17/03/2016 13:28 GMT+7

Kiến nghị khóa IMEI: Cần phải có quy định chặt chẽ

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU (phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM)
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU (phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM)

TTO - Khi triển khai thực hiện, các đơn vị liên quan cần có cơ chế quản lý, giám sát và phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc xác minh tin báo về tội phạm để không ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

Người dùng nên nhớ số IMEI điện thoại của mình. - Ảnh: Gia Tiến
Người dùng nên nhớ số IMEI điện thoại của mình - Ảnh: Gia Tiến

* Kiến nghị khóa IMEI điện thoại bị mất cắp

Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này và nếu được triển khai có thể giúp hạn chế được các tội phạm liên quan đến quyền sở hữu đối với các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thì khi triển khai thực hiện, các đơn vị liên quan cần có cơ chế quản lý, giám sát và phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc xác minh tin báo về tội phạm.

Chẳng hạn có trường hợp người dân mua phải thiết bị là đồ bị trộm, cướp, sau đó thiết bị của họ bị vô hiệu hóa, trở thành “cục gạch”, theo quy định của pháp luật dân sự, người này sẽ được pháp luật bảo vệ như là đối với người thứ ba ngay tình.

Cụ thể, đối với những người mua trúng thiết bị điện tử mà không biết và không thể biết tài sản đó có nguồn gốc là do phạm tội mà có thì có thể yêu cầu người bán phải bồi thường thiệt hại cho mình.

Hay có trường hợp kẻ xấu khai mất điện thoại và khai số IMEI của một người dùng bình thường khác, hậu quả có thể khiến điện thoại của người dùng bình thường bị biến thành cục gạch...

Trường hợp này trách nhiệm thuộc về cơ quan công an đối với việc xác minh tin báo về tội phạm. Bởi nhà mạng chỉ chặn số IMEI của người dùng theo danh sách được cơ quan công an cung cấp, do đó nếu cơ quan công an khi tiếp nhận thông tin về tội phạm thì phải có nghĩa vụ điều tra, xác minh rõ ràng nguồn tin báo đó là đúng sự thật, rồi mới gửi số IMEI đó đến nhà mạng để yêu cầu can thiệp.

Nếu cơ quan công an cung cấp số IMEI của người dùng bình thường, khiến thiết bị của người này bị vô hiệu hóa, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dùng này thì cơ quan công an phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dùng này.

Do đó về mặt pháp luật, tôi cho rằng để đề xuất này khả thi và đảm bảo quyền lợi của người dân, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xây dựng các văn bản pháp luật để tạo một hành lang pháp lý cũng như tạo một cơ chế giải quyết rõ ràng việc vô hiệu hóa đối với những thiết bị điện tử bị mất trộm, bị cướp… 

Theo đó, phải làm rõ trách nhiệm của nhà mạng trong việc phối hợp với cơ quan công an có thẩm quyền để thẩm tra lại khiếu nại của khách hàng thông qua việc tiếp nhận đơn khiếu nại của người dân, sau khi nhận được đơn khiếu nại thì nhà mạng có trách nhiệm chuyển hồ sơ và phối hợp với cơ quan công an để xác minh về việc khiếu nại.

Trường hợp sau khi xác minh mà có kết quả là khiếu nại đúng thì phải thực hiện việc bỏ chặn IMEI của người dân đã khiếu nại. Bên cạnh đó, để cơ chế giải quyết khiếu nại được hiệu quả, cần phải quy định cụ thể về thời gian giải quyết khiếu nại của cơ quan công an và nhà mạng.

Theo từ điển mở Wikipedia, IMEI (viết tắt của tiếng Anh International Mobile Equipment Identity) - tạm dịch là "Số nhận dạng thiết bị di động trên toàn thế giới" -  là một dãy số gồm 15 số chứa thông tin xuất xứ, kiểu mẫu và số serial của một thiết bị di động. Số IMEI thường được in trên tem máy nằm phía dưới pin hay có thể bấm *#06# sẽ hiện ra trên màn hình điện thoại di động.

Số IMEI thường được sử dụng trong mạng GSM để nhận dạng sự hợp pháp của máy đầu cuối nhờ đó nhà mạng có thể không cho các máy ăn cắp có thể gọi. Ví dụ nếu một máy điện thoại bị mất cắp, người chủ có thể gọi tới tổng đài yêu cầu tổng đài chặn máy điện thoại sử dụng số IMEI này. Do đó máy này sẽ không thể gọi được cho dù có thay thế SIM di động khác.

ĐỨC THIỆN ghi

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU (phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên