01/01/2015 17:06 GMT+7

2014, năm của "đứt cáp mạng"

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Liên tục từ 2013 - 2014, người dùng thường xuyên phải chịu cảnh truy cập Internet với tốc độ "rùa bò" bởi sự cố cáp quang biển AAG.

Thời gian sử dụng lưu lượng tốc độ cao (gói cước 3G trọn gói) ngày càng ngắn. Tác giả: Đ. Thiện
Thời gian sử dụng lưu lượng tốc độ cao (gói cước 3G trọn gói) ngày càng ngắn - Tác giả: Đ.Thiện

Sau nhiều lần liên tục xảy ra sự cố, người dùng đang rất hoài nghi về chất lượng của tuyến cáp quang biển này.

Cuối năm 2013, AAG bị đứt cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 270km. Sự cố làm suy giảm 60% lưu lượng đường truyền của FPT Telecom và 15% của Viettel Telecom. Đến gần giữa tháng 1-2014, sự cố mới được khắc phục hoàn toàn.

Tháng 3-2014, AAG bảo trì khiến tốc độ UInternet tại VN bị chậm. Ngày 15-7-2014, AAG bị đứt tại điểm cách trạm cập bờ Vũng Tàu 18km, nằm ở độ sâu 19m dưới mực nước biển. Sự cố được khắc phục vào chiều 27-7-2014. 

Ngày 15-9-2014, AAG đứt tại vùng biển gần Hong Kong. Sự cố đã gây sụt giảm khoảng 40% dung lượng băng thông Internet quốc tế từ Việt Nam đi Hong Kong, Mỹ.

Việt Nam hiện có tổng cộng bốn tuyến cáp quang biển, trong đó tuyến AAG có dung lượng lớn nhất và được đầu tư gần đây nhất, còn các tuyến khác (SE-ME-WE-3, TVH) đều đã có tuổi đời từ 10-15 năm và dung lượng thấp. Tuyến cáp IA tuy mới được xây dựng nhưng dung lượng cũng không bằng AAG. 

Vì vậy mỗi lần AAG xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ Internet chung của Việt Nam. Người dùng sẽ thấy tốc độ truy cập bị chậm rõ rệt. Có thể ví AAG giống như quốc lộ 1 của chúng ta hiện nay, chỉ cần một sự cố cũng có thể khiến giao thông Bắc - Nam bị ảnh hưởng không nhỏ. 

Khi được hỏi về nguyên nhân đứt cáp, các nhà mạng đều cho biết “cáp quang biển đều rất phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thời tiết, tàu bè qua lại, địa chất…”. Thế nhưng chính họ cũng thừa nhận: “Riêng tuyến cáp quang biển AAG, phải thừa nhận trong quá trình xây dựng, nhà thiết kế kỹ thuật đã làm chưa chuẩn, cho nên tần suất đứt mới trở nên khá dày đặc như hiện nay. Phần khảo sát thiết kế tuyến AAG thực hiện không được tốt có thể do rủi ro, cũng có thể do năng lực của nhà thầu tại thời điểm xây dựng”. 

Điều này cho thấy việc người dùng Internet VN tiếp tục hứng chịu cảnh truy cập Internet với tốc độ rùa bò do sự cố AAG hoàn toàn có thế xảy ra trong năm 2015.

Nếu những lần đứt cáp AAG có thể được coi là sự cố khách quan thì việc người dùng bức xúc với tốc độ truy cập Internet qua kết nối dịch vụ 3G trên điện thoại di động có thể được coi là sự cố chủ quan.

Cuối năm 2013, ba nhà mạng lớn nhất VN gây sốc với hàng chục triệu thuê bao di động 3G khi đồng loạt tăng cước trung bình lên đến 300%, có gói cước tăng đến hơn 400%. Sau một thời gian bức xúc nhưng không thay đổi được gì, người dùng đành chấp nhập trả phí cao với hi vọng tốc độ kết nối sẽ tương xứng.

Thế nhưng, trong rất nhiều bức xúc của thuê bao di động năm 2014, chất lượng dịch vụ 3G là chuyện gây ức nghẹn nhiều nhất. Ức vì sau khi chấp nhận tốn nhiều tiền hơn, tốc độ 3G dường như vẫn không thay đổi, thậm chí còn chập chờn nhiều hơn theo phản ánh của người dùng.

Nghẹn vì cả ba nhà mạng đều công bố tăng tốc độ đường truyền dịch vụ 3G lên 42 Mbps, gấp 6 lần trước đó, nhưng thực tế không mấy thay đổi. Người dùng dường như phải chấp nhận cảnh bị bóp chẹt về băng thông lẫn lưu lượng khi sử dụng dịch vụ 3G. 

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên