15/05/2017 09:51 GMT+7

Microsoft trách cơ quan an ninh quốc gia sau vụ mã độc tống tiền

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Tập đoàn công nghệ Microsoft trách cứ cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đã không chịu công khai các lỗ hổng bảo mật mà họ phát hiện, dẫn tới hậu quả khôn lường.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, trong thông cáo đưa lên blog của Microsoft ngày 14-5, chủ tịch Microsoft, ông Brad Smith thừa nhận gián tiếp vấn đề cho tới thời điểm này đã được giới nghiên cứu bảo mật thừa nhận rộng rãi: những kẻ đứng sau vụ tấn công bằng mã độc tống tiền quy mô lớn cuối tuần trước đã sử dụng một công cụ tấn công mạng của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) từng bị rò rỉ trên mạng trong tháng 4 năm nay.

Ông Smith viết: "Đây là vấn đề phát sinh trong năm 2017. Chúng tôi đã thấy những lỗ hổng bảo mật do CIA sở hữu bị tung lên trang WikiLeaks, và nay thì lỗ hổng bảo mật bị đánh cắp từ NSA đã gây hại cho khách hàng trên toàn thế giới".

Chủ tịch Microsoft xới lại vấn đề vốn đã tranh cãi lâu nay về việc các cơ quan tình báo của chính phủ nên cân đối lại giữa mục đích chuyên môn của họ (giữ bí mật những lỗ hổng bảo mật họ phát hiện để làm công cụ do thám khi cần và tiến hành chiến tranh mạng), và việc thông báo sớm những sơ suất đó để các hãng công nghệ sớm khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn hơn cho người dùng Internet.

Ông Smith hối thúc các chính phủ hãy xem vụ tấn công mạng quy mô lớn vừa xảy ra như một hồi chuông cảnh báo, từ đó cân nhắc thiệt hơn giữa việc bảo vệ lợi ích cho người dân và ích lợi từ việc khai thác những lỗ hổng bảo mật mạng.

Cả NSA lẫn Nhà Trắng vẫn chưa có phản hồi gì sau thông cáo nêu quan điểm của hãng Microsoft về sự việc.

Cho tới thời điểm này các chuyên gia kinh tế vẫn đưa ra những đánh giá tương đối khác nhau về mức độ thiệt hại kinh tế liên quan tới vụ tấn công mạng của mã độc tống tiền có tên WannaCry.

Viện nghiên cứu phi lợi nhuận U.S Cyber Consequences Unit của Mỹ ước tính tổng thiệt hại kinh tế vào khoảng vài trăm triệu USD, nhưng không vượt quá 1 tỉ USD.

Chuyên gia kinh tế Scott Borg của tổ chức này cho rằng hầu hết các nạn nhân đều đã nhanh chóng khôi phục lại được những dữ liệu bị mã độc tấn công bằng hệ thống sao lưu.

Trong khi đó hãng Cyence có trụ sở tại California cho rằng mức độ thiệt hại kinh tế trong đợt tấn công này vào khoảng 4 tỉ USD, dẫn kèm theo các tổn thất liên quan tới tình trạng bị gián đoạn của các hoạt động thương mại.

Đêm thứ sáu (12-5) tổng thống Mỹ đã lệnh cho cố vấn an ninh nội địa của ông, ông Tom Bosert, triệu tập họp khẩn để đánh giá về nguy cơ vụ tấn công mạng toàn cầu.

Các quan chức an ninh Mỹ cũng đã tổ chức một cuộc họp khác tại Phòng Tình huống của Nhà Trắng ngày thứ bảy (13-4), trong khi hai cơ quan FBI và NSA đồng thời tập trung các nỗ lực giảm thiểu tổn thất và xác minh danh tính những kẻ đứng sau vụ tấn công.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên