18/09/2014 16:37 GMT+7

Một ngày công nghệ: chọn quần jean hay iPhone 6?

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Nữ giới sẽ phải "lựa chọn nghiệt ngã", từ bỏ thói quen mặc váy bó hay quần jean, hoặc không sử dụng iPhone 6, đặc biệt là iPhone 6 Plus.

 

Một ngày công nghệ 18-9: chọn quần jean hay iPhone 6?

Có một thực tế làm nhức đầu cả Apple lẫn người tiêu dùng. Đó là kích thước "nở nồi" quá lớn của iPhone 6 (màn hình 4,7 inch) và iPhone 6 Plus (màn hình 5,5 inch) khiến người dùng bắt buộc phải thay đổi cách thức sử dụng của mình nếu như vẫn quyết định chuyển từ iPhone 5s lên thế hệ mới.

Xưa nay quần jean của phụ nữ có những chiếc túi được thiết kế vừa đủ bỏ lọt tờ giấy bạc USD gấp đôi. Nghĩa là chỉ bỏ lọt iPhone 5s trở về trước (có màn hình 4 inch và 3,5 inch).

Hơn nữa, theo ý kiến của không ít người, ngay cả có thiết kế lại thì chiếc quần jean với chiếc túi to đùng, nhét chiếc iPhone bự chảng vào cũng làm ảnh hưởng tới dáng vẻ nhỏ nhắn, dễ thương của thời trang giới nữ.

Thậm chí trang công nghệ InfoWorld nói rằng iPhone 6 Plus quá lớn đối với một số người đàn ông. Nó không thể nằm gọn trong túi áo sơmi của họ, ngay cả chiếc túi quần tây.

Trên trang Business Insider, một số chị em lo ngại do không nằm gọn trong túi, hai chiếc iPhone có thể dễ dàng rơi ra trong… nhà vệ sinh.

Những người thích nhét điện thoại vào túi quần sau càng gặp nhiều bất trắc hơn. Chiếc iPhone nếu không rơi thì cũng là mồi ngon cho những kẻ "nhám tay".

Xin mời xem clip test túi quần jean với hai chiếc iPhone 6

 

Màn hình cong cho máy tính để bàn

Lâu nay người ta chỉ nói tới các mẫu HDTV có màn hình cong (curved), thậm chí toàn những chiếc TV có màn hình to đùng. Giờ đây Samsung bắt đầu đưa màn hình cong lên mặt bàn làm việc của bạn, bắt đầu với màn hình máy tính S27D590C 27 inch.

Màn hình này có độ phân giải Full HD (1920 x 1080 pixel), góc nhìn rộng 178 độ, tỉ lệ tương phản 3000:1 và độ sáng 350 cd/m2. Nó có hai loa 5 wat và nút Game Mode dành cho chơi game mà Samsung cho biết sẽ giảm tình trạng rung nhòe chi tiết, tăng cường màu sắc và độ tương phản so với bình thường.

Màn hình máy tính cong này sẽ có trên kệ hàng vào tháng 10-2014. Giá khoảng 537 USD.

Leica M Edition 60 Special Edition, chiếc máy ảnh số không màn hình giá 20.000 USD

Chỉ cần nghe tới cái tên Leica là người ta đủ biết đó là máy ảnh dành cho dân chơi sành điệu với giá chóng cả mặt, huống chi đây lại là phiên bản đặc biệt kỷ niệm 60 năm của dòng máy ảnh này.

Leica M Edition 60 Special Edition là máy ảnh số nhưng không có màn hình LCD. Ở vị trí màn hình phía sau lưng là một chiếc đĩa chọn độ nhạy ISO. Nó dùng lỗ ngắm tròn theo kiểu máy ảnh cổ điển.

Máy ảnh không chỉ có kiểu dáng cổ điển mà còn khá cổ quái với chiếc chụp ống kính "không giống ai". Nó cũng lưu ảnh theo định dạng DNG để người chụp dữ liệu hình ảnh thô (RAW) có thể xử lý tùy ý sau khi chụp.

Đây là phiên bản đặc biệt, chỉ được Leica sản xuất có 600 chiếc cung cấp cho toàn cầu. Mỗi chiếc được đánh số thứ tự theo thời gian đặt hàng. Máy ảnh sẽ có vào tháng 10-2014 với giá gần 20.000 USD.

Chiếc vỏ Relonch Camera biến iPhone thành máy ảnh số

Relonch Camera danh chính ngôn thuận là một chiếc vỏ (case) dành cho iPhone. Chỉ khác là sau khi gắn chiếc iPhone vào sau lưng, máy sẽ biến chiếc smartphone của Apple thành máy ảnh compact.

Chiếc vỏ này kết nối với iPhone thông qua cổng Lightning port. Bạn chỉ cần gắn vào là có thể sử dụng được ngay, không cần phải chờ kết nối cặp với nhau. 

Trên thân vỏ có nút cơ chụp ảnh và những ứng dụng hỗ trợ, có một cảm biến APS-C lớn và chiếc ống kính như máy ảnh số với khẩu độ lớn.

Vỏ Relonch Camera hỗ trợ iPhone 5 và iPhone 6. Chỉ có điều giá của máy chẳng rẻ chút nào, lên tới 499 USD.

Dân Nhật Bản vẫn mê nghe nhạc trên đĩa CD

Bạn ắt phải ngạc nhiên khi biết trong lúc hầu như cả thế giới đang đua nhau chuyển sang stream nhạc từ Internet, người Nhật Bản vẫn say mê thưởng thức nhạc trên những chiếc đĩa CD.

Báo Mỹ The New York Times (17-9-2014) cho biết các CD nhạc vẫn còn chiếm tới 85% tổng số nhạc được bán ra ở xứ sở Phù Tang. Trong khi đó, tỉ lệ CD nhạc bán ra chỉ còn 20% ở Thụy Điển, nơi việc nghe nhạc qua Internet đang thống lĩnh thị trường.

Ngay ở Mỹ, nhạc CD còn chiếm 41% trên thị trường. Hãng đĩa Tower Records của Mỹ từ năm 2006 đã phải đóng cửa 89 cửa hàng ở Mỹ, trong khi chi nhánh của họ ở Nhật Bản hiện nay vẫn còn 85 cửa hàng bán đĩa, đạt doanh số 500 triệu USD một năm.

Phải chăng do người Nhật vốn hoài cổ và bảo thủ?

Theo tác giả Ben Sisario, các công ty đang nắm bản quyền nhạc của Nhật Bản tỏ ra rất miễn cưỡng trong chuyện cấp phép bản quyền cho các dịch vụ nhạc kỹ thuật số mới.

Bên cạnh đó, giới nghe nhạc trẻ cạnh tranh với nhau bằng cách mua nhiều bản của cùng một tựa CD do thần tượng của mình phát hành, chủ yếu để giúp đẩy số lượng CD bán ra của thần tượng lên cao hơn các đối thủ.

Tuy nhiên, Nhật Bản - thị trường nhạc lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Mỹ) - đang phải đối mặt với thực tế là doanh số nhạc bán ra ngày càng giảm trong suốt 10 năm nay.

Năm 2013 đã sụt giảm 17%, kéo mức giảm của toàn thế giới xuống 3,9%. Doanh số nhạc số giảm từ 1 tỉ USD hồi năm 2009 xuống còn 400 triệu USD vào năm 2013.

 

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên