08/01/2020 13:10 GMT+7

Những 'cánh bồ câu' không mỏi - Kỳ 3: Khởi nghiệp với Busmap

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Kết thúc kỳ thực tập ba tháng tại "tổng hành dinh" Google ở Mỹ, Lê Yên Thanh đứng trước cơ hội làm việc chính thức cho siêu công ty này. Nhưng anh lắc đầu, chọn về quê hương khởi nghiệp.

Những cánh bồ câu không mỏi - Kỳ 3: Khởi nghiệp với Busmap - Ảnh 1.

Yên Thanh (phải) cùng thành viên nhóm thực hiện Busmap - Ảnh: Q.L.

Tôi vẫn đang tìm người giỏi về với mình, vì chỉ có làm với người giỏi hơn mình mới có cơ hội học thêm được những bài học mới từ họ.

LÊ YÊN THANH

Lê Yên Thanh là một trong những cái tên sinh viên Việt Nam vượt qua các cuộc kiểm tra, đánh giá năng lực và được Google chọn đến Mỹ thực tập trong ba tháng hè. Chuyện sinh viên Việt đến "tổng hành dinh" Google thực tập ở thời điểm cách đây vài năm về trước trở thành sự kiện không chỉ trong giới sinh viên công nghệ thông tin.

"Lên bờ xuống ruộng" khởi nghiệp

Ba tháng qua nhanh, kỳ thực tập kết thúc bằng lời đề nghị, đúng hơn là cơ hội thành nhân viên chính thức của Google với ba lựa chọn nơi làm việc dành cho chàng sinh viên chương trình tiên tiến ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) khi ấy: Singapore, Úc hoặc châu Âu. Vậy mà Yên Thanh nói lời cảm ơn rồi từ chối, ngay cả khi Google tại Singapore đã chính thức liên lạc. Thời điểm đó, lương thực tập tại Mỹ của Thanh là 6.000 USD/tháng.

"Tôi có chừng nửa năm tạm gọi là khoảng dừng, không làm chính thức ở đâu để tự trả lời câu hỏi của chính mình: Tôi đang muốn làm gì, chọn gì cho chặng đường tiếp theo? Và tôi chọn khởi nghiệp. Tôi nghĩ mình đủ sức để bước đi trên con đường ấy" - Yên Thanh nhắc lại khoảnh khắc giữa "ngã ba đường": du học, làm việc cho công ty lớn của thế giới hay dấn thân khởi nghiệp?

Thế mạnh công nghệ, Thanh cũng chỉ tập trung cho mảng này khi bắt đầu. Nhưng sản phẩm hợp tác đầu tiên kéo dài không lâu thì... chia tay vì không đạt kỳ vọng. Lần hợp tác thứ hai thận trọng hơn, Yên Thanh đồng sáng lập, làm giám đốc kỹ thuật phụ trách về giải pháp kỹ thuật của sản phẩm.

Nhưng khi sản phẩm chạy ngon trớn, gọi và nhận được khoản vốn đầu tư kha khá, Thanh lại quyết định ra đi. "Khi không thể chia sẻ với nhau việc dùng tiền đầu tư đúng mục đích theo cam kết gọi vốn, tôi quyết định rút lui. Nhưng tôi đúc kết cho mình bài học về nhìn người dù ra đi tay trắng" - Thanh nói về "cuộc chia tay thứ hai" với khởi nghiệp.

Những cánh bồ câu không mỏi - Kỳ 3: Khởi nghiệp với Busmap - Ảnh 3.

Yên Thanh (thứ ba, từ phải qua) và các bạn trẻ Công ty TNHH Busmap - Ảnh: Q.L.

Sản phẩm từ thời sinh viên

Không mất quá nhiều thời gian hay bận tâm, tiếc nuối lần chia tay thứ hai, Yên Thanh bắt tay ngay với "cuộc tình khởi nghiệp" thứ ba. Lần này là sản phẩm được chính anh tạo ra từ thời sinh viên trong một lần mày mò với suy nghĩ làm cái app để mình đi xe buýt thuận tiện hơn.

Đó là app Busmap được Yên Thanh viết từ năm thứ hai đại học. Ban đầu chỉ chạy trên thiết bị di động dùng phần mềm Android, và chỉ dùng tìm kiếm các chặng xe buýt tại TP.HCM. Không ngờ app này được người dùng phản hồi tích cực, Thanh phát triển tiếp cho thiết bị chạy phần mềm iOS như hiện tại.

Sau khi chạy ổn, Yên Thanh quyết định tặng cho đơn vị điều hành xe buýt TP.HCM để hành khách dùng miễn phí dù anh vẫn là chủ sở hữu công nghệ. "Tôi quyết định lập công ty để phát triển sản phẩm này vì hiện mỗi ngày có khoảng 50.000 người truy cập, và đã có hơn 1,2 triệu lượt tải app về dùng" - Thanh hào hứng kể.

Busmap cũng đã chuyển giao và đang chạy cho hệ thống xe buýt tại Đà Nẵng. Nền tảng công nghệ sẵn có, chỉ cần ráp dữ liệu về xe buýt ở bất kỳ đô thị nào vào đều có thể chạy được. Yên Thanh không giấu tham vọng lấn qua thị trường các nước trong khu vực, nơi có hệ thống giao thông công cộng phổ biến.

Busmap vừa nhận được giải nhất một cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức tại Nhật. Đội ngũ toàn những gương mặt 9X đang xây dựng cho nó nhiều tính năng mới, sẽ không chỉ dừng lại ở tìm kiếm xe buýt mà có thể đặt vé xe đường dài cùng các dịch vụ khác.

"Chúng tôi chủ động giới thiệu và đang chạy quảng cáo một số sản phẩm trên đó. Với lượng người dùng như vậy, hoàn toàn có thể thu được phí quảng cáo để thêm nhiều ưu đãi cho người dùng Busmap như giảm giá, tìm kiếm điểm vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, thậm chí là kênh thanh toán từ đây, tại sao không?" - Thanh tự tin.

Việt Nam có nhiều tiềm năng

Sao anh lại chọn Việt Nam trong khi nhiều người thường chọn một nơi khác? Câu trả lời không do dự: Đông Nam Á là khu vực khởi nghiệp mạnh và Việt Nam sẽ phát triển vì còn nhiều tiềm năng, là mảnh đất màu mỡ cho khởi nghiệp.

Tiềm năng ấy, theo Thanh, cũng là lợi thế cạnh tranh vì mình là người Việt Nam. "Sẽ có nhiều người chọn Việt Nam làm nơi khởi nghiệp, tôi tin như thế. Tôi lợi hơn họ vì tôi hiểu văn hóa, con người, tình hình và điều kiện đất nước này, trong khi nếu đến đây họ phải có thời gian nhất định để tìm hiểu những thứ ấy. Điều đó chẳng phải lợi thế cạnh tranh thì là gì?" - Thanh phân tích.

Ngoài Busmap, Thanh còn cùng nhóm khác vận hành song song một công ty khởi nghiệp khác chuyên về công nghệ blockchain. Công ty ứng dụng công nghệ blockchain để giải quyết câu chuyện tài chính, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gia công phần mềm cho đối tác, khách hàng doanh nghiệp. 

Có những lúc chông chênh tưởng như muốn bỏ cuộc dù chính anh đã tự xác định trước con đường không bằng phẳng khi quyết đeo đuổi khởi nghiệp. Nhưng chẳng sao cả. Khởi nghiệp với anh là cứ mạnh dạn bước tới, tìm người giỏi mà học, vì nếu mọi thứ đã được dọn sẵn thì còn gì để nói.

Anh kể có gặp một số người với quan điểm khởi nghiệp là phải làm những chuyện to tát không ai làm được, và phải làm ở nước ngoài trước khi mang về nước. Nhưng Thanh không chọn cách đó. 

"Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng có nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết, có khi chỉ là những điều nhỏ nhưng giải quyết được ngay những bài toán trong cuộc sống thường ngày. Thôi người khác không làm thì tôi làm, đó có khi là cơ hội của mình. Vì tôi vẫn thích làm điều gì đó ngược với người khác" - Thanh nói.

Những cánh bồ câu không mỏi - Kỳ 3: Khởi nghiệp với Busmap - Ảnh 4.

Lê Yên Thanh (trái) trao đổi cùng khách trong ngày hội blockchain được tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: Q.L.

Trưởng ban tổ chức hội nghị quốc tế

Lê Yên Thanh được bầu làm trưởng ban tổ chức gồm 12 người đến từ nhiều nước để chuẩn bị cho một hội nghị về phát triển bền vững sẽ được tổ chức tại Nhật Bản dự kiến vào tháng 8-2020, mà Thanh nói là có nhiều việc phải làm từ giờ đến khi tổ chức. Hội nghị dành cho khoảng 300 đại biểu trẻ đại diện sinh viên Nhật Bản cùng đại biểu mời đến từ các nước: Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar... với chủ đề "Tích hợp công nghệ cho TP thông minh".

Anh sẽ đi học nữa không? "Có chứ, nhưng sẽ chọn học một cái khác" - Thanh trả lời. Cái khác đó theo hoạch định của anh chính là học về quản trị kinh doanh ở nước ngoài. "Nhưng điều đó phải sau khi công ty tạm ổn, vì đang trong giai đoạn thương thảo để gọi vốn từ nhà đầu tư cho Busmap. Tôi muốn đi học nghiêm túc nhưng vẫn phải vận hành được công ty hoạt động tốt chứ không phải bỏ công ty để chỉ lo học" - Thanh cười nói.

Áp dụng thuật toán "Machine-learning" có thể học hỏi như người, ý tưởng "chiếc thìa ma thuật" hữu ích của hai sinh viên Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội vừa chiến thắng cuộc thi khoa học công nghệ thường niên tại Malaysia.

Kỳ tới: "Chiếc thìa ma thuật"

Những Những 'cánh bồ câu' không mỏi - Kỳ 2: Cô gái "công dân toàn cầu"

TTO - Cô gái học bác sĩ đa khoa Đỗ Phạm Nguyệt Thanh được biết đến là gương mặt nổi trội trong các hoạt động giao lưu thanh niên, sinh viên quốc tế. Đến nỗi mỗi lần lên trang cá nhân, người ta lại cảm giác như nay Thanh ở nước này, mai ở nước khác...

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên