11/08/2021 11:00 GMT+7

Những cách ứng phó căng thẳng khi học trực tuyến kéo dài

TƯỜNG VI
TƯỜNG VI

TTO - Hội sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức chương trình trực tuyến 'Ứng phó với căng thẳng tâm lý trong bối cảnh giãn cách xã hội và tình trạng học trực tuyến kéo dài' tối 10-8.

Những cách ứng phó căng thẳng khi học trực tuyến kéo dài - Ảnh 1.

TS Lê Minh Công (phải) chia sẻ về những cách vượt qua căng thẳng khi học trực tuyến lâu dài - Ảnh: Chụp màn hình

Tại chương trình, TS Lê Minh Công - phó trưởng khoa công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM - nhìn nhận: Chúng ta đang đối diện với một giai đoạn chưa từng có trong lịch sử. Vì vậy, ở giai đoạn này, sinh viên hay bất cứ ai cũng gặp căng thẳng tâm lý vì những lý do: 

Thứ nhất, dịch bệnh kéo dài khiến sinh viên bị mất kết nối xã hội; nghiêm trọng hơn, nhiều bạn gặp sang chấn cường độ mạnh khi bị nhiễm COVID-19 hay gia đình có người mất. 

Thứ hai, một số sinh viên có những vấn đề tâm lý tồn tại trước đó nhưng không có chiến lược giải quyết, dẫn đến tình trạng tổn thương cũ “chưa đi”, tổn thương mới “đã đến”.

Những điều đó đã gia tăng khủng hoảng trong các mối quan hệ, đặc biệt mối quan hệ gia đình và tình yêu. Đồng thời, nó gây ra hàng loạt vấn đề như trầm cảm lo âu, stress, rối loạn sức khỏe tâm thần, đánh giá thấp bản thân, tăng cảm giác cô đơn... hay gây mất ngủ và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngoài ra, căng thẳng tâm lý khiến con người có nhiều hành vi tiêu cực như nghiện mạng xã hội, nghiện game, lười vận động...

“Nếu không có chiến lược chống đỡ thì căng thẳng tâm lý sẽ mãi kéo dài”, TS Lê Minh Công nhấn mạnh. Theo ông Công, những sinh viên đang bị căng thẳng tâm lý nên áp dụng chiến lược chống đỡ. 

Cụ thể, sinh viên cần tìm hiểu các vấn đề tâm lý như stress, trầm cảm lo âu, khủng hoảng tâm lý cấp tính... để xác định bản thân có rơi vào sang chấn hay không. Sau đó, sinh viên giải quyết bằng cách tìm chuyên gia tâm lý hoặc đề ra lối sống lành mạnh.

Ông Lê Minh Công cũng cảnh báo nguy cơ sang chấn, khủng hoảng tâm lý với những người bình thường. Với nhóm đối tượng này, ông đưa ra chiến lược phòng ngừa với bốn giải pháp. 

Thứ nhất, sinh viên cần xây dựng lối sống thích ứng ngay với thực tế và duy trì hành vi tích cực như ăn uống lành mạnh, vận động, truy cập Internet có kiểm soát...

Thứ hai, sinh viên nên xem giai đoạn này là thời gian tìm lại và nuôi dưỡng giá trị sống của bản thân. 

Thứ ba, sinh viên xác định sở thích của mình là gì để duy trì và trau dồi. 

Thứ tư, sinh viên nên học thêm kỹ năng để cuộc sống không bị lặp lại nhàm chán.

Bên cạnh những chiến lược vượt qua khủng hoảng tâm lý, TS Lê Minh Công còn trao đổi về stress khi học trực tuyến, tìm động lực học tập, giải quyết nỗi lo tài chính, cách giúp cha mẹ không lo lắng thái quá...  

Học chữa lành vết thương tâm lý Học chữa lành vết thương tâm lý

TTO - Các lớp học chữa lành, trị liệu tâm lý nở rộ thời gian gần đây như một hệ quả của việc cần giải pháp cho người ta bám víu để giải quyết những khúc mắc bên trong chính mình.

TƯỜNG VI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên