cho biết địa phương có 10 homestay đang hoạt động, trong đó có 7 homestay làm ăn hiệu quả. Các homestay này có nghiệp vụ về du lịch, phục vụ... và biết ngoại ngữ nên "bắt khách" trên các trang web du lịch từ nước ngoài.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Cần Thơ, cho biết loại hình lưu trú homestay dù không cần đăng ký thẩm định cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn phải đảm bảo các điều kiện hoạt động kinh doanh có điều kiện theo quy định như đảm bảo an ninh trật tự, PCCC...

Bà Rịa - Vũng Tàu: báo cho Sở Du lịch khi hoạt động

Tháng 10-2018, chủ đầu tư cao ốc dịch vụ du lịch Sơn Thịnh, TP Vũng Tàu thông báo yêu cầu những chủ căn hộ không sử dụng căn hộ của mình làm dịch vụ cho thuê lưu trú ngắn ngày (homestay).

Theo chủ đầu tư, việc cho thuê ngắn ngày xảy ra mất an ninh trật tự do các nguyên nhân: căn hộ nhỏ, người thuê có thể ở 15-20 người, mất an toàn về cháy nổ, tiếng ồn ảnh hưởng đến những hộ xung quanh... Cao ốc này có 400 căn hộ thì có khoảng 50-60 căn làm dịch vụ homestay.

Trên thực tế, tại một số chung cư thuần túy ở Vũng Tàu, công an đã phát hiện nhiều nhóm thanh niên sử dụng ma túy tập thể tại những căn hộ cho thuê ngắn ngày. Nguyên nhân của những rắc rối trên là do đến nay chưa có quy định cụ thể để quản lý loại hình dịch vụ này.

Ngày 15-7, ông Vũ Đình Tú - điều hành DNTN Sơn Thịnh - cho biết mới đây, cao ốc này đã thành lập ban đại diện và sẽ có quy chế quản lý dịch vụ homestay như quy định tối đa bao nhiêu giường cho mỗi phòng, thuê đơn vị quản lý, thuê người dọn dẹp...

Theo ông Trịnh Hàng, giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, trước mắt khi chưa có hướng dẫn, người có căn hộ muốn kinh doanh homestay thì phải đủ điều kiện bắt buộc như PCCC, an ninh trật tự, giấy phép đăng ký kinh doanh, khi hoạt động thì báo cho Sở Du lịch.

Homestay Hội An “chết lâm sàng”

Nhiều lỗ hổng trong quản lý dịch vụ chia sẻ chỗ ở - Ảnh 2.

Những homestay ở tổ 9, khối Thanh Nam, phường Cẩm Châu từng ăn nên làm ra nhưng nay hoạt động rất chật vật do cạnh tranh khốc liệt - Ảnh: B.D.

Theo thống kê của UBND TP Hội An, khách du lịch tới phố cổ tăng theo biểu đồ "dựng đứng" và đã qua con số 3,2 triệu lượt/năm. Khách tới khiến khách sạn, villa, homestay bùng nổ. Toàn Hội An đã có 650 cơ sở với 10.575 phòng; trong đó homestay có 302 cơ sở với gần 1.200 phòng. 

Nhưng hiện nay, hàng trăm homestay và khách sạn quy mô nhỏ ở Hội An rơi vào cảnh ế ẩm, kinh doanh bế tắc, số ít buộc phải cầm cự, phần nhiều phải bán hoặc đóng cửa. 

Theo địa chỉ trên các trang booking, chúng tôi tìm đến một homestay nằm trong một hẻm nhỏ tại phường Cẩm Châu. Dù giá niêm yết trên mạng là 80.000 đồng/người/ngày đêm nhưng giá phải trả thực tế chỉ là 50.000 đồng.

Chủ homestay này cho biết lúc mới mở, giá lưu trú được niêm yết là 20 USD/ngày đêm nhưng nay quá ế ẩm nên buộc phải hạ giá về tới mức không có lãi để cầm cự, giữ khách. 

Ông Lê Ngọc Thuần, chủ tịch Hiệp hội Homestay Hội An, nói rằng không chỉ có những homestay bán với giá "tuyệt thực", "giá chết" mà bi kịch hơn, thậm chí có những homestay sẵn sàng... miễn phí nếu thấy khách nhăn nhó do sợ bị reviews thấp điểm, đánh giá xấu trên các trang booking.

Ông Thuần cho biết: "Khách du lịch tới Hội An tìm đến homestay là vì muốn được trải nghiệm văn hóa, đời sống dân bản địa. Nhưng rất nhiều homestay chỉ đơn thuần là "dọn chỗ ngủ" cho khách chứ không có sự tương tác, như thế thì chỉ còn là nhà trọ chứ không phải homestay. 

Vì vậy, chúng tôi đang chọn một số cơ sở để hướng dẫn, làm mẫu cho bà con thay đổi. Phải tận dụng những vốn quý mà mỗi gia đình ở Hội An đang có.

Về lâu dài hiệp hội sẽ tổ chức các đợt tập huấn, trang bị kỹ năng để giúp người dân điều chỉnh mô hình, cách thức phục vụ; hướng dẫn người dân bắt tay liên kết với nhau thành chuỗi sản phẩm du lịch".

Homestay khác home-sharing thế nào?

Home-sharing là dịch vụ chia sẻ nhà, giúp cho chủ nhà tận dụng tối đa được nguồn cung dư thừa về chỗ.

Trong khi đó, homestay được hiểu là khách sẽ sống ở trong căn nhà của người bản địa, sống chung và sinh hoạt như thành viên trong một gia đình. Điều đó có nghĩa nếu thuê homestay, khách sẽ ở với chủ ngôi nhà đó trong khi home-sharing lại không hoàn toàn là như vậy.

Thách thức đối với cơ quan thuế

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tổng cục Thuế cho biết cách đây vài năm, cơ quan thuế đã nắm được trên thị trường xuất hiện hoạt động dịch vụ Airbnb.

Theo quy định Luật quản lý thuế, người có nhà cho thuê sẽ phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế.

Về quan điểm cá nhân, vị này cũng cho hay việc quản lý thu thuế đối với người có nhà cho thuê qua dịch vụ Airbnb là thách thức đối với cơ quan thuế bởi cơ quan thuế không thể biết người ở trong căn hộ là ở nhờ hay thuê phòng, căn hộ.

Để quản lý thuế chặt chẽ, thu đúng, thu đủ tiền thuế đối với những người có nhà cho thuê qua dịch vụ này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế, cơ quan tài nguyên - môi trường và chính quyền địa phương.

Theo đó, điều cần nhất hiện nay là cơ sở dữ liệu về nhà, đất quốc gia phải được xây dựng và quản lý chặt chẽ. Khi có cơ sở dữ liệu đầy đủ, cơ quan quản lý nhà đất biết được chủ căn hộ A ở TP.HCM hay Hà Nội, ông chủ căn hộ A này đang sở hữu mấy căn nhà...

"Với thông tin về nhà đất chi tiết như vậy, cơ quan quản lý nhà, đất sẽ được chia sẻ với chính quyền địa phương, với cơ quan thuế... Từ đây, cơ quan thuế sẽ giám sát, quản lý để thu thuế đối với hoạt động này" - vị đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

Luật quản lý kinh doanh Airbnb ở các nước

Dịch vụ Airbnb bắt đầu năm 2008 và hoạt động dựa trên thỏa thuận giữa chủ nhà và khách trọ. Theo thời gian, Airbnb đã hợp tác với chính quyền các địa phương để việc cho kinh doanh Airbnb tuân theo quy định của địa phương, đảm bảo an ninh trật tự, không làm phiền cư dân xung quanh, tránh tổn hại cho hệ thống khách sạn.

Và đây là Luật quản lý kinh doanh Airbnb ở các nước

Singapore: Muốn thuê nhà với chủ căn hộ tư nhân, người thuê phải ở từ 3 tháng trở lên. Ngoài ra, chủ căn hộ kinh doanh Airbnb phải được 80% chủ nhân các căn hộ trong tòa nhà đồng ý.

New York (Mỹ): Chính quyền thành phố gần như cấm hoàn toàn các hộ dân cho thuê nhà ở cho khách thuê ngắn hạn.

Nhiều thành phố lớn ở châu Âu đã siết chặt quy định kinh doanh Airbnb do dân chúng không muốn khu dân cư yên bình của mình biến thành nơi ở của du khách hay điểm du lịch. Vì vậy, Airbnb phải tuân theo quy định cụ thể của các địa phương như: chỉ một số khu vực được cho thuê nhà với một số ngày hạn chế trong năm.

Paris (Pháp): Người dân được kinh doanh Airbnb tối đa 120 ngày/năm.

London (Anh): tối đa 90 ngày.

Amsterdam (Hà Lan), San Francisco (Mỹ): tối đa 60 ngày. Riêng tại Amsterdam, chủ nhà có thể cho thuê toàn bộ ngôi nhà trong thời gian lâu hơn nhưng phải có giấy phép của cơ quan chức năng.

Nhật Bản: Chủ Airbnb phải đăng ký địa điểm kinh doanh với chính quyền và chỉ được bán phòng qua Airbnb nếu có số đăng ký kèm theo.

Thái Lan: Chủ nhà chỉ được cho thuê với hợp đồng từ 30 ngày trở lên. Tuy nhiên, nhiều người kinh doanh Airbnb vẫn không chấp hành do mức phạt không có tính răn đe và nhà chức trách thiếu sâu sát.

Dịch vụ Dịch vụ 'chia sẻ phòng' Airbnb lấy khách của khách sạn

TTO - Kinh tế chia sẻ không chỉ diễn ra với Uber-Grab lấn sân taxi truyền thống mà cả ở dịch vụ thuê phòng khi đi du lịch.

N.BÌNH - LÊ DÂN - ĐÔNG HÀ - THÁI BÁ DŨNG - L.THANH - HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên