20/05/2015 11:27 GMT+7

​Mỹ truy tố sáu người Trung Quốc trộm bí mật thương mại

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Ngày 20-5, các công tố viên Mỹ tuyên bố truy tố sáu công dân Trung Quốc, bao gồm ba giáo sư đại học, vì tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại liên quan đến công nghệ điện thoại di động.

Trường ĐH Thiên Tân ở Trung Quốc - Ảnh: Daily Mail

Theo cáo trạng dài 32 trang, nhóm sáu người Trung Quốc này đã lập kế hoạch từ nhiều năm qua để ăn cắp các bí mật thương mại giá trị của Mỹ rồi tuồn về cho các trường đại học và công ty do chính phủ Trung Quốc kiểm soát.

Một trong số những kẻ bị truy tố là Hao Zhang, giáo sư trường ĐH Thiên Tân. Ông này bị bắt ngay khi đến Mỹ hôm 16-5. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết năm nghi can còn lại vẫn đang ở Trung Quốc. Tất cả đều phải đối mặt với án tù nặng nếu bị kết án.

Trộm công nghệ di động

Các công dân Trung Quốc bị buộc tội làm gián điệp kinh tế, ăn cắp bí mật thương mại cùng một số tội danh khác. Mỗi tội danh có mức phạt tù 10-15 năm cộng với phạt tiền. Theo cáo trạng, nhóm người Trung Quốc này đánh cắp công nghệ FBAR, cho phép điện thoại di động và các thiết bị khác lọc tín hiệu radio và cải thiện khả năng hoạt động.

Cáo trạng cho biết từ năm 2006, nhóm sáu kẻ này đã cấu kết với nhau để ăn cắp bí mật thương mại từ công ty Avago Technologies có trụ sở ở California và hãng Skyworks Solutions tại Massachusetts. Nhóm người này và ĐH Thiên Tân lập một công ty bình phong ở quần đảo Cayman, có tên là Novana.

Với sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc, đường dây này dùng công ty Novana để sản xuất các sản phẩm công nghệ sao chép sản phẩm của Mỹ. Một công ty Trung Quốc có tên là ROFS Microsystems cũng dùng công nghệ bị đánh cắp của hai công ty Mỹ.

Kẻ bị bắt Hao Zhang, 36 tuổi, từng là nhân viên của công ty Skyworks Solutions và là giáo sư trường ĐH Thiên Tân. Phản ứng lại với cáo buộc trên, một đại diện trường ĐH Thiên Tân tuyên bố: “Không có bằng chứng nào cho thấy các giáo sư này là gián điệp”.

Những kẻ còn lại bị truy tố là Wei Pang, 35 tuổi, cựu nhân viên Avago, là giáo sư ĐH Thiên Tân, Jinping Chen, 41 tuổi, giáo sư ĐH Thiên Tân và thành viên hội đồng quản trị công ty ROFS.

Ngoài ra còn phải kể đến Huisui Zhang, 34 tuổi, từng học với Pang và Hao Zhang ở ĐH Nam California, Chong Zhou, 26 tuổi, sinh viên ĐH Thiên Tân, Zhao Gang, 39 tuổi, giám đốc ROFS.

ROFS là một công ty liên doanh giữa ĐH Thiên Tân và một số cá nhân. Pang và Hao Zhang gặp nhau tại ĐH Nam Calfiornia khi nghiên cứu lấy bằng tiến sĩ tại đây. Sau đó, Pang gia nhập Avago còn Zhang đến với Skyworks.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết nhờ các cá nhân này ăn cắp công nghệ FBAR mà ĐH Thiên Tân có thể xây dựng một cơ sở FBAR hiện đại. Ngoài ra, nhóm gián điệp này còn tính đăng ký bản quyền công nghệ ăn cắp ở Mỹ và Trung Quốc.

Ăn cắp từ hàng chục năm qua

Họ lên kế hoạch bán công nghệ FBAR cho nhiều hãng sản xuất điện thoại di động như Nokia, Samsung, Motorola và LG. Ước tính thị trường công nghệ FBAR có giá trị vào khoảng 1 tỷ USD năm 2006. Trên thực tế, đây chẳng phải là lần đầu tiên công dân Trung Quốc bị buộc tội ăn cắp bí mật thương mại của Mỹ.

Từ năm 2012, FBI đã xác định Trung Quốc là mối đe dọa gián điệp thương mại lớn nhất đối với Mỹ trong vòng một thập kỷ tới. Các cuộc điều tra của FBI cho thấy Trung Quốc đã tổ chức các chiến dịch gián điệp thương mại từ hàng chục năm qua, chủ yếu tập trung ăn cắp công nghệ Mỹ.

Năm ngoái, Mỹ truy tố năm sĩ quan quân sự Trung Quốc tội xâm  nhập các công ty nguyên tử, kim loại và năng lượng mặt trời của Mỹ.

Mới đây các quan chức Mỹ đã lên tiếng khẳng định quyết tâm bảo vệ công nghệ nước này trước nguy cơ bị Trung Quốc đánh cắp. “Vụ việc hôm nay cho thấy nhiều công nghệ nhạy cảm do các công ty Mỹ ở Thung lũng Silicon và khắp California phát triển rất dễ bị các nhóm được một số chính phủ nước ngoài hỗ trợ tìm cách đánh cắp” - Công tố viên Mỹ Melinda Haag tuyên bố.

Ông David Johnson, đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) ở San Francisco, mô tả kế hoạch của nhóm người Trung Quốc là “một chiến dịch có tính tổ chức cao, sử dụng các cá nhân hoạt động tại Mỹ để ăn cắp công nghệ nhạy cảm và giá trị của Mỹ”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke cũng nhấn mạnh Washington luôn xử lý nghiêm khắc các vụ án gián điệp kinh tế. 

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên