01/12/2014 19:49 GMT+7

Học sinh học gõ bàn phím hay viết chữ?

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Kỹ năng gõ bàn phím thiết bị và khả năng viết chữ, cái nào quan trọng hơn trong thời đại điện toán hóa này? Chắc chắn sẽ có nhiều tranh cãi.

1. Trong thực tế người ta ngày càng "múa" các ngón tay trên các bàn phím từ máy tính tới thiết bị di động nhiều hơn là cặm cụi viết trên giấy.

Đó là lý do mà Ủy ban Giáo dục quốc gia Phần Lan vừa quyết định không coi việc dạy viết tay như một môn bắt buộc trong chương trình giảng dạy ở nhà trường. Thay vào đó, ngay từ nhỏ các học sinh sẽ được dạy các kỹ năng sử dụng bàn phím, thậm chí cả kỹ năng nhắn tin.

Họ giải thích rằng trên thị trường lao động ngày nay, điều kiện không thể thiếu là càng gõ bàn phím nhanh và chính xác, ứng viên càng có nhiều cơ may được tuyển dụng.

Quyết định đưa kỹ năng thao tác bàn phím vào chương trình giáo khoa phổ thông này sẽ được Phần Lan áp dụng từ học kỳ mùa thu năm 2016. Tuy nhiên các nhà trường vẫn có thể dạy viết tay như một môn bắt buộc nếu thích. 

Theo Digital Trends ngày 30-11, Phần Lan là một trong những nước đầu tiên chính thức đưa kỹ năng bàn phím vào dạy trong trường phổ thông ngay từ những lớp đầu đời. Phần lớn các trường phổ thông ở Mỹ cũng đã bỏ phiếu không bắt buộc học sinh chỉ học viết chữ bằng tay nữa. 

2. "Ông lớn" chip xử lý Intel đang thể hiện việc mình ngày càng tích hợp sâu rộng hơn vào công nghệ thiết bị thông minh có thể đeo được (wearable). Cho tới nay Intel đã đưa sức mạnh của chip xử lý máy tính vào thiết bị wearable với các chip SoC siêu nhỏ như Quark, Edison, SoFIA.

Báo Mỹ The Wall Street Journal ngày 30-11 cho biết "cú sút" ấn tượng nhất của Intel sẽ là Intel Inside bên trong phiên bản kế tiếp của chiếc kính thông minh "danh bất hư truyền" Google Glass.

Ra mắt chiếc kính có kết nối Internet Google Glass vào năm 2012, Google đã vấp phải phản đối của những người coi trọng quyền riêng tư cá nhân của con người. Thậm chí ngày càng có thêm nhiều nơi chốn đã gắn thêm dấu hiệu cấm sử dụng kính Google Glass.

Trong thực tế, kính Google Glass cũng ngày càng được ứng dụng vào nhiều công việc trong cuộc sống, đặc biệt ở các tác vụ chuyên nghiệp. Chẳng ai có thể phủ nhận được ưu điểm vượt trội của nó.

Google đang thực hiện chương trình Glass at Work, làm việc với các nhà phát triển phần mềm như Augmedix và APX Labs để đẩy mạnh việc sử dụng kính Glass trong các ngành nghề như chăm sóc sức khỏe, xây dựng, sản xuất… Đồng thời hợp tác với các nhà thiết kế và hãng sản xuất kính thời trang để đưa ra những kiểu gọng kính thời trang cho chiếc kính thông minh.

Về phần cứng, Google sẽ dùng chip xử lý SoC của Intel thay cho chip của hãng Texas Instruments vốn sử dụng cho Glass trước nay.

Hãng Intel cũng có kế hoạch cổ vũ việc sử dụng kính Google Glass Intel Inside trong các hệ thống bệnh viện và các nhà chế tạo, phát triển cộng đồng những người dùng Google Glass trong công việc chuyên môn.

3. Vậy là máy tính xách tay Chromebook chạy hệ điều hành Google Chrome OS đã chiến thắng máy tính bảng Apple iPad trong cuộc chạy đua vào nhà trường.

Báo Financial Times (30-11) dẫn số liệu mới nhất của Hãng nghiên cứu thị trường IDC cho biết số lượng máy tính Chromebook bán cho các trường ở Mỹ là 715.500 cái, so với 702.000 iPad. Đây là lần đầu tiên iPad bị truất ngôi đầu bảng trong nhà trường.

Các máy tính Chromebook do các hãng Acer, Dell, HP và Samsung sản xuất có ưu thế rẻ hơn rất nhiều so với iPad. Học sinh nhỏ tuổi thao tác trên bàn phím cơ dễ dàng hơn bàn phím ảo trên màn hình.

Các nhà quản trị IT trong nhà trường cũng cho biết Chromebook dễ quản lý hơn iPad. Tuy nhiên nếu xét về tính hữu dụng và cơ động, iPad được đánh giá cao hơn Chromebook.

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên