14/10/2015 18:47 GMT+7

Lập cổng quốc gia tích hợp tất cả dịch vụ công trực tuyến

HỒNG NHUNG
HỒNG NHUNG

TTO - Nhằm đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, ngày 14-10 Thủ tướng ký ban hành nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử.

Cổng dịch vụ công trực tuyến TP.HCM. - Ảnh chụp màn hình
Cổng dịch vụ công trực tuyến TP.HCM - Ảnh chụp màn hình

Theo nghị quyết, đến hết năm 2016 các bộ, ngành trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng.

Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3).

Một số dịch vụ công phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến.

Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).

Văn phòng Chính phủ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản, hoàn thành trước ngày 1-1-2016; tổ chức triển khai phần mềm quản lý văn bản đối với các cơ quan chưa có hoặc đã có nhưng chưa đáp ứng yêu cầu liên thông. Thiết lập hệ thống điện tử lấy ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác nhằm giảm thời gian xây dựng văn bản; thiết lập mạng xã hội - chính quyền để người dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng được giao thiết lập Cổng dịch vụ công Quốc gia để tích hợp tất cả dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; ban hành danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện, hoàn thành trước ngày 1-1-2016.

Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ cũng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và truyền thông soạn thảo cơ chế thí điểm đầu tư, mua sắm và thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT phù hợp với đặc thù của công nghệ là liên tục đổi mới, thiết bị nhanh lạc hậu và giảm giá mạnh.

Năm 2015, tỉ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đã tăng từ 65% lên 98%; thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm từ 537 giờ/năm còn 167 giờ/năm. Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) và Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế đã giảm thời gian thông quan hàng hóa bình quân từ 21 ngày còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu, giảm 10 - 20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp.

HỒNG NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên