17/12/2015 19:48 GMT+7

Cả năm online chỉ để tìm chuyện... tào lao?

THANH TRỰC tổng hợp
THANH TRỰC tổng hợp

TTO - Nhiều ý kiến cho rằng xu hướng tìm kiếm của phần lớn người dùng Internet mà đặc biệt là giới trẻ tại VN chỉ tập trung vào các nội dung giải trí...tào lao. Thiệt vậy không?

Ảnh minh họa: Getty Images
Ảnh minh họa: Getty Images

Theo thống kê do Google công bố về xu hướng tìm kiếm trực tuyến tại thị trường Việt Nam năm 2015, chiếm đại đa số bao gồm các vị trí dẫn đầu và có mặt trong nhiều danh sách là những nội dung giải trí như clip hài hước, nhạc chế, video ca nhạc (MV)... vượt hẳn so với nội dung thông tin khác.

* Xem: Một năm lên mạng, nhiều người Việt tìm Vợ người ta

Cụ thể, thống kê của Google liệt kê một số danh sách bên dưới:

Sau khi công bố và đăng tải, Nhịp Sống Số đã tiếp nhận những ý kiến từ phía bạn đọc và qua kênh mạng xã hội Facebook cho rằng "Những giá trị văn hóa đích thực đã bị bỏ qua nhường ngôi cho những sản phẩm tào lao, ba xàm" (bạn đọc Long Đen).

"Không hiểu các cơ quan liên quan đến văn hóa có ý kiến gì khi các tác phẩm  này được đưa ra thị trường tràn lan thế này. Những ca khúc không có chút giá trị về nghệ thuật và văn hóa này đang giết dần nhận thức cái đẹp, cái hay của âm nhạc. Thấy buồn cho giới trẻ hôm nay", bạn Chung Hoang chia sẻ.

Trong khi bạn Hung Tran trải nghiệm "Lên tìm nghe thử, nghe mỗi bài được 2 phút là nản rồi. Riết cũng bó tay thị trường nhạc Việt".

Đối với âm nhạc hiện nay, tên bài hát càng kêu càng sốc càng nhiều người nghe, do đó tại sao âm nhạc luôn xuất hiện những tên rất quái

Bạn đọc Bao Long Tinh

Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung - Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt cho rằng tuy giáo dục có sự thống nhất đảm bảo cho trẻ vùng cao hay thành thị được phát triển nhân cách nhưng các hình thức giải trí lại bị "thả lỏng" và tự do một cách gần như tuyệt đối, không có sự quy định (hoặc có nhưng không ràng buộc chặt chẽ). Nó chỉ phụ thuộc vào thứ duy nhất: nhu cầu của cá nhân.

Đó là lý do mà trẻ em cũng thích nghe và hát theo “Vợ người ta” mặc dù đó không phải là bài hát phù hợp với lứa tuổi các em.

Tuy nhiên, nếu thiếu hoặc chưa định hướng phong cách thưởng thức và giải trí phù hợp cho người nghe thì lên án là điều khoan hãy làm. Những người nông dân có thể thích nghe những bài hát khiến cho không khí công việc đồng áng nặng nhọc trở nên vui vẻ hơn vào ban ngày thì đến tối về, họ sẽ vẫn cùng nhau ngồi bàn chuyện về triết lý nhạc Trịnh, những vở tuồng cải lương.

Những đứa trẻ có thể hát lèo lèo các bài hát thị trường nhạt tuếch vì “em nghe cho vui tai” nhưng vẫn là những đứa trẻ ngoan ngoãn, biết lễ phép chào hỏi người lớn, học hành chăm chỉ, giỏi giang nhưng khi đông về vẫn thấm cái lạnh và thấm những nốt nhạc “cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh” thì chẳng phải là những đứa trẻ đáng yêu hay sao?

Nếu chưa có sự xét duyệt kỹ càng, nếu người làm giải trí chưa “có tâm” làm ra những sản phẩm đẹp, thì khi nhiều thứ còn miễn phí sẽ còn những kết quả "buộc tội người nghe" như thế này, cô Trang Nhung cho biết.

Theo cô Trang Nhung, nhu cầu giải trí hoặc tự thân người nghe/xem nảy sinh do nhận thức hay hứng thú của mình hoặc do được kích thích bởi các thủ thuật tâm lý, hình ảnh, hiệu ứng truyền thông của các sản phẩm giải trí. Do đó, có những sản phẩm giải trí sống mãi với thời gian, thậm chí trở thành những tuyên ngôn, những phương châm sống bởi cái hay, cái đẹp, tính ý nghĩa của nó.

Ví như câu hát “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn được nhắc đến khi có ai đó muốn nói về phương châm sống nhân ái, sống tình cảm, sống là cho đi".

"Bên cạnh đó, có những sản phẩm giải trí mang đúng tính chất giải trí mang lại sự vui vẻ, thoải mái cho người nghe/xem trong một khoảng thời gian ngắn rồi sẽ bị đào thải bởi chính nhu cầu của của người nghe đã thay đổi.

Bằng những quy luật khác nhau, những sản phẩm này thường nổi đình nổi đám chiếm được tỉ suất tìm kiếm, theo dõi cao nhưng rồi sau đó người ta không còn nhớ đến nó cũng bởi tính chất "Dễ nổi – Khó trụ" nếu bản thân người tạo ra nó không có nội lực, không tính toán đến sự thay đổi, phát triển nhận thức giải trí của khách hàng.

"Xét về mặt kỹ thuật, có thể những sản phẩm giải trí nhạt nhẽo được tìm kiếm nhiều nhất nhưng chưa hẳn đã được nghe nhiều nhất – nghe đi nghe lại – nhớ nhiều nhất – trở thành điều tâm đắc bền vững theo thời gian. Thế nên, cần đánh giá một khách khách quan nhất về nhu cầu nghe – nhìn – xem của khán giả bởi mỗi người sẽ có một mục đích khác nhau khi tìm đến một sản phẩm giải trí nào đó", theo thạc sĩ tâm lý Trang Nhung.

"Đúng là bây giờ phải biết thích nghi với cuộc sống.", bạn đọc Thanh Tích đúc kết.

--------------------------------------------------------

Ý kiến của bạn về xu hướng tìm kiếm của người dùng Internet tại Việt Nam trong năm qua ra sao? Những kinh nghiệm, thói quen tìm kiếm có ích của bạn trên Internet là gì? - Vui lòng chia sẻ vào phần Bình luận bên dưới bài viết.

THANH TRỰC tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên