19/08/2016 11:54 GMT+7

​#firstsevenjobs không chỉ là trò chơi

DIỆU NGUYỄN
DIỆU NGUYỄN

TTO - Dòng hashtag #firstsevenjobs (tạm dịch: 7 công việc đầu đời của bạn) trên các trang mạng xã hội vẫn không ngừng được mọi người chia sẻ. Bởi, bỗng #firstsevenjobs xuất hiện giúp họ gợi lại những kỷ niệm về bước đi đầu đời và động lực thành công hôm nay.

Sân chơi cho người thành đạt…

Bạn đọc Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt chia sẻ trên Tuổi Trẻ Online công việc đầu tiên của mình lúc học lớp 8 là bán khoai lang ở bến xe lam (loại xe ba bánh ngày xưa chở khách), lên lớp 9 thì bán kẹo và thuốc lá (thuốc Bình Long, Khánh Hội).

Lên ĐH thì năm nhất Kiệt bán vé ca nhạc các chương trình từ thiện (sau này mới biết các bầu sô lợi dụng chương trình này để kiếm tiền), đục mộ bia khắc tên người chết trên đá (lúc đó mình tự hỏi bây giờ mình đục cho người khác, không biết đến khi nào mới có tên mình trên tấm bia đá lạnh lẽo kia (!?!).

Rồi Kiệt đi dạy kèm đứa bé học lớp 6, con của bà chủ quán cơm bình dân. Không biết có anh SV nào mà như mình không vì mình dạy kèm không... lấy tiền công, chỉ có cuối buổi được ăn đĩa cơm và khuyến mãi thêm cơm và tô canh cải ăn thỏa thích no bụng thì thôi.

Năm cuối đi bán dưa hấu lấy thương hiệu ghi oách lắm là "dưa SV" (bắt chước chương trình SV 96 đình đám trên VTV3 trước đó).

Ra trường làm vài năm cho vài tập đoàn nước ngoài và Việt Nam (Nestle, Johnson và Kinh Do). Có lẽ làm vài năm thấy không khoái lắm (hay là bị đuổi ?!?) nên Kiệt ra làm bên ngoài và giờ đang làm chủ tịch và CEO của 7 công ty tại Việt Nam và một công ty tại Campuchia.

Bà Sridevi Tố Hải, chủ tịch Công ty đào tạo thiền và yoga Trái Tim Vàng, từ một tiểu thư con nhà giàu nhưng bố mất do bệnh và phá sản, năm 12 tuổi đã phải bỏ học đi giúp việc. Từ đây, bà đã phải kinh qua các công việc khác nhau để kiếm tiền nuôi sống bản thân, mẹ và anh bị bệnh, em gái còn quá nhỏ như bán quán cà phê.

Nhưng chất của “người thủ lĩnh” trong bà phát ra từ đây. Bà bắt đầu kinh doanh nhỏ, mở quán cà phê, mở sạp mỹ phẩm ở An Đông… Và đưa đẩy bà đến với nghề huấn luyện viên yoga khi ý thức được bộ môn này tốt cho chính sức khỏe của bà.

Năm 16 tuổi, lần đầu tiên bà đi nước ngoài, đến Thái Lan để tìm hiểu thêm về nghề này. Tại đây bà xác định được con đường của nghề này là vươn ra quốc tế, vừa học vừa làm không chỉ trong nước mà giảng dạy ở các nước để tự đào tạo cho chính mình.

Năm 24 tuổi, bà khởi nghiệp bằng việc mở công ty chuyên đào tạo huấn luyện viên yoga. Đến bây giờ bà là chủ tịch công ty có 15 chi nhánh trong cả nước, hai học viện tại Ấn Độ và kiêm nhiệm giám đốc Học viện Lãnh đạo thiền châu Á.

Những ai chơi nhạc đều dễ dàng nhận ra Phùng Tiến Công, một doanh nhân trẻ thành đạt từ hồi 24 tuổi, giờ đã bước qua tuổi 30 lâu rồi.

Trên Facebook, anh cũng chia sẻ #firstsevenjobs. Trước khi thành công như hôm nay, anh đã trải qua thời thơ ấu với các công việc mà bất kỳ đứa trẻ nào ở quê cũng phải làm phụ giúp gia đình: chăn trâu, cuốc đất, mót ngô (bắp), nuôi lợn (heo), câu cá, đóng gạch, bốc vác, khi đi du học thì làm phục vụ cho một nhà hàng hải sản ở Úc…

… và thông điệp đến những người trẻ

“Không phải khoe nhưng muốn gửi gắm đến các bạn trẻ là đừng nề hà trong tất cả công việc và luôn cố gắng quyết tâm, cũng đừng cố giữ cho an toàn quá kiểu "nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống cũng hơn nhiều người" thì sẽ triệt tiêu động lực phấn đấu, và sẽ mang tư duy an phận, chưa đánh đã chủ hòa” - bạn đọc Tuấn Kiệt bày tỏ.

Một trào lưu không chỉ vui mà còn tạo động lực cho các bạn trẻ qua gương thành công, để được thành công họ cũng phải phấn đấu và vươn lên từ những công việc tầm thường chẳng ai nhìn thấy được tương lai.

 “Tôi không theo trào lưu, bởi mỗi một ngày thức dậy tôi đều ý thức được những việc mình làm, thấy ý nghĩa những gì mình đã trải qua để làm động lực phát triển bản thân và cộng đồng của mình đã gầy dựng.

Đây cũng là một trào lưu tốt cho các bạn trẻ, các bạn có nhiều thời gian để phát triển con đường sự nghiệp của mình, nhưng các bạn hiện nay có xu hướng để thời gian trôi đi một cách vô ích, trò chơi này có thể là dịp để các bạn dừng lại chiêm nghiệm để phát triển hơn nữa” - bà Tố Hải chia sẻ.

Cũng là trò chơi nhưng có những trò vô bổ chỉ có hại, có những trò vô bổ vô hại lại rất hút các bạn trẻ tham gia, có những trò mang lại giá trị cho người chơi không chỉ các bạn trẻ mà cả những người trải qua phần lớn cuộc đời để đúc rút ra được những bài học kinh nghiệm, ghi dấu cuộc đời mình…

DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên