05/08/2015 11:21 GMT+7

Nhiều phần mềm có tính ứng dụng cao

PHƯỚC TUẦN
PHƯỚC TUẦN

TT - “Công nghệ lập trình của học sinh cả nước phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng, đặc biệt nhiều học sinh THCS đã lập trình được nhiều phần mềm có tính ứng dụng rất cao”.

Nhóm học sinh Phú Yên cùng với sản phẩm “T-res robot thông minh phục vụ học tập” - Ảnh: PH.TUẦN

Đó là những đánh giá về các sản phẩm sáng tạo của PGS.TS Bùi Thế Duy, ĐHQG Hà Nội, chủ tịch hội đồng giám khảo, tại vòng chung kết hội thi tin học trẻ toàn quốc lần thứ 21 vừa kết thúc tại Bình Dương.

Đến từ Phú Yên, ba cậu học trò Nguyễn Duy Tâm, Phạm Khánh Duy (lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ) và Phạm Thành Kỳ Hưng (lớp 12 Trường THPT Duy Tân) với sản phẩm: “T-res robot thông minh phục vụ học tập” đã xuất sắc giành giải nhất phần thi lập trình phần cứng dành cho khối học sinh THPT. T-res có ngoại hình khá gọn gàng được thiết kế đơn giản bằng chất liệu nhựa cứng, có hai cánh tay linh hoạt, bốn bánh xe di chuyển cùng nhiều loại cảm biến điện tử như siêu âm, ánh sáng, giọng nói, đèn LED, cảm biến khí gas, Pig chuyển động...

Theo bạn Nguyễn Duy Tâm, mục đích của nhóm làm ra robot để phục vụ học tập và quản lý nhà. Robot có thể di chuyển linh động, cầm đồ vật, nhặt rác theo điều khiển giọng nói của con người, phát hiện và báo động có khí gas rò rỉ hay có kẻ trộm. Thêm một điều đặc biệt, robot như một đèn học và có chức năng tự động ngắt khi người dùng rời khỏi bàn học. “Nhóm mình học hai trường nên thời gian thực hiện lập trình, gia công robot cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là dụng cụ gia công robot thiếu, nhóm phải tận dụng những ngày nghỉ, giờ trưa để liên hệ các xưởng điện tử mượn dụng cụ. Khó khăn nữa chính là kinh phí để gia công robot” - Kỳ Hưng cho biết.

Lê Ngô Duy Phong (học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Bài, Thừa Thiên - Huế) mang đến hội thi năm nay hai phần mềm sáng tạo đó là “Hệ thống báo cháy tự động qua Internet” và “Mạng xã hội Pischool”. 

Sản phẩm “Hệ thống báo cháy tự động qua Internet” của Phong tích hợp chức năng thông báo rò rỉ khí gas, kết hợp với công nghệ hiện đại điện toán đám mây nhằm cảnh báo cháy kịp thời. 

Sản phẩm của Phong hoạt động theo mô hình hai lớp: lớp 1, tự động kiểm tra liên tục xem có rò rỉ khí gas, nếu phát hiện nồng độ khí gas vượt qua ngưỡng cho phép, hệ thống sẽ báo động bằng còi và tự khởi động quạt thông gió để đưa khí gas ra môi trường bên ngoài. Ở lớp 2, khi phát hiện có khói và cháy, hệ thống sẽ tự động gửi tín hiệu đến phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Phần mềm sẽ gửi các thông số (nhiệt độ, khói, khí gas) của hiện trường đến phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy để cơ quan này nắm một cách chuẩn xác vị trí, mức độ vụ cháy, nhằm có phương án chữa cháy hiệu quả nhất. 

TP.HCM nhất toàn đoàn

Ban tổ chức hội thi năm nay đã nhận được 100 sản phẩm sáng tạo của 23 đơn vị. Hội đồng chấm sơ khảo đã chọn 31 sản phẩm xuất sắc nhất để tham dự vòng chung khảo, trong đó tập trung chủ yếu ở lĩnh vực giáo dục, giải trí và môi trường. Công nghệ được sử dụng trong các sản phẩm dự thi khá đa dạng và cập nhật.

Đoàn TP.HCM đạt hạng nhất toàn đoàn với 3 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba và 4 giải khuyến khích. Đoàn Gia Lai đạt hạng nhì và hai đoàn Phú Yên, Cà Mau đồng hạng ba. 

 

PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên