31/12/2014 15:16 GMT+7

Tin nhắn rác và dịch vụ mạng 2014: Xấu xí

 ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Tin nhắn rác hoành hành ngày đêm; cước phí tăng liên tục mà chất lượng phập phù; thuê bao bị thu phí dịch vụ "trên trời rơi xuống"… là những bức xúc lớn của người dùng di động năm 2014.

Tin nhắc rác, dịch vụ mạng thi nhau “dội bom” người dùng di động -  Ảnh: Đ.Thiện

Những tưởng sau khi có các quy định quản lý, chế tài về tin nhắn quảng cáo trên di động, người dùng sẽ được “yên ổn”, thế nhưng thực tế đã diễn ra trái ngược hoàn toàn.

Bị “khủng bố”, bị “móc túi”

Các loại tin nhắn mua bán SIM điện thoại, mời gọi đến tổng đài dịch vụ, quảng cáo giao dịch bất động sản… thi nhau hoành hành người dùng cả ngày lẫn đêm. Kể cả nhà mạng cũng đua nhau “dội bom” quảng cáo các dịch vụ giá trị gia tăng của mình.

Người dùng càng bức xúc, tin nhắn rác càng tấn công mạnh. Cơ quan quản lý gần như bất lực dù cũng có một số hoạt động xử lý các đối tượng vi phạm.

Mức độ xử phạt chưa đủ “gãi ngứa” càng khiến các loại hình tin nhắc rác, tổng đài rác thêm bành trướng “đánh phá” thuê bao di động.

Nếu tin nhắn rác làm người dùng mất ăn mất ngủ thì dịch vụ nhà mạng lại khiến họ thêm “điên cái đầu”.

Năm 2014 ghi nhận rất nhiều thuê bao di động bức xúc vì bị nhà mạng âm thâm trừ tiền cả tháng trời cho những dịch vụ họ không hề đăng ký.

Chỉ đến khi cảm giác bị trừ tiền quá nhiều, người dùng kiểm tra thì mới tá hỏa phát hiện điện thoại của mình bị trừ tiền phí vì sử dụng những dịch vụ giá trị gia tăng chưa bao giờ nghe.

Khi khiếu nại đến nhà mạng, khách hàng cũng thường chịu phần thiệt do nhà mạng vừa là người bị kiện, nhưng đồng thời cũng chính là quan tòa ra phán quyết.

Chẳng hạn nhà mạng Viettel có trường hợp khách hàng đăng ký chương trình khuyến mãi gọi nội mạng miễn phí tính cước theo ngày.

Đến khi muốn ngưng sử dụng chương trình, khách hàng nhắn tin cú pháp hủy lại không được. Tổng đài Viettel trả lời “hệ thống cũng không có dữ liệu về việc khách hàng soạn tin hủy do đó đã gia hạn” và trừ tiền (!?).

Trong khi đó, MobiFone lại có chiêu dẫn dụ theo kiểu tung hỏa mù khách hàng. Đó là chương trình trả lời câu hỏi trắc nghiệm trúng thưởng qua tin nhắn hoàn toàn miễn phí. Thế nhưng sau đó khách hàng lại bị trừ tiền cho dịch vụ thông tin tổng hợp 5000 đồng/ngày…

Phạt như “gãi ngứa”

Với mỗi khách hàng, số tiền thất thoát trung bình 5000 đồng/ngày có thể không đáng là bao.

50 tỷ mỗi ngày?

Giả dụ chỉ cần 10 triệu thuê bao trong tổng số hơn 123 triệu thuê bao di động hiện nay bị sử dụng dịch vụ thu phí 5000 đồng/ngày, tính ra mỗi ngày các nhà mạng sẽ kiếm được 5000 đồng x 10.000.000 thuê bao = 50 tỷ đồng/ngày.

Nhưng nếu làm phép tính nhân lên hàng chục triệu thuê bao đang sử dụng dịch vụ của ba nhà mạng lớn nhất Việt Nam nêu trên, con số sẽ thật khủng khiếp.

Trong khi đó, mức xử phạt đối với các nhà mạng vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng lại quá nhỏ bé so với doanh thu khủng của họ.

Đầu tháng 11-2014, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt nhà mạng Viettel vì đã cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng khi chưa nhận được sự đồng ý của chủ thuê bao.

Cụ thể, Viettel đã kích hoạt gói dịch vụ Combo Vas cho sinh viên năm 2014 bao gồm các dịch vụ Imuzik, iSign, Anybook với tổng số gần 13 triệu thuê bao; khoảng 6,5 triệu thuê bao nhạc chờ Imuzik; 23 triệu thuê bao dịch vụ thông báo cuộc gọi nhỡ MCA.

Tổng số tiền xử phạt cho nhà mạng này là 75 triệu đồng. Theo nhiều người, mức xử phạt này còn quá thấp so với doanh thu nhà mạng kiếm được nếu các thuê bao bị kích hoạt chế độ thu phí.

Thậm chí ngay cả quy định phạt 100-140 triệu đồng đối với các vi phạm nêu trên của các nhà mạng cũng là quá nhẹ so với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi ngày từ những chiêu trò kinh doanh theo kiểu “móc túi” người sử dụng.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên