06/07/2017 10:10 GMT+7

Khi Youtube thành “Uber video”

ĐỒNG SONG NGHI
ĐỒNG SONG NGHI

TTO - Xu hướng báo chí (gồm chung cả báo in, đài phát thanh, truyền hình và các hãng thông tấn) đang phải cung cấp nội dung cho "đối thủ cạnh tranh trực tiếp" của mình là Youtube và Facebook miếng bánh quảng cáo và cả người dùng

Khi Youtube thành “Uber video” - Ảnh 1.

Tin tức cập nhật, có cả phụ đế tiếng Anh của kênh CBS News trên Youtube thu hút hàng triệu người dùng đăng ký kênh này

Nghịch lý có vẻ như không thể chấp nhận này hiện lại trở thành xu thế không thể đảo ngược bởi thế mạnh của các nền tảng (platform) chuyên biệt như Facebook, Youtube, Uber, Airbnb.. là công nghệ vượt trội và có sẵn cộng đồng hàng triệu người dùng.

Từ lạnh nhạt sang nồng ấm

Cách đây 10 năm, khi Yahoo! chính thức đặt chân vào thị trường VN, họ khá vất vả khi đàm phán mua quyền sử dụng tin tức của các báo. Các báo nhìn Yahoo! như một đối thủ cạnh tranh trực tiếp, đặc biệt là ở mảng quảng cáo trực tuyến là lĩnh vực Yahoo! cực mạnh ở thời điểm đó. Ngoài quảng cáo, các báo cũng lo ngại trở thành đối thủ cạnh tranh tranh giành bạn đọc của mình.

Tương tự với các kho video của báo chí ở nước ngoài. Trước đây Youtube muốn hợp tác khai thác nhưng các báo khá e dè. Lý do cũng tương tự như báo chí VN với Yahoo!: không muốn chia sẻ quảng cáo và độc giả cho đối thủ có thể cạnh tranh trực tiếp với mình.

Trong vài năm gần đây, mọi việc đã đảo ngược. Các báo lần lượt mở kênh chính thức (official channel) trên Youtube song song với việc duy trì kênh video trên hệ thống riêng của mình. Không chỉ vậy, giờ đây video trên kênh Youtube được cập nhật cùng lúc với kênh riêng của các cơ quan báo chí.

Sự vượt trội về công nghệ khó cưỡng

Với các platform công nghệ như Youtube, Facebook… khả năng đáp ứng nhu cầu truy cập tăng vọt gấp vài ngàn, thậm chí vài chục ngàn lần trong một thời gian ngắn là việc không quá khó. Bản thân các hệ thống này bình thường đã phục vụ cùng lúc cho hàng chục triệu người dùng cùng lúc. 

Với các cơ quan báo chí, việc đầu tư quá lớn cho hạ tầng công nghệ để đáp ứng nhu cầu truy cập tăng đột ngột sẽ gây tốn kém và lãng phí, không đạt hiệu quả kinh tế.

Nền tảng Youtube còn có thêm ưu thế vượt trội từ công ty mẹ Google như tích hợp thuật toán tìm kiếm và hệ thống phân tích dữ liệu người dùng mạnh mẽ. Hệ thống này giúp xác định chính xác thói quen, sở thích, xu hướng, số lượt xem video của từng nhóm bạn đọc với rất nhiều thông tin chi tiết kèm theo.

Các con số về người dùng cũng rất hấp dẫn: CNN có hơn 2,7 triệu, AP gần 800.000, BBC hơn 1,3 triệu, ABC News hơn 2,6 triệu, New York Times gần 900.000 khán giả đăng ký trên Youtube… Không dễ có một lượng lớn khán giả như vậy nếu thiếu nền tảng công nghệ. 

Với lượng bạn đọc đăng ký lớn như vậy, chưa tính một lượng lớn bạn đọc vãng lai, không khó hiểu tại sao giờ đây các cơ quan báo chí đã coi Youtube như kênh không thể thiếu. Hiện nay, số lượng video đưa lên kênh Youtube rất lớn như CNN đưa lên hơn 136.000, AP hơn 107.000, Fox News hơn 34.000 và ABC News hơn 38.000 video.

Một số kênh như New York Times, CBS News, Reuters …còn cung cấp video có phụ đề tiếng Anh, giúp những người có khả năng tiếng Anh còn khiêm tốn vẫn hiểu được nội dung video. Một lợi ích lớn của video có phụ đề này là rất phù hợp cho việc tự học tiếng Anh vì chủ đề các video phong phú và tính thời sự cao. 

Tính năng này giúp thu hút một lượng không nhỏ bạn đọc trên thế giới đăng ký vì họ vừa cập nhật thông tin vừa học tiếng Anh rất hiệu quả.

Cộng sinh để cùng phát triển

Nhờ đầu tư chuyên sâu, sở hữu những bí quyết công nghệ và đội ngũ chuyên viên tin học hàng đầu thế giới, các công ty sở hữu platform như Youtube liên tục bổ sung những tính năng vượt trội mà bộ phận công nghệ của các cơ quan báo chí không thể đạt tới.

Xu thế "Uber hoá" này đã định hình rất rõ: platform do công ty công nghệ cung cấp kèm theo cộng đồng hàng trăm triệu người sử dụng và cài app. Do được Google sở hữu, app Youtube luôn được cài sẵn trên máy Android và cũng là sự lựa chọn hàng đầu của người dùng iPhone, iPad lẫn máy tính Windows.

 Đối tác sử dụng platform sẽ cung cấp thông tin/ tiện ích cho người dùng như video/audio đối với Youtube, thông tin/hình ảnh/video/audio đối với Facebook, phương tiện chuyên chở đối với Uber, phòng trọ đối với Airbnb....

Có thể thấy rõ đây là mô hình cộng sinh mà không bên nào có ưu thế tuyệt đối để chèn ép bên kia. Thế mạnh nhờ độc quyền thông tin hay công nghệ không còn nữa. Trước đây nguồn video chỉ do báo chí sản xuất, hiện giờ ai cũng có thể live stream hay mở kênh riêng trên Youtube, Facebook.

 Công nghệ đã biến việc truyền hình trực tiếp từ chỗ phức tạp và tốn kém trở thành đơn giản và gần như miễn phí cho tất cả mọi người. Hàng triệu người dùng Youtube có thể sản xuất video hấp dẫn cạnh tranh với CNN, CBS News trong khi các hãng taxi truyền thống lao đao với đội quân hàng ngàn xe nhàn rỗi chạy Uber.

 Về phía công nghệ, các công ty sở hữu platform tuy có thế mạnh nhưng cũng khó bắt chẹt đối tác vì Uber còn có Grab, Lyft..., Youtube có Vimeo, Dailymotion ...cạnh tranh không khoan nhượng.

Khi các báo đưa "gia tài" video của mình lên Youtube thì ngoài các lợi ích như tận dụng sức mạnh công nghệ, mở rộng tiếp cận bạn đọc thì nguồn doanh thu từ quảng cáo trực tuyến mang lại cũng đang tăng dần. Mô hình cộng sinh trong nền kinh tế chia sẻ kiểu Uber mang lại lợi ích win-win cho cả hai bên.

Một số kênh Youtube của báo chí:

https://www.youtube.com/user/AssociatedPress

https://www.youtube.com/user/ReutersVideo

https://www.youtube.com/user/TheNewYorkTimes

https://www.youtube.com/user/CNN

https://www.youtube.com/user/bbcnews

https://www.youtube.com/user/ABCNews

https://www.youtube.com/user/FoxNewsChannel
https://www.youtube.com/user/CBSNewsOnline



ĐỒNG SONG NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên