27/12/2019 14:40 GMT+7

Những 'người nhện' xuyên Việt - Kỳ 5: Bay trực thăng sửa dây cáp quang

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Lịch sử ngành truyền tải điện Việt Nam đã ghi nhận một câu chuyện đặc biệt: đi trực thăng để vá dây cáp quang bị đứt. Đó là lần đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này. Câu chuyện xảy ra vào mùa nắng Tây Nguyên năm 1996.

Những người nhện xuyên Việt - Kỳ 5: Bay trực thăng sửa dây cáp quang - Ảnh 1.

Trực thăng bay treo ở độ cao ổn định để anh Đinh Phú Long sửa dây cáp quang bị đứt - Ảnh: PTC2

Tia lửa rất lớn, tóe ra đỏ lừ, dài hơn mét! Người yếu là buông tay ra liền, nhưng Phi vẫn bình tĩnh tiếp tục công việc.

Ông NGUYỄN VĂN SINH

Khi đó, đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 mới vận hành được 2 năm. Công nhân Đội quản lý - vận hành đường dây Kon Tum trong lúc đi kiểm tra tuyến định kỳ đã phát hiện trên dây dẫn giữa hai khoảng trụ vị trí 2004 và 2005 thuộc huyện Đắc Hà có một sợi dây cáp quang bị đứt, bung ra.

Nhiệm vụ khẩn nguy

Ông Nguyễn Văn Sinh khi đó là đội trưởng Đội quản lý - vận hành đường dây 500kV Kon Tum kiêm phó Truyền tải điện Kon Tum - Gia Lai (hiện là phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật 2 - Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện 2) cho biết nếu không kịp thời xử lý, dây bị đứt sẽ tiếp tục tự tung dài ra rất nguy hiểm.

"Câu hỏi đặt ra là làm sao quấn lại đoạn bị đứt đó vô dây dẫn? Địa hình khu vực hai trụ 2004 và 2005 ở đồi cao, đường rất xấu, xe cẩu không thể vô được. Nếu xe cẩu có lên được thì vẫn phải cắt điện. Hồi đó, đường dây 500kV rất quan trọng nhưng chỉ có mỗi một mạch.

Chỉ cần cắt điện 1 tiếng đồng hồ đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế trong khi dự trù ít nhất 10 tiếng để thay, vá cáp quang. Các anh phòng kỹ thuật bàn một hồi, cuối cùng đưa ra phương án chưa từng ai nghĩ đến: dùng trực thăng đưa người lên vá lại đoạn dây cáp quang đó", ông Sinh kể.

Phương án có một không hai đấy cuối cùng được chọn vì vừa không phải cắt điện vừa rút ngắn thời gian. Trực thăng phải thuê Công ty Bay dịch vụ hàng không VASCO. Một nhóm gồm chín thợ bậc cao, tay nghề giỏi trong toàn công ty được chọn.

"Sau vòng khám sức khỏe, chọn được sáu người, cho thực hành trên một cái giá cao 3m, đung đưa lắc lư xem ai làm nhanh, trí nhớ tốt, điềm tĩnh chứ không lên cao, chỉ cần lóng ngóng làm rớt một dụng cụ là trực thăng phải bay xuống lấy lại rồi mới bay lên", ông Sinh nhớ lại.

Nhóm có mấy ngày để luyện tập. Từng dụng cụ để ở vị trí nào phải nhớ kỹ, khi lên trực thăng chỉ cần đưa tay lấy, không cần ngoái lại nhìn. Anh Đinh Phú Long, 23 tuổi, được chọn là người làm đầu tiên vì có số điểm cao nhất.

"Long thao tác rất nhanh, không sai sót gì, lại là thợ có tay nghề cao, sức khỏe rất tốt nên được hội đồng chấm điểm cao nhất", ông Sinh nói. Năm người còn lại nằm trong nhóm dự bị theo thứ tự điểm số, với phương án dự phòng số 2 là anh Trần Quốc Phi (lúc đó mới 21 tuổi) rồi đến Trần Mạnh Hà, Phùng Sinh Viên, Ngô Ngọc Ngân, Bùi Quốc Khánh.

Đơn vị đặt may bộ đồ phòng chống điện trường, có găng tay, ủng như phi hành gia cho Đinh Phú Long. "Chiếc áo đó như tấm lưới bảo vệ Long ở bên trong, điện trường không tác động lên người được", ông Sinh cho hay. Một sàn lưới sắt cũng được chế tạo, gắn dưới càng trực thăng để công nhân ngồi thao tác, đặt các dụng cụ.

Đến ngày vá dây cáp quang, Công ty Bay dịch vụ hàng không VASCO điều hai trực thăng từ TP.HCM đến Pleiku. Mỗi tổ bay có hai phi công người nước ngoài. Nhiệm vụ của tổ bay là phải làm sao cho trực thăng treo ở độ cao ổn định để công nhân thao tác được trên sợi dây cáp quang.

Khi đó, Tây Nguyên đang mùa gió chướng, rất khó lái. Trực thăng chao quá, không treo được đúng vị trí sợi cáp quang bị đứt. Tổ bay phải hạ cánh, đợi gió lặng hơn mới cất cánh lên.

Đến lần thứ hai, trực thăng bay treo được đúng vị trí. Ở dưới đất, mọi người đều hồi hộp.

"Chúng tôi không lo vấn đề chuyên môn vì công tác chuẩn bị đã quá kỹ, mà chỉ lo trực thăng có vấn đề gì. Hôm đó gió rất mạnh, trực thăng bị chao. Chúng tôi cứ lo cánh quạt va vào dây thì rất nguy hiểm cho cả người ngồi trên và người ngồi dưới", ông Sinh kể.

Còn với anh công nhân 23 tuổi làm nhiệm vụ này cũng lo lắng không kém: "Lần đầu ở Việt Nam làm việc này mà. Thuê cả phi công Mỹ, tốn kém lắm. Mình làm không được thì đổ bể".

Anh Long kể khi lên đó, điều kiện làm không lý tưởng như luyện tập dưới mặt đất. Trực thăng đung đưa, dây cáp quang cũng đung đưa. Trực thăng rung bần bật, gió thì thổi mạnh. Sợi cáp cứ lắc qua lắc lại, khác xa so với dự tính ban đầu.

"Nhưng khi đã tiếp cận được sợi cáp rồi thì làm rất nhanh. Mình không đeo đồng hồ canh giờ. Cứ làm theo tiến độ công việc, cố gắng làm càng nhanh càng tốt nhưng phải chuẩn xác, không được sai sót. Lúc đó chỉ sợ không kịp thời gian vì lượng dầu trên trực thăng chỉ còn đủ bay 1 tiếng đồng hồ", anh Long nhớ lại.

Từ lúc trực thăng cất cánh đến khi hạ cánh, chỉ thiếu vài phút là đúng 1 tiếng đồng hồ. Anh công nhân trẻ Đinh Phú Long đã hoàn thành nhiệm vụ lần đầu tiên và duy nhất đến giờ trong lịch sử ngành truyền tải điện Việt Nam. Đích thân ông Bùi Thức Khiết - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam - tặng hoa chúc mừng anh Long và tổ bay.

Những người nhện xuyên Việt - Kỳ 5: Bay trực thăng sửa dây cáp quang - Ảnh 3.

Khi sửa chữa đường dây mang điện, công nhân mặc đồ bảo hộ đặc biệt - Ảnh: PHƯƠNG PHAN

Người đầu tiên sửa đường dây 500kV mang điện

Ông Nguyễn Văn Sinh tự hào bảo Công ty Truyền tải điện 2 là đơn vị đầu tiên trong cả nước có thể sửa chữa đường dây đang mang điện (còn gọi sửa nóng) ở cấp siêu cao áp: 500kV.

"Lần đầu tiên" đó cũng là câu chuyện của 18 năm trước. Và anh Trần Quốc Phi là người đầu tiên của Việt Nam tiếp cận đường dây 500kV đang mang điện.

"Tôi nhớ rất rõ ngày đó: ngày 9-9-2001. Vì đó là ngày rất đặc biệt", anh Phi, năm nay 44 tuổi, tâm sự.

"Ngày đó, đường dây siêu cao áp 500kV của ta chỉ có một mạch nên mỗi khi sửa chữa, việc cắt điện ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế. Thời gian cắt điện rất lâu, có khi 10 tiếng. Nhu cầu bức thiết là phải có một tổ sửa chữa được đường dây khi đang mang điện", ông Sinh giải thích.

"Biệt đội" 10 công nhân giỏi, trong đó có Trần Quốc Phi, được đưa đi Ukraine đào tạo công nghệ sửa chữa điện siêu cao áp. Sau một tháng đào tạo, nhóm công nhân này về nước và bắt tay ngay vào nhiệm vụ sửa chữa điện nóng. Vị trí đầu tiên mà anh Phi và nhóm công nhân "sửa nóng" là trụ 1707 đường dây 500kV Đà Nẵng - Hà Tĩnh.

Theo sơ đồ công nghệ, khi thay bát sứ đỡ ở trụ 1707 phải có một nhóm 4 thợ trên trụ, 4 thợ dưới đất phối hợp mới thay chuỗi sứ được. Anh Phi làm nhiệm vụ tháo điểm ngoài của chuỗi sứ để giải phóng cho thợ trên trụ, dưới trụ thay rồi kéo sứ mới ngược lại để anh lắp trả lại hiện trạng ban đầu.

"Người làm nhiệm vụ quan trọng nhất, nguy hiểm nhất là anh Phi vì trực tiếp tiếp xúc với đường dây siêu cao áp 500kV đang mang điện", ông Sinh giải thích.

Công việc thì bình thường nhưng anh Phi phải làm việc trong môi trường điện trường rất cao. Công ty cấp cho anh bộ quần áo bảo hộ đặc biệt đan bằng lưới kim loại để chống điện trường.

Ông Sinh kể: "Phi ngồi trên ghế chuyên dụng, dùng sào đẳng thế tiếp cận dây dẫn đang mang điện siêu cao áp 500kV. Trong quá trình đẳng áp, lúc đầu khi chưa cân bằng được điện áp, hồ quang sinh ra, phóng điện xuống sào.

Tia lửa rất lớn, tóe ra đỏ lừ, dài hơn mét! Người yếu là buông tay ra liền, nhưng Phi vẫn bình tĩnh tiếp tục công việc"...

_____________________________________________

Họ đi hơn 20km đường rừng xuyên đêm. Có tin thú dữ xuất hiện ở bắc đèo Hải Vân, còn rắn độc thì nhiều vô kể. Sợ, nhưng họ không đi không được.

Kỳ tới: Giữ "mạch máu quốc gia" trên đỉnh Hải Vân

Những Những 'người nhện' xuyên Việt - Kỳ 4: Trên sóng nước miền Tây

TTO - Miền Tây thường có các trụ điện vượt kênh lớn. Cứ 3-4 trụ lại có một con kênh. Mùa nước nổi về, nước dâng cao, có chỗ ngập sâu đến 3m, ruộng biến thành sông. Giữa biển nước mênh mông, những trụ điện vẫn nối nhau đứng vững...


MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên