23/12/2015 11:30 GMT+7

Ai cam kết ký hợp đồng xong hết tin nhắn rác?

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ GHI
QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ GHI

TT - Đó là đòi hỏi của nhiều bạn đọc sau khi Tuổi Trẻ ngày 22-12 đăng bài: ““Cuộc chiến” chống tin nhắn rác”.

Nhiều thuê bao di động than phiền họ bị “giội bom” tin nhắn rác mỗi ngày - Ảnh: Quang Định
Nhiều thuê bao di động than phiền họ bị “giội bom” tin nhắn rác mỗi ngày - Ảnh: Quang Định

Liên quan đến việc này, Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến dưới đây.

* Ông Lê Quốc Cường (phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM):

Muốn quảng cáo phải đăng ký dịch vụ nhắn tin quảng cáo

Các kiến nghị của TP.HCM với Bộ Thông tin - truyền thông (TT-TT) về chặn tin nhắn rác như Tuổi Trẻ ngày 22-12 phản ánh đều xuất phát từ các quy định đã có hiệu lực của Thủ tướng ban hành.

Cụ thể, nội dung chỉ đạo trong quyết định 35/2015 của Thủ tướng về bổ sung dịch vụ thông tin di động mặt đất hình thức thanh toán trả trước vào danh mục hàng hóa thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu (có hiệu lực từ ngày 15-10-2015).

Trên cơ sở đó, Sở TT-TT TP đã kiến nghị Bộ TT-TT trong quá trình ban hành quy định hướng dẫn thì cập nhật các quy định như trên của Thủ tướng. Việc Bộ TT-TT chậm ban hành hướng dẫn là cái cớ cho nhiều nhà mạng không thực hiện quy định vì cho rằng chưa có hướng dẫn.

Đối với đề xuất giới hạn tần suất tin nhắn, dựa vào nghị định số 77/2012 của Chính phủ (về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 90/2008 về chống thư rác), trong đó có nội dung yêu cầu giới hạn tần suất tin nhắn từ nguồn, ngăn chặn các tin nhắn có nguy cơ gây mất an toàn, an ninh theo quy định của Bộ TT-TT.

Việc này cũng thuộc thẩm quyền của Bộ TT-TT ban hành cụ thể. Tuy nhiên, việc hạn chế như thế nào phải cân đối, phải tính trên thực tiễn, thống kê để từ đó có thể đưa ra những số liệu cụ thể. Ví dụ một người bình thường có nhu cầu nhắn 10-50 tin nhắn/ngày là tối đa nhưng cũng có người nói là cần tới 100 tin nhắn/ngày.

Hay số thuê bao của một đơn vị đăng ký mỗi ngày 100 hoặc 500 tin nhắn (chỉ dùng nội bộ đơn vị). Vì vậy dù nhắn tin với mục đích phục vụ nội bộ hay quảng cáo cũng phải có bước thủ tục đăng ký trước. Những trường hợp có nhu cầu nhắn tin quảng cáo thì phải đăng ký dịch vụ nhắn tin quảng cáo chứ không thể lập lờ để “giội bom” tin nhắn người khác.

* Anh P.H.N. (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM):

Ký hợp đồng có hết tin nhắn rác?

Tôi sử dụng thuê bao trả trước của Viettel. Trước đó, tôi mua sim điện thoại từ nhà mạng và họ đã yêu cầu tôi kê khai tên tuổi với mục đích làm chủ sở hữu nhằm tránh các tranh chấp sau này. Như vậy, các nhà mạng cũng đã nắm được thông tin của khách hàng đăng ký lần đầu. Nếu cơ quan chức năng yêu cầu tôi phải đi kê khai thêm lần nữa thì tôi không biết kê khai để làm gì.

Theo tôi, một thuê bao đăng ký, kê khai nhiều lần sẽ làm khách hàng phiền phức, mất thời gian. Trong khi đó, nhiệm vụ chặn tin nhắn rác là của cơ quan chức năng, các nhà mạng. Các nhà mạng bán dịch vụ cho khách mà dịch vụ đó không đảm bảo thì họ phải chịu trách nhiệm.

Có cơ quan, cá nhân nào cam kết với chúng tôi rằng khi ký hợp đồng xong sẽ không còn tin nhắn rác?

* Anh Trần Văn Tình (ngụ P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM):

Tin nhắn quảng cáo của nhà mạng cũng nhiều

Tôi không hiểu vì sao điện thoại của tôi lại xuất hiện các tin nhắn rác mời gọi quảng cáo nhiều đến thế? Vì sao tôi đã bảo mật số điện thoại, hạn chế đăng ký số điện thoại trên các diễn đàn, đăng ký mua hàng... mà nguồn tin nhắn rác mỗi ngày vẫn tuồn về gây cảm giác rất bực bội.

Theo một nhà mạng thông tin trên bài báo nói trên thì một số cá nhân, doanh nghiệp tiếp thị sản phẩm, dịch vụ đến số thuê bao hoạt động lâu dài, có thu nhập ổn định, nhóm khách hàng tiềm năng... Theo tôi, điều này thật đáng lo ngại và tôi không hiểu vì sao người phát tán tin nhắn rác lại biết được thuê bao nào hoạt động lâu dài, có thu nhập...?

Đó là chưa kể thuê bao tôi sử dụng còn rất thường xuyên nhận được tin nhắn quảng cáo từ các nhà mạng. Có ngày, tin nhắn đến 5-7 lần và cứ mỗi lần chuông reo là tôi giật mình...

Theo tôi, muốn chặn tin nhắn rác, cơ quan chức năng cần siết lại việc đăng ký thuê bao. Thời buổi này chỉ cần mấy chục ngàn đồng có thể mua được một sim điện thoại để nghe, gọi vô tư mà không cần đăng ký. Thậm chí tài khoản của sim điện thoại mới mua còn có tiền khuyến mãi, coi như xài xong bỏ sim cũng không “lỗ”.

Tôi nghĩ bằng việc quản lý chặt đầu vào, siết thêm bằng cách chặn, xử lý các thuê bao vi phạm thì sẽ hạn chế được tình trạng phát tán tin nhắn rác.

Ông Nguyễn Sơn Hải - Ảnh: Đ.Thiện
Ông Nguyễn Sơn Hải - Ảnh: Đ.Thiện

* Ông Nguyễn Sơn Hải (VNPT - Vinaphone):

Quản lý thuê bao sẽ hạn chế được rất nhiều tin nhắn rác

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Sơn Hải cho rằng mặc dù các thuê bao trả trước hiện chưa ký hợp đồng theo quy định, nhưng phải đăng ký theo thông tư của Bộ TT-TT.

* Nếu quản lý thuê bao trả trước như trả sau, tin nhắn rác có được chặn triệt để không, thưa ông?

- Nếu thực hiện quản lý thuê bao trả trước như thuê bao trả sau sẽ hạn chế được rất nhiều tin nhắn rác, nhưng không thể ngăn chặn triệt để. Nội dung tin nhắn giữa các cá nhân với nhau được pháp luật bảo vệ (bí mật thư tín), để xác định tin nhắn có phải là tin lừa đảo hay không cần phải xem xét tất cả nội dung tin nhắn, nhưng VNPT - Vinaphone không được phép xem nội dung tin của khách hàng.

Và với hàng triệu tin nhắn đi qua hệ thống SMS gateway mỗi phút, VNPT - Vinaphone cũng không thể lưu nội dung của các tin nhắn giữa các thuê bao. Do vậy, tin nhắn lừa đảo vẫn tồn tại. Đối với tin nhắn rác, vẫn có thể có một lượng tin nhắn rác nhất định vì hệ thống không thể phát hiện và xử lý 100% tin nhắn rác.

* Các nhà mạng hiện nay có áp dụng giới hạn tần suất tin nhắn để hạn chế tin nhắn rác, VNPT - Vinaphone làm việc này như thế nào?

- Thời gian qua, các nhà mạng di động và cơ quan quản lý nhà nước đã họp bàn nhiều lần về việc áp dụng giới hạn tần suất nhắn tin đối với thuê bao, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa áp dụng quy định này vì còn nhiều bất cập. VNPT - Vinaphone khẳng định hiện nay chưa áp dụng giới hạn tần suất nhắn tin đối với người dùng.

Các thuê bao được nhắn tin theo nhu cầu miễn là các tin nhắn không phải là tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Tần suất nhắn tin chỉ là điều kiện cần để hệ thống chống tin nhắn rác của VNPT - Vinaphone đưa thuê bao đó vào diện cảnh báo và theo dõi đặc biệt, phải thêm các điều kiện đủ khác xác định thuê bao đang phát tán tin nhắn rác thì thuê bao đó mới bị xử lý.

* Việc chặn tin nhắn theo tần suất có thể dẫn đến chặn nhầm thuê bao có nhu cầu nhắn tin chính đáng?

- Việc khóa nhầm thuê bao thực tế có thể xảy ra vì hệ thống xử lý không thể đảm bảo độ chính xác 100%. Tuy nhiên, hệ thống áp dụng các thuật toán với nhiều tiêu chí khác nhau và liên tục thay đổi cho phù hợp với thực tế, tránh việc thuê bao phát tán tin nhắn rác nắm bắt được quy luật chặn tin nhắn rác nên tỉ lệ xử lý thuê bao nhắn tin rác đảm bảo độ chính xác cao (99,9%).

Do vậy, khách hàng có thể yên tâm nhắn tin với số lượng lớn các tin nhắn chúc mừng dịp lễ tết, thông báo họp lớp hay thông báo việc cần thiết cho nhiều người trong công ty...

ĐỨC THIỆN ghi

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ GHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên