28/08/2017 11:32 GMT+7

Bao giờ nhà mạng chịu cung cấp gói 4G thực thụ?

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Nhiều người tiêu dùng đã kêu từ lâu về tốc độ gói cước 4G mà các nhà mạng cung cấp... không khác mấy gói 3G. Nhưng tình hình vẫn chưa thay đổi bao nhiêu.

Tốc độ 4G (chiều tải xuống) đo vào chiều 27-8-2017 của một nhà mạng chỉ có 6,39Mbps, không khác gì tốc độ 3G - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Tốc độ 4G (chiều tải xuống) đo vào chiều 27-8-2017 của một nhà mạng chỉ có 6,39Mbps, không khác gì tốc độ 3G - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Đã bốn tháng kể từ ngày nhà mạng đầu tiên của Việt Nam là Viettel công bố chính thức cung cấp dịch vụ 4G (dịch vụ di động băng thông rộng thế hệ thứ 4).

Thế nhưng chỉ 3,5 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ 4G trong số 6,3 triệu thuê bao đã chuyển đổi sang SIM 4G (trên tổng số 48 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ băng thông di động).

Vẫn điệp khúc cũ

Các nhà mạng có thể lấy lý do cho số khách dùng 4G còn “khiêm tốn” là vì vùng phủ sóng 4G vẫn chưa đủ 63 tỉnh, thành.

Song nếu nhìn kỹ hơn: Viettel phủ sóng cả nước, MobiFone phủ sóng 35 tỉnh, thành, Vinaphone phủ sóng hầu hết các tỉnh, thành trọng điểm...

Có thể thấy dịch vụ 4G đã có mặt ở những nơi có đông đảo người dùng tiềm năng nhất, tuy nhiên chất lượng chưa như mong muốn, số lượng thuê bao chuyển sang sử dụng dịch vụ 4G cũng đáng thất vọng. Vì sao?

Về vùng phủ sóng, ngoài Viettel nhanh chóng phủ sóng toàn quốc, hai “ông lớn” còn lại là MobiFone và Vinaphone vẫn đang triển khai khá chậm rãi do khó khăn cả chủ quan và khách quan.

Đại diện MobiFone chia sẻ công tác triển khai phát triển cơ sở hạ tầng, lắp đặt thêm thiết bị ở nhiều nơi gặp khó khăn do vướng những thủ tục xin và cấp phép cũng như thiếu “văn bản hướng dẫn triển khai”...

Về tốc độ, trước đây các nhà mạng rất “mạnh miệng” công bố tốc độ 4G tải xuống vượt trội ở mức 7-10 lần so với 3G, trong điều kiện tối ưu có thể lên tới hơn 150Mbps.

Những thử nghiệm của họ cũng luôn công bố tốc độ đến hàng trăm Mbps. Thế nhưng khi sử dụng thực tế, nhiều người dùng đã không khỏi thất vọng bởi tốc độ nhiều khi chẳng khác gì 3G.

Đại diện một nhà mạng giải thích: “Khi sử dụng dịch vụ dữ liệu, băng thông bị chia sẻ. Khi lượng khách hàng tăng lên thì tốc độ sẽ giảm xuống”...

Đây là cách giải thích “quen”, vốn thường được các nhà mạng nói khi người dùng phản ảnh chất lượng mạng 3G chưa tốt.

Những tưởng với 4G - băng thông dồi dào gấp bội phần 3G - sẽ giải quyết vấn đề nạn, nhưng câu chuyện vẫn như cũ. Chính vì vậy nên giờ người dùng cảnh giác và dè dặt với 4G hơn.

Chờ chất lượng tăng

Cũng với tốc độ được quảng cáo vượt trội so với 3G, các nhà mạng đều tự tin cho rằng chất lượng các dịch vụ đi kèm gói cước 4G khi sử dụng trên điện thoại di động sẽ mang lại các trải nghiệm mới và hấp dẫn hơn cho người dùng.

Chẳng hạn như: truyền hình trực tiếp, truyền hình qua di động, video theo yêu cầu có chất lượng hình ảnh cao hơn nhiều lần so với 3G...

Thậm chí việc trải nghiệm mua sắm trực tuyến cũng sẽ tốt hơn bởi hình ảnh, video minh họa thực tế hơn. Bên cạnh đó là các dịch vụ mới như thực tế ảo, cầu truyền hình...

Thế nhưng, điểm sơ qua các dịch vụ 4G hiện nay của các nhà mạng, kinh doanh dữ liệu vẫn là yếu tố chủ đạo, giống như... 3G nâng cao. Vẫn chưa có nhiều dịch vụ tạo sự khác biệt rõ rệt của 4G so với 3G.

Như kết quả khảo sát về mức độ hài lòng của người tiêu dùng đối với dịch vụ 4G LTE tại Việt Nam do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG vừa công bố cuối tháng 7-2017, mới chỉ có 56% người hài lòng về chất lượng dịch vụ 4G.

Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, từng đề xuất: nên có thêm nhiều các gói cước chuyên dùng cho những ứng dụng như xe hơi kết nối Internet, y tế di động, học tập di động, nông nghiệp thông minh...

Rõ ràng cách làm của các nhà mạng hiện tại vẫn chưa khiến người dùng nhận thấy sự khác biệt rõ rệt giữa 4G và 3G.

Điều đó khiến người dân trở nên không mấy mặn mà với các dịch vụ 4G hiện nay, đồng nghĩa với nhiều ứng dụng hữu ích cũng bị “treo”.

Trước thực trạng trên, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực viễn thông (đề nghị không nêu tên) kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nên đưa ra quy định riêng về tiêu chuẩn mạng 4G như: chất lượng và tốc độ tối thiểu... để buộc các nhà mạng phải đảm bảo khi cung cấp cho người dùng cuối.

Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ việc cung cấp dịch vụ của các nhà mạng, đảm bảo việc cung cấp dịch vụ 4G thực sự là 4G...

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên