18/09/2020 07:30 GMT+7

Những bước đi táo bạo 'phá vỡ bế tắc' của ông Trump ở Trung Đông

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Hòa bình giữa Israel và khối Ả Rập có thể xem là một sự kiện trọng đại trong lịch sử, nhưng nó đã bị đa số truyền thông Mỹ nhấn chìm chỉ vì người đạo diễn là... Tổng thống Donald Trump.

Những bước đi táo bạo phá vỡ bế tắc của ông Trump ở Trung Đông - Ảnh 1.

Lối suy nghĩ phi truyền thống của ông Trump đôi khi giải quyết được một số vấn đề hóc búa của ngành ngoại giao trong nhiều năm - Ảnh: AFP

Việc Israel đặt bút ký thỏa thuận hòa bình với Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain là một sự kiện tầm cỡ của lịch sử ngành ngoại giao Mỹ.

Các nước Ả Rập khác có thể sẽ sớm nối gót bang giao với Israel, ví dụ như Saudi Arabia. Đó là chưa kể Kosovo - quốc gia/lãnh thổ Hồi giáo đầu tiên trên thế giới quyết định dời đại sứ quán đến Jerusalem trong bối cảnh bình thường hóa quan hệ với Israel.

Viết trên báo Asia Times, học giả người Mỹ David P. Goldman nhận xét: gặt hái được thành công này, Tổng thống Donald Trump có thể nói đã đạp lên mọi trí khôn của ngành ngoại giao Mỹ và châu Âu, của cả hai phe tả - hữu trong giới hoạch định chính sách Mỹ.

Bản lĩnh Donald Trump

Châu Âu và hầu hết Đảng Dân chủ luôn một mực cho rằng một nghị quyết về số phận Nhà nước Palestine là điều kiện tiên quyết cho hòa bình, trong khi bộ ba Bush - McCain - Romney của Đảng Cộng hòa nói cần phải điều quân hàng loạt đến Trung Đông để nâng tầm ảnh hưởng của Mỹ trước.

Tất cả họ đều sai, chỉ mỗi ông Trump đúng. 

Khi ông tuyên bố rút hết số lính Mỹ ít ỏi khỏi Syria vào tháng 9-2019, một làn sóng phản đối xuất hiện trong giới làm chính sách Cộng hòa. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từ chức không lâu sau đó.

Nhà quan sát Mark Dubowitz của tổ chức Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ gọi quyết định đó là "một thất bại toàn tập". Michael Doran, cựu quan chức Hội đồng An ninh quốc gia, đứng lên tuyên bố Washington không còn lựa chọn nào ngoài việc chống lưng Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.

Chuyên gia Michael Makovsky của Viện Do Thái vì an ninh quốc gia Mỹ thì than "Israel giờ đây phải chịu thêm áp lực và đe dọa từ Iran".

Nhưng ông Trump đã không dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ, và ông cũng không lờ Iran. Ngược lại, ông để Nga khống chế tham vọng của Thổ ở Syria bằng cách tấn công các nhóm thánh chiến Hồi giáo Sunni do Ankara chống lưng.

Đó là một quyết định can đảm giữa lúc các đối thủ chính trị của ông ở Washington đang lùng sục bằng chứng về cái gọi là "sự móc nối giữa Nga và chiến dịch tranh cử của Donald Trump" hồi năm 2016.

Trong lần phát biểu vận động tranh cử hôm 3-9, ông Trump có nói: "Nếu tôi chơi với Nga, điều đó tốt hay xấu? Để đưa lực lượng Mỹ ra khỏi Trung Đông, không có cách nào khác ngoài chơi với Nga. Cũng cần nhắc đến Trung Quốc, nhưng tôi sẽ trở lại vấn đề này sau".

Việc Mỹ chống lưng các nhóm thánh chiến dòng Sunni trong cuộc nội chiến Syria đã khiến Nga can thiệp quân sự vào năm 2015. Theo một quan chức an ninh Israel, Tổng thống Putin giải thích rằng Syria thu hút quá nhiều tay súng thánh chiến từ vùng Kavkaz của Nga, vì an ninh quốc gia nên Nga cần một giải pháp cho cuộc xung đột này.

Cựu ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice (dưới triều tổng thống George W Bush) và Hillary Clinton (dưới triều Barack Obama) đều muốn phá kế hoạch của Matxcơva. Ông Putin phản ứng bằng cách triển khai chiến đấu cơ và bộ binh đến Syria.

Trên thực tế, Nga đóng vai trò giữ ổn định ở Syria, cân bằng với các yếu tố khu vực là Iran và Thổ. Israel đã tiến hành không kích hàng trăm mục tiêu quân sự do Iran chống lưng ở Syria trong suốt năm qua dưới sự ngó lơ của quân đội Nga.

Những bước đi táo bạo phá vỡ bế tắc của ông Trump ở Trung Đông - Ảnh 2.

Thỏa thuận hòa bình Israel - UAE mở ra một chương mới cho lịch sử Trung Đông - Ảnh: REUTERS

Lịch sử Trung Đông bước sang trang khác

Quyết định ám sát tướng Qasem Soleimani ở sân bay Baghdad ngày 3-1-2020 là câu trả lời của ông Trump cho vụ Iran tấn công cơ sở lọc dầu Saudi Arabia bằng máy bay không người lái. Nhiều nước lên án vụ tấn công này nhưng ông Trump thể hiện rõ: Iran sẽ trả giá đắt vì hành động quân sự chống lại láng giềng Ả Rập.

Không ít chuyên gia cho rằng nếu không làm mạnh như vậy, ông Trump khó mà thuyết phục các nhà lãnh đạo vùng Vịnh chấp nhập rủi ro của một thỏa thuận hòa bình với Israel.

Có thể nói ở Trung Đông không ai ngoài ông Trump muốn thỏa hiệp với Nga (có lẽ chỉ trừ Israel do có mối quan hệ đặc biệt với Matxcơva), nhưng ông hiểu rằng cuộc chiến không hồi kết của Mỹ với mục đích ủng hộ nhóm đa số cầm quyền (Hồi giáo dòng Shiite ở Iran, Sunni ở Syria) chỉ càng làm mọi thứ thêm tồi tệ.

Các nhà ngoại giao châu Âu than thở khi ông Trump ký bút dời đại sứ quán Mỹ đến Tây Jerusalem do e ngại nỗi ám ảnh của thế giới Ả Rập về sự tồn tại của nhà nước Israel. Người Ả Rập thường nói nếu thế giới không công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, cũng coi như không công nhận Israel.

Quyết định của ông Trump tạt một gáo nước lạnh vào mặt các nhà lãnh đạo Ả Rập, nói với họ rằng Israel ở yên đó, không đi đâu hết.

Đối diện với sự cương quyết của Mỹ và sự trỗi dậy của Israel như một sức mạnh kỹ thuật - quân sự trong khu vực, nhà lãnh đạo được đánh giá khôn ngoan và có tầm nhìn xa nhất trong giới lãnh đạo Ả Rập - thái tử UAE Mohammed bin Zayed al Nahyan - đã dứt bỏ chủ trương ngoại giao lỗi thời để chìa cành ôliu cho Israel. Saudi Arabia có lẽ sẽ nối gót.

Như vậy Trung Đông chỉ còn Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là giữ vững lập trường. Mỹ có thể kiềm chế 2 nước này nếu tiếp tục hành động rắn. Trong khi đó, Nga vẫn đang tiếp tục cuộc chiến ủy nhiệm với Thổ ở Libya và Syria.

Phong cách quản lý ngẫu hứng, không thể đoán trước và thường gây tức giận của ông Trump rất phù hợp với các yêu cầu chiến lược của Mỹ trong khu vực. Thành công lớn nhất của ông có lẽ là cách xử lý mối quan hệ với Nga.

Vấn đề lớn còn lại của ông là Trung Quốc. Iran và Thổ bị bó tay bởi các vấn đề kinh tế nghiêm trọng, nếu Bắc Kinh quyết định chống lưng tài chính cho 2 nước này thì vị thế của Mỹ trong khu vực có thể xấu đi nhanh.

Nhưng Trung Quốc có thể không hứng thú với một cuộc chiến khu vực, đơn giản vì họ là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất từ vùng Vịnh. 

Sáng kiến của ông Trump giúp ổn định khu vực, và điều này phù hợp với lợi ích trước mắt của Bắc Kinh. Mặt khác, để tránh leo thang căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc sẽ tiếp tục thận trọng ở vùng Vịnh.

Mỹ dời đại sứ quán về Jerusalem: Lối tư duy nhiệm kỳ? Mỹ dời đại sứ quán về Jerusalem: Lối tư duy nhiệm kỳ? Ông Trump được ca tụng "ngất trời" ở Jerusalem Ông Trump được ca tụng 'ngất trời' ở Jerusalem Người Palestine rùng rùng biểu tình chống Mỹ mở đại sứ quán ở Jerusalem Người Palestine rùng rùng biểu tình chống Mỹ mở đại sứ quán ở Jerusalem
PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên