28/02/2018 14:19 GMT+7

Nước ngoài đổ tỉ đô góp vốn mua doanh nghiệp Việt

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Chỉ trong 2 tháng đầu năm, cả nước có 873 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị là 1,25 tỷ USD, tăng 102,5% so với cùng kỳ 2017.

Nước ngoài đổ tỉ đô góp vốn mua doanh nghiệp Việt - Ảnh 1.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam vào tầm ngắm của nhà đầu tư ngoại - Ảnh: N.BÌNH

Theo Cục đầu tư Nước ngoài, trong 2 tháng qua có 471 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp 858,87 triệu USD và 402 góp vốn, mua cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 394,5 triệu USD.

Kể từ khi cơ quan của Bộ Kế hoạch - Đầu tư thống kê số liệu nhà đầu tư nước ngoài qua hình thức góp vốn, mua cổ phần từ năm 2016, đến nay, các con số luôn cho thấy một thực tế sôi động của hình thức mua bán và sáp nhập này. 

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài "ưa thích" hình thức này ở Việt Nam vì thủ tục đơn giản, thuận tiện. 

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài không cần xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam, mà chỉ cần làm các thủ tục đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước, tùy từng trường hợp góp vốn, mua cổ phần ở doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện kinh doanh hay không.

Tại cuộc họp bàn về nhiệm vụ của Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM năm 2018 do UBND TP.HCM chủ trì gần đây, Giám đốc cơ quan này là ông Sử Ngọc Anh, cho biết sẽ dành nhiều lưu ý cho hình thức đầu tư này, đặc biệt trong một số lĩnh vực nhạy cảm như mảng bán lẻ. 

Hiện TP.HCM đang triển khai cho phép nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần thông qua mạng Internet, thủ tục rất nhanh gọn. 

Tính chung tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018 đạt 3,34 tỉ USD, bằng 98,2% so với cùng kỳ năm 2017. 

Trong số đó, cả nước có 411 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,39 tỉ USD, bằng 68,6% so với cùng kỳ năm 2017, 133 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 700,3 triệu USD, bằng 92,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Một số dự án tiêu biểu như dự án Nhà máy YKK Hà Nam, cấp phép đầu tháng 2-2018 có tổng vốn đầu tư 80 triệu USD do Nhật Bản đầu tư với mục tiêu sản xuất các loại khóa kéo, các sản phẩm có liên quan, sản xuất nguyên phụ liệu dùng cho ngành may,.

Một dự án khác điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD là của Công ty TNHH Kefico Việt Nam sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tại Hải Dương…

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 1,83 tỷ USD, chiếm 54,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, tiếp đến là xây dựng và bất động sản.

Hàn Quốc tiếp tục giữ vững vị trí đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam với tổng vốn đầu tư 851,2 triệu USD, chiếm 25,5% tổng vốn đầu tư.

Quần đảo Virgin thuộc Anh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký xấp xỉ 450 triệu USD, chiếm 13,45% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Vị trí thứ ba thuộc về Singapore với tổng vốn đầu tư đăng ký 418,5 triệu USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên