15/03/2016 09:07 GMT+7

Nở rộ phong trào camera an ninh

HỮU KHÁ - ĐOÀN CƯỜNG - ĐỨC THANH - LÊ PHAN - 
TÂM ĐỨC
HỮU KHÁ - ĐOÀN CƯỜNG - ĐỨC THANH - LÊ PHAN - 
TÂM ĐỨC

TT - Chiến dịch “phủ sóng” camera đang được thực hiện tại nhiều thành phố lớn với hi vọng kéo giảm tội phạm, kiểm soát trật tự giao thông, nâng cao ý thức, nâng cao chất lượng sống, hình ảnh văn minh của cư dân đô thị.

Hệ thống camera của Công an phường Xuân Hà (Đà Nẵng) cho phép người dân nếu có nhu cầu có thể tự xem camera giám sát khu vực gia đình mình ở bằng điện thoại - Ảnh: Đoàn Cường
Hệ thống camera của Công an phường Xuân Hà (Đà Nẵng) cho phép người dân nếu có nhu cầu có thể tự xem camera giám sát khu vực gia đình mình ở bằng điện thoại - Ảnh: Đoàn Cường

 

TP Đà Nẵng đang triển khai “phủ sóng” hàng ngàn camera khắp các tụ điểm công cộng, khu dân cư với mục đích kiểm soát tội phạm, xử lý vi phạm giao thông. Dân sẵn sàng góp tiền để lắp camera với mong muốn khu phố mình được bình yên. 

Ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết TP Đà Nẵng bỏ tiền ngân sách và huy động tiền đóng góp của người dân để lắp hệ thống camera hiện đại nhằm đem lại cuộc sống bình yên cho dân. Hi vọng chiến dịch “phủ sóng” camera sẽ kéo giảm tội phạm, kiểm soát trật tự giao thông, nâng cao ý thức, nâng cao chất lượng sống, hình ảnh văn minh của cư dân đô thị.

Dân phấn khởi góp tiền

Từ cuối năm 2015, trước tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, Công an phường Xuân Hà (Q. Thanh Khê) đề xuất thực hiện chương trình camera an ninh tại các khu dân cư. Đây là phường đầu tiên triển khai mô hình “mắt thần” camera an ninh trong khu dân cư.

Theo trung tá Nguyễn Văn Hùng - trưởng Công an phường Xuân Hà, sau khi có đề xuất này, người dân, lãnh đạo địa phương cùng Công an quận Thanh Khê đều ủng hộ nhiệt tình. Ngay thượng tá Kiều Văn Vương, phó trưởng Công an quận Thanh Khê, cũng trích 5 triệu đồng tiền lương để ủng hộ.

Sau khi được cấp trên đồng ý, Công an phường Xuân Hà vận động các đơn vị đóng trên địa bàn, nguồn ngân sách của địa phương để lắp một màn hình 42 inch, máy thu phát, hệ thống máy chủ, Internet... đặt tại trụ sở công an phường. Lực lượng cảnh sát khu vực được tung đi đến tất cả các hẻm trên địa bàn để điều tra, đánh giá về tình hình an ninh trật tự.

“Sau khi khảo sát toàn bộ địa bàn, chúng tôi chọn 9 khu dân cư để lắp đặt 32 camera giám sát an ninh” - trung tá Hùng cho hay.

Ông Hùng còn nói trước khi triển khai việc lắp đặt camera, các tổ dân phố đều tiến hành họp dân để lấy ý kiến, gần 100% người dân ủng hộ. Ông Nguyễn Tiến Hùng (tổ 21, phường Xuân Hà) cho biết khi nghe công an phường triển khai việc lắp đặt camera tại khu dân cư của mình, ông xung phong ủng hộ 600.000 đồng.

Việc lắp đặt camera của phường Xuân Hà được thực hiện hoàn toàn tự nguyện, người dân đóng góp tùy theo khả năng của mình. Có những gia đình như chị Bảy (đường Kỳ Đồng), chị Loan (Xuân Đán 1) còn tự nguyện mua camera cho cả khu dân cư. Sau khi lắp hệ thống camera an ninh tại 9 khu dân cư thì phường Xuân Hà không xảy ra vụ án nào.

Sẽ có 4.220 “mắt thần”

Tại cuộc họp của thường trực Thành ủy Đà Nẵng ngày 3-3, đề xuất của Công an TP Đà Nẵng được tán thành với việc lắp đặt camera thêm ở 4.220 điểm, trong đó lắp đặt tại các tuyến đường là 857 camera, lắp đặt ở các khu dân cư là 3.363 cái.

Hệ thống camera công cộng lắp đặt trên các tuyến đường sẽ do ngân sách TP bỏ ra, còn ở các khu dân cư thì huy động sự đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp. Theo thống kê của Công an TP, tổng kinh phí của toàn bộ dự án này khoảng 20 tỉ đồng, trong đó hơn 13 tỉ đồng là tiền xã hội hóa từ việc vận động người dân, doanh nghiệp đóng góp.

Ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu: “Phải lắp đặt camera hiện đại nhất mới nhận diện được các hoạt động đang diễn ra trên đường phố, đặc biệt là quét được biển số các xe vi phạm, kể cả ban đêm. Chúng ta làm quyết liệt, triển khai nghiêm túc, xử lý phạt nguội công bằng thì chắc chắn trật tự giao thông đô thị sẽ được nâng cao. Hành vi của các loại tội phạm sẽ được giám sát chặt, hệ thống camera cung cấp được tư liệu để khám phá án” - ông Thơ nói.

Đánh giá về hiệu quả của việc lắp đặt hệ thống camera giám sát, đại tá Lê Văn Tam - giám đốc Công an TP Đà Nẵng - khẳng định tại 10 điểm triển khai lắp đặt camera giám sát an ninh tình hình trật tự tốt hơn hẳn so với trước, không xảy ra các vụ việc gây rối trật tự công cộng, trộm cắp.

“Việc lắp đặt công khai, trực quan các camera giám sát tại các địa bàn và hệ thống máy chủ tại trụ sở công an phường phần nào tác động đến các đối tượng hình sự, khiến các đối tượng không còn dám hoạt động liều lĩnh như trước” - đại tá Tam nói.

Ông Lê Văn Trung - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng - cũng cho biết việc lắp đặt hệ thống camera bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt. Ghi nhận của Sở Giao thông vận tải ở cầu Thuận Phước cho thấy tất cả xe vi phạm về tốc độ, trọng tải khi qua cầu đều bị camera ghi lại và xử lý nghiêm.

Ngoài việc lắp đặt hệ thống camera trong nội thành, UBND TP Đà Nẵng còn bỏ ra kinh phí 5 tỉ đồng để lắp đặt hệ thống camera trên tuyến đường tránh nam hầm Hải Vân - Túy Loan (đường Bắc - Nam) để xử lý vi phạm giao thông.

Nhân viên cửa hàng bán camera lắp đặt cho người dân ở quận Bình Thạnh, TP.HCM   - Ảnh: Hữu Khoa
Nhân viên cửa hàng bán camera lắp đặt cho người dân ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Giúp làm rõ một số vụ án

Khoảng 7g45 ngày 26-11, ông Li Muzi (31 tuổi, tên Việt Nam là A Lý, quốc tịch Trung Quốc) dắt xe máy từ nhà cha vợ là ông Nguyễn Dững (trú An Hải Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng) thì bị một đối tượng dùng súng bắn vào bụng rồi tẩu thoát.

Ông Li Muzi được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên tử vong tại bệnh viện. Sau hơn một tháng tích cực điều tra, cơ quan điều tra xác định nghi can gây án là Feng Long Chun (tên Việt Nam là A Lãng, 27 tuổi, trú Quảng Tây, Trung Quốc).

Theo Công an Đà Nẵng, sau khi vụ án mạng xảy ra, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, trong đó mấu chốt là nhờ hình ảnh từ camera của tiệm cầm đồ ghi lại cảnh hung thủ từng vào mua xe máy để đi gây án. Qua đó nhận dạng, khoanh vùng và bắt được đối tượng.

Đại tá Trà Văn Lào - trưởng Công an Q.Gò Vấp, TP.HCM - cho biết quận đã triển khai lắp đặt hệ thống camera an ninh cho toàn bộ 16 phường. Đồng thời, tại những tuyến, địa bàn trọng điểm quận cũng lắp đặt hệ thống camera an ninh.

Hiện quận đang triển khai nhân rộng lắp đặt hệ thống camera an ninh, cụ thể ở các phường nếu chỉ có hai màn hình quan sát thì sẽ trang bị thêm hai màn hình để việc quan sát tốt hơn.

Sắp tới tại công an quận sẽ lắp đặt hệ thống camera trung tâm và sẽ tiến hành đấu nối với tất cả hệ thống camera ở 16 phường. Trung tâm sẽ tiếp nhận dữ liệu hình ảnh từ các phường truyền về để quản lý chung.

Đại tá Lào nhận định việc lắp đặt hệ thống camera ở địa bàn các phường nhằm hỗ trợ lực lượng công an trong việc giám sát tình hình an ninh trật tự trên địa bàn quản lý. Về hiệu quả của hệ thống camera trong công tác phòng ngừa tội phạm, hiện vẫn chưa có thống kê, đánh giá cụ thể.

Đại tá Lào cũng nói thời gian qua hệ thống camera giúp lực lượng công an phường, bảo vệ dân phố trong công tác phối hợp ngăn chặn, truy bắt các đối tượng gây án hoặc có dấu hiệu chuẩn bị gây án.

Kinh nghiệm từ TP.HCM

Tại buổi gặp gỡ báo chí cuối năm 2015, trung tướng Lê Đông Phong, giám đốc Công an TP.HCM, cho biết một số vụ trộm xảy ra thời gian qua, dù hệ thống camera của chủ nhà ghi hình ảnh của đối tượng nhưng do chất lượng hình ảnh quá yếu hoặc do các đối tượng trộm đội mũ, đeo khẩu trang... nên không giúp được nhiều trong công tác điều tra khám phá án.

Nhiều gia đình trang bị hệ thống camera quan sát để phòng chống trộm nhưng khi xảy ra trộm thì hình ảnh ghi lại từ camera lại quá mờ, góc quay không thể hiện rõ gương mặt của kẻ gian, khiến cơ quan chức năng rất khó nhận dạng.

Ông N.T.N. - chủ một tiệm rửa xe, nơi xảy ra vụ trộm ôtô táo tợn giữa ban ngày - kể lại: “Tôi đậu ôtô trước tiệm rửa xe. Bỗng hai thanh niên chạy xe máy đứng trước tiệm tiến về chiếc ôtô. Một tên chạy xe vào trong tiệm nói muốn rửa xe. Còn tên lái ôtô lao đi”.

Theo ông N., bãi xe có gắn hệ thống camera chống trộm ở nhiều vị trí và quay được biển số xe máy của hai tên trộm, nhưng khi phóng to những con số quá mờ, cơ quan công an cho biết rất khó truy bắt.

Tối 24-10-2015, một vụ án mạng xảy ra ngay tại vòng xoay Công trường Dân Chủ (Q.3), nạn nhân là anh Võ Thanh Quang (24 tuổi, quê quán Kon Tum). Nguyên nhân chỉ vì anh Quang và hung thủ vô tình xảy ra va quẹt xe với nhau. Sau đó giữa hung thủ và anh Quang có cự cãi, rồi bất ngờ hung thủ dùng dao đâm anh Quang gục xuống đường.

Ngay tại khu vực vòng xoay Công trường Dân Chủ có gắn hệ thống camera quan sát ghi hình từ trên cao xuống, nhưng khi cơ quan điều tra trích xuất hình ảnh từ camera này thì vẫn không rõ để nhận diện được hung thủ.

Ngoài việc lắp đặt camera để giám sát tại trụ sở công an phường thì một số chốt trực bảo vệ dân phố cũng được trang bị màn hình quan sát để hỗ trợ và giám sát tình hình an ninh trật tự tại khu phố đó. Tuy nhiên, tại một số chốt, lực lượng bảo vệ dân phố vẫn còn lơ là trong việc theo dõi màn hình camera.

Khoảng 0g30 ngày 7-3, tại chốt trực dân phòng trên đường Nguyễn Thái Sơn (P.7, Q.Gò Vấp) có hai người được phân công trực chốt và quan sát màn hình camera an ninh. Ghi nhận vào thời điểm đó, tại chốt trực này một người nằm ngủ trên băng ghế sát vách, người còn lại nằm ngủ dưới sàn, không ai thực hiện nhiệm vụ được giao.

Còn tại chốt quan sát camera thuộc phường Tân Phong (Q.7), chốt được đặt trong một con hẻm thông từ đường Lê Văn Lương sang đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn gần cầu Rạch Bàng), đây là khu vực vắng người qua lại.

Lúc 0g15 ngày 10-3, cửa phòng của tổ bảo vệ dân phố tại đây được khóa ngoài, còn phòng quan sát camera bên cạnh thì đóng cửa và tắt hết đèn. Lúc 0g30 ngày 11-3, tình trạng trên vẫn tiếp tục diễn ra. Riêng phòng quan sát camera rộng chừng 10m2 tuy có bật đèn, mở cửa sổ nhưng không có ai trực bên trong.

* Ông Trần Hoàng Tuấn (giám đốc Công ty TNHH viễn thông Hoàng Xuân, Q.Tân Bình, TP.HCM):

Phải đạt yêu cầu rõ nét

Theo tôi, để nâng cao hiệu quả của camera giám sát đối với việc phòng chống tội phạm, đơn vị tổ chức lắp đặt cần lưu ý kể cả về yếu tố kỹ thuật và con người. Trước hết, camera phải đạt được yêu cầu cho hình ảnh rõ nét. Ổ cứng lưu dữ liệu phải lưu giữ được trong thời gian nhiều ngày, thuận lợi cho việc trích xuất hình ảnh.

Các linh kiện dùng để lắp ráp camera cần được kiểm tra liên tục và đường truyền Internet phải ổn định. Đơn vị đứng ra tổ chức lắp đặt phải đào tạo cho người sử dụng nắm bắt những kỹ năng cơ bản.

Điều đáng lưu ý, camera cần có điện mới hoạt động được, khi cúp điện thì phải có bộ lưu nguồn điện, nếu không thì camera sẽ “bó tay” khi mất điện hoặc bị trộm cắt điện.

Ngoài đầu tư kỹ thuật cần có cả một đội ngũ được phân công theo dõi giám sát màn hình. Khi phát hiện tình hình tội phạm xảy ra, đội ngũ trực giám sát camera sẽ thông báo cho các chốt chặn phòng chống tội phạm chặn bắt, xử lý kịp thời.

* Ông Vũ Trung Hiếu (giám đốc Công ty TNHH TMDV tư vấn Rubik, H.Hóc Môn, TP.HCM):

Coi chừng “vàng thau lẫn lộn”

Hiện nay thị trường camera phải nói là “vàng thau lẫn lộn”, nhiều hàng giả, hàng nhái tràn lan.

Trên thị trường “trôi nổi” có loại camera không có tem nhãn, thương hiệu được nhập về từ Trung Quốc rồi dán nhãn mác bán với giá rẻ. Những mặt hàng này có giá thấp hơn hàng thương hiệu khoảng 30%, chất lượng hình ảnh chỉ trong vài tháng đầu, rồi sau đó sẽ kém dần đi.

Nếu một bộ camera hàng thương hiệu bảo hành trong 5 năm (gồm 4 mắt camera, một đầu ghi, một ổ cứng) giá từ 8-10 triệu đồng thì bộ camera hàng “loại hai”, “loại ba” sẽ có giá rẻ hơn, chỉ từ 6 triệu đồng.

Để tránh trường hợp tốn kém và không có hiệu quả, đơn vị lắp đặt camera nên chọn giải pháp kỹ thuật là những sản phẩm có thương hiệu và nhà thi công có uy tín.

Camera chống trộm hút hàng

Thị trường camera tại TP.HCM trở nên sôi động khi nhiều hộ gia đình đã biết cách sử dụng hệ thống camera giám sát an ninh để đề phòng trộm cướp.

Ghi nhận tại một cửa hàng chuyên bán và lắp đặt camera ở quận Bình Thạnh, số lượng khách đến mua camera rất đông, chỉ trong một buổi sáng nhưng bán được gần 20 cái camera.

Ông Hồ Xuân Quân - giám đốc Công ty cổ phần Nano (chuyên phân phối camera và hệ thống chống trộm) - nói: “Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng camera chống trộm ngày càng cao. Không những các công ty, xí nghiệp hay các cửa hàng kinh doanh lớn mới có nhu cầu lắp đặt camera, mà các cửa hàng nhỏ lẻ và những hộ gia đình cũng tìm đến những chiếc camera chống trộm để đảm bảo an ninh”.

Ông Quân cho biết thêm tại cửa hàng có hai loại camera: loại analog (truyền tín hiệu qua cáp đồng trục, cáp quang) và camera loại IP (truyền tín hiệu qua hệ thống mạng).

Giá thành camera analog từ 1-3 triệu đồng/cái, camera IP có giá 1-2 triệu đồng/cái tùy từng độ phân giải mà giá thành cao thấp khác nhau. Độ phân giải cao thì giá thành cao lên. Đa số các phường, tổ dân phố, cơ quan... sử dụng camera loại analog để lắp đặt.

Còn các hộ gia đình nhỏ lẻ thường sử dụng camera loại IP, đây là dạng camera tiện lợi, dễ quan sát, người dân có thể di chuyển bất cứ đâu nếu có smartphone thì dễ dàng kiểm soát ngôi nhà của mình.

NGỌC KHẢI - HỮU KHOA

Bangkok tăng cường lắp đặt camera an ninh

Trước tình hình chính trị bất ổn, các vụ đánh bom lớn nhỏ cộng với nhu cầu tăng cường đảm bảo an ninh cho thành phố, từ đầu năm 2015, chính quyền thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã cho lắp hàng chục ngàn máy quay.

Theo số liệu mới nhất đăng trên tờ Bangkok Post, ở thủ đô Bangkok có khoảng 57.000 camera an ninh được lắp đặt trên hơn 10.000 cột. Đô trưởng Bangkok Sukhumbhand Paribatra cho biết tòa thị chính dự kiến lắp đặt thêm hơn 11.000 máy quay an ninh trên khắp thủ đô vào cuối năm 2016. 

Về phương thức hoạt động, theo Bangkok Post, các camera an ninh sẽ được kết nối với các trạm quan sát do các văn phòng quận, đồn cảnh sát hoặc các mạng liên quan đến an ninh công cộng điều hành, giúp điều tiết giao thông cũng như trấn áp tội phạm. Mỗi loại camera có mục đích cụ thể sẽ được kết nối đến các cơ quan liên quan. 

Tuy nhiên, sau vụ đánh bom ở Bangkok năm 2015, có nhiều ý kiến chỉ trích về việc camera an ninh cho hình ảnh độ phân giải kém, thậm chí không hoạt động.

Tòa thị chính Bangkok bác bỏ việc camera an ninh không hoạt động nhưng giải thích thêm rằng trong số khoảng 57.000 camera ở Bangkok thì chỉ có khoảng 11.000 máy mới được lắp đặt và có thể ghi lại hình ảnh độ phân giải cao.

Một số máy quay khác chỉ có tác dụng quan sát toàn cảnh chứ không phải loại mà cảnh sát giao thông dùng để phóng đại hình ảnh người vi phạm.

Tòa thị chính Bangkok cho biết các camera chất lượng cao có giá hơn 100.000 baht (2.845 USD) mỗi chiếc, trong khi máy quay thường chỉ dưới 40.000 baht (1.138 USD)/chiếc. 

 

HỮU KHÁ - ĐOÀN CƯỜNG - ĐỨC THANH - LÊ PHAN - 
TÂM ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên