16/01/2019 10:41 GMT+7

Nước Nga chưa thôi “ám” ông Trump

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Tổng thống Mỹ Trump hôm 14-1 (giờ Mỹ) đã phải lên tiếng khẳng định chưa bao giờ làm việc cho Nga - sự phủ nhận trực tiếp đầu tiên của ông sau hai năm bước vào Nhà Trắng.

Nước Nga chưa thôi “ám” ông Trump - Ảnh 1.

Cuộc gặp tay đôi chỉ có phiên dịch viên của ông Trump (trái) và người đồng cấp Nga Putin tại Phần Lan tháng 7-2018 - Ảnh: AFP

Đó chắc chắn không phải là lần phủ nhận cuối cùng của ông Trump khi Hạ viện Mỹ giờ đã nằm trong tay phe đối địch với ông - Đảng Dân chủ.

Không những tôi chưa bao giờ làm việc cho Nga, tôi còn cho rằng đó là một sự sỉ nhục khi ông bà hỏi tôi câu hỏi như vậy về một thứ bịa đặt hoàn toàn.

Ông Trump cáo buộc truyền thông không công bằng.

"Chưa ai cứng với Nga như tôi!"

Michael Cohen, cựu luật sư riêng của ông Trump, sẽ ra điều trần công khai trước quốc hội vào tháng tới - một sự kiện mà tờ The Hill nhận xét là "sẽ vô cùng kịch tính" bởi các nghị sĩ sẽ không bỏ qua cơ hội truy đến cùng có hay không các thỏa thuận giữa ông Trump với người Nga.

Cohen - cũng như cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và Paul Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump - đều "xộ khám" trong cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ do công tố viên đặc biệt Robert Mueller dẫn dắt.

Cuối tuần qua là khoảng thời gian không yên ắng với ông Trump khi phải đối phó nhiều thứ. Trong lúc cuộc khủng hoảng ngân sách dẫn tới chính phủ đóng cửa vẫn chưa giải quyết xong, một vấn đề đã đeo bám ông suốt từ khi bước vào Nhà Trắng bỗng dưng được xới lại: nghi án ông thắng cử nhờ sự giúp đỡ của Nga.

Hôm 11-1, tờ New York Times (Mỹ) tung ra một thông tin nghe có vẻ chấn động: Cục Điều tra liên bang (FBI) đã mở cuộc điều tra nhắm vào Tổng thống Trump sau khi ông sa thải James Comey khỏi ghế giám đốc cơ quan này. 

Theo tờ này, động thái của ông Trump khiến các nhà điều tra nghi ngờ liệu ông có đang hành động như vậy vì lợi ích của Nga hay không.

Dường như chưa đủ để dừng lại, một ngày sau đó tờ nhật báo Washington Post (Mỹ) còn đổ thêm sự hoài nghi về mối quan hệ của ông Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin bằng các thông tin như ông Trump đuổi hết các quan chức ra khỏi cuộc gặp với ông Putin tại Hamburg (Đức) năm 2017, chỉ giữ lại một nữ phiên dịch và ngoại trưởng Mỹ khi đó là Rex Tillerson nhưng sau đó tịch thu luôn sổ ghi chép của bà này. 

Điều này càng khiến tổng thống Mỹ tức giận, gọi Washington Post, New York Times và FBI bằng những từ ngữ nặng nề như "đám vô lại" hay "đám cớm bẩn thỉu". Ông Trump khẳng định chưa tổng thống Mỹ nào "cứng rắn" với Nga như ông.

Thông tin được New York Times đăng tải thực ra không phải mới. Trong cuộc điều trần năm 2017, James Comey đã lần đầu xác nhận rằng FBI đang tiến hành một cuộc điều tra nhắm vào chiến dịch tranh cử của ông Trump song không tiết lộ thêm chi tiết. 

Vấn đề được khơi lại đúng vào lúc ông Trump và phe Dân chủ đang đổ lỗi ai là tác nhân khiến chính phủ đóng cửa sang tuần thứ tư, cũng như người khơi nó là một tờ báo không ưa tổng thống Mỹ là điều cần lưu ý.

Hạ viện yêu cầu nữ phiên dịch điều trần

Trong cuộc gặp chính thức đầu tiên với ông Putin tại Helsinki (Phần Lan) tháng 7-2018, Tổng thống Trump tiếp tục "cắt đuôi" các quan chức tháp tùng và chỉ mang theo nữ phiên dịch Marina Gross của Bộ Ngoại giao Mỹ. 

Cuộc gặp lần này kéo dài hơn 2 tiếng song kết quả cũng giống như lần gặp ở Hamburg - không ai biết ông Trump đã nói gì với tổng thống Nga trong suốt thời gian đó.

Mọi thứ được giữ kín như bưng khiến phe Dân chủ tại Hạ viện tức tối đòi gửi trát, yêu cầu bà Gross ra điều trần. 

Song phe Cộng hòa của ông Trump đang kiểm soát cả lưỡng viện vào thời điểm đó đã không cho phép điều đó xảy ra. Nay khi phe Dân chủ trở lại kiểm soát Hạ viện, việc gửi trát cho bà Gross một lần nữa được nhắc tới sau mồi lửa là bài báo của Washington Post.

Trong cuộc phỏng vấn với Đài CNN ngày 15-1, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ - hạ nghị sĩ Dân chủ Eliot Engel cho biết đang thảo luận với Ủy ban tình báo của Hạ viện về việc yêu cầu Gross ra điều trần. 

Thậm chí, trong bối cảnh hiện tại, việc mời cả cựu ngoại trưởng Rex Tillerson ra điều trần cũng đang được tính đến.

Trong lúc quyết định cuối cùng vẫn chưa được chốt, Nhà Trắng và phe Cộng hòa tiếp tục bảo vệ các hành động của tổng thống, người họ cho là nạn nhân của quá nhiều vụ rò rỉ tin tức nội bộ.

Giới phiên dịch lo lắng

Bà Laura Burian, hiệu trưởng trường biên - phiên dịch thuộc Viện Quan hệ quốc tế Middlebury (Mỹ), cho biết các phiên dịch viên thường ghi vào đầu rất nhanh những thứ vừa nghe và dịch ngay nên sẽ rơi vào tình trạng sau buổi làm việc sẽ không nhớ những gì đã xảy ra.

Họ thỉnh thoảng ghi ra một vài ký tự hay con số mà chỉ có họ mới hiểu.

"Cho dù là một ngày sau đó, chứ đừng nói đến vài tháng (có lấy sổ ghi chép) thì cũng không thể hiểu hết toàn bộ sự việc diễn ra bên trong phòng hôm đó" - bà Burian nhận định.

Tuy nhiên, việc bỗng dưng các phiên dịch trở thành tâm điểm chú ý khiến cả giới này lo lắng, bởi sẽ phải đứng một bên giữa luật pháp, một bên là đạo đức nghề nghiệp.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên