10/11/2014 16:47 GMT+7

Năm 2020: Wi-Fi phủ khắp nơi, nhà mạng "mệt mỏi"

PHONG VÂN
PHONG VÂN

TTO - ​Hầu hết người được khảo sát đều cho rằng mình dùng các mạng Wi-Fi thay cho mạng băng rộng (3G/4G) để tiết kiệm chi phí mỗi tháng.

Trong 10 năm tới, người tiêu dùng có còn cần đến mạng di động? - Ảnh minh họa: DalaiGroup
Trong 10 năm tới, người tiêu dùng có còn cần đến mạng di động? - Ảnh minh họa: DalaiGroup

Một viễn cảnh được vẽ ra dựa trên khảo sát của Macquaire Group cho những khách hàng đăng ký dịch vụ mạng di động băng thông rộng.

Dự báo của Macquaire Group không quá xa vời theo xu hướng hiện nay, mạng Wi-Fi có mặt ở nhiều nơi, từ trong nhà cho đến quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, thư viện hay sân bay. Xu hướng này còn phát triển thêm, sóng Wi-Fi tiếp tục phủ rộng thêm nhiều khu vực trên đường phố, du thuyền, xe điện, xe ôtô, hay thậm chí máy bay cũng đã tích hợp Wi-Fi, cho phép hành khách dùng Internet... ở trên trời.

Cũng cần nhắc đến những dự án khổng lồ của Facebook như Internet.org hay Google thử nghiệm đưa cả khinh khí cầu phát sóng Wi-Fi lên trời.

Người tiêu dùng chọn thiết bị di động như smartphone hay máy tính bảng có thể dùng Wi-Fi để gọi điện thoại, nhắn tin, kiểm tra email, xem phim hay nghe đài radio trực tuyến và lướt mạng xã hội Facebook. Tất cả vẫn qua mạng không dây Wi-Fi.

Do đó, câu hỏi đặt ra liệu trong vài năm nữa, bạn có còn cần đến mạng di động từ nhà mạng?

Theo CNN, tại châu Âu, mặc dù mạng Wi-Fi không phổ biến hay tốc độ đủ nhanh như tại Mỹ nhưng nhiều người đã bắt đầu rời bỏ nhà mạng di động của mình. Một số khác chỉ đăng ký các gói dịch vụ dữ liệu (data) nhỏ từ nhà mạng.

Xu hướng này dấy lên mối lo ngại về độ bảo mật của mạng không dây công cộng. Các điểm truy cập công cộng (hotspot) thường là "sân chơi" của tin tặc, và theo dự báo của Macquaire, vấn đề này sẽ chưa thể xử lý khả quan trước năm 2016. Các thế hệ hotspot sẽ có cấp độ mã hóa dữ liệu cao cấp hơn.

Nhà phân tích Kevin Smithen từ Macquaire nhận định, "sẽ mất thêm vài năm nữa để người tiêu dùng Mỹ rời bỏ nhà cung cấp mạng 4G LTE của họ và chọn một gói dịch vụ Wi-Fi công cộng bổ sung từ công ty cáp".

Hiện người tiêu dùng vẫn đang thừa hưởng và gắn chặt với mạng 4G. Tuy nhiên, 4G có nhiều hạn chế vốn có trong công nghệ giúp nó hoạt động, như băng tần sóng còn hạn chế, và bạn chỉ có thể "nhồi" rất nhiều dữ liệu vào trong một MHz của quang phổ. 

Lý do trên cũng giải thích vì sao hai nhà mạng lớn tại Mỹ gồm AT&T và Verizon giới hạn dữ liệu cho khách hàng của mình. Khảo sát từ Macquaire cho thấy chỉ 1/3 khách hàng đăng ký mạng cáp không quan tâm đến lượng dữ liệu tải về mỗi tháng từ mạng Wi-Fi trong nhà, 2/3 còn lại đều có theo dõi lưu lượng này.

Các nhà mạng "rục rịch" thay đổi để thích ứng

Theo CNN, các công ty cung cấp kết nối mạng đang "chạy đua" tìm các giải pháp thay thế, bao gồm cả việc hợp tác với nhau, nối kết các mạng Wi-Fi của mình trên khắp Hoa Kỳ và thậm chí là một vài quốc gia khác. 

Nhà mạng đang đối mặt với những nguy cơ lớn đòi hỏi sự dịch chuyển nhanh nhạy, từ ứng dụng OTT cho đến mạng Wi-Fi công cộng phủ rộng khắp nơi - Ảnh minh họa: Gizmodo
Nhà mạng đang đối mặt với những nguy cơ lớn đòi hỏi sự dịch chuyển nhanh nhạy, từ ứng dụng OTT cho đến mạng Wi-Fi công cộng phủ rộng khắp nơi - Ảnh minh họa: Gizmodo

Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) cũng đang tiến hành nhiều bước chuẩn bị các băng tần sóng Wi-Fi, "tài sản" quý giá mà các nhà mạng sẽ đấu tranh giành lấy. (FCC là cơ quan đảm nhiệm việc quản về viễn thông, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện… tại Hoa Kỳ, hoạt động độc lập với chính phủ)

Macquaire dự báo các nhà mạng sẽ "hứng chịu" làn sóng lỗ trong báo cáo doanh thu ảnh hưởng từ xu hướng trên, cụ thể như Verizon có thể lỗ gần 1,4 tỉ USD doanh thu năm vào 2018. Cột mốc 2020 đang "đè nặng" lên tương lai các nhà mạng di động lớn tại Mỹ.

PHONG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên