26/02/2019 10:30 GMT+7

Ở bẩn: món nợ trăm năm

TRỊNH MINH GIANG
TRỊNH MINH GIANG

TTO - Chuyện ông Nguyễn Trường Tộ viết từ năm 1871, đọc cứ tưởng mới viết gần đây. Thói quen làm bẩn môi trường thời ấy - bây giờ còn có đủ.

Ở bẩn: món nợ trăm năm - Ảnh 1.

Đồ dùng cũ thành những đống rác bôi bẩn đường phố. Ảnh chụp trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM chiều 21-2 - Ảnh: THIÊN THẢO

Gần 150 năm trước, trong tác phẩm Về việc cải cách phong tục, nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) đã viết: "Nay trong kinh thành, con đường lục bộ cho đến đường các nha thự, chợ quán, tường hào, vườn hoa và các bến sông, chỗ nào cũng có uế khí, thậm chí có kẻ trước mặt công chúng mà đi tiểu đại.

Các cầu dọc theo sông, không luận ngày đêm, đàn ông đàn bà, cứ ra nơi ấy mà phóng uế, quen lấy làm thường... Đến như gạch vỡ, ngói hư, cây nhành khô lá rụng, rác và tro than các nhà loại ra, người nước khác đều thu nhặt làm đồ vật hữu dụng mà người mình thì vứt ra cùng đường, ném xuống ao vũng, hoặc đổ ra hào quanh thành, chất đầy cả bến sông...".

Thực tế ngày nay cho thấy không kể ở nông thôn, ngay tại các đô thị, tình trạng phóng uế tùy tiện, bỏ rác bừa bãi, quăng đồ hư cũ trong nhà ra đường, vứt mọi thứ xuống kênh rạch, cống rãnh... diễn ra khắp nơi.

Như ở TP.HCM, chỗ nào khuất một chút lại ngửi thấy mùi khai nồng, dù có khi nhà vệ sinh công cộng cách đó không xa; gần quán bia, nếu có một bức tường vắng thì y như rằng trở thành bãi xả; thậm chí có người còn "đi thẳng" vào cửa nhà người ta, dẫn đến tranh cãi, ẩu đả nhau!

Thói quen khạc nhổ, vứt tàn thuốc lá, ném mẩu thức ăn thừa... ra khỏi xe, xuống đường... gần như là một căn bệnh trầm kha mà các loại thuốc được kê toa vẫn chưa trị dứt. Gần như không có kênh rạch, sông suối nào là không có rác, từ vỏ chai nước, hộp thức ăn... đến xác vật nuôi, thậm chí đồ thủy tinh, kim loại sắc nhọn.

Ngoài đường rác đầy rẫy, vừa của người vãng lai, vừa của người sống ngay mặt tiền, vừa từ các thùng rác công cộng; ngay trên miệng cống, người ta cũng cho đó là nơi bỏ rác lý tưởng (!), bởi khi có mưa sẽ trôi hết xuống cống, khỏi phải quét dọn!

Lâu lâu sửa nhà, dọn nhà, đồ xà bần, đồ hư cứ thế mà bỏ ra đường, xe rác không gom, rác đó cứ thế mà chỏng chơ, mặc cho mỹ quan đô thị bị hoen ố! Và còn bao nhiêu điều "kém văn minh", "thiếu văn hóa", "bất nhã"... vẫn cứ diễn ra hằng ngày hằng giờ ở khắp nơi, kể cả các đô thị lớn, dù rất nhiều người phê phán...

"Ta cũng là người như họ (người phương Tây), lại không biết xấu hổ sao? (...) Như thế thì lòng tu ố (ghét điều xấu ở kẻ khác) ở đâu?" - ông Nguyễn Trường Tộ từng viết. Thực tế, buồn thay, dường như chỉ thấy xấu hổ khi phải phơi bày chỗ kín trên thân thể ra ngoài chứ không hề biết xấu hổ khi có hành vi bất nhã ở nơi công cộng (thà quay mặt đi hoặc kiếm gì đó che chỗ kín lại để "xả" chứ không tìm nơi "xả" phù hợp).

Người lớn không hề mắc cỡ khi cho con trẻ hoặc để thú cưng phóng uế ra đường. Người ta chỉ thấy dơ ở nhà mình chứ không quan tâm đến xung quanh, thà bỏ qua phía hàng xóm và rồi ngoe nguẩy tránh mặt đi chứ không chịu bỏ rác đúng nơi đúng chỗ... Người ta thà bỏ rác xuống cống, xuống sông cho nó trôi đi khuất mắt chứ không thèm quan tâm nó trôi đến đâu, làm bẩn ai hoặc làm nghẹt cống, nghẽn dòng chảy thì ngập nước ở đâu...

Giải quyết bài toán vệ sinh môi trường ở đô thị rất cần tác động đồng thời hai yếu tố: phạt tiền mỗi hành vi sai trái; tác động vào lòng tự trọng để mỗi hành vi không đẹp sẽ nhận lấy một sự xấu hổ nào đó. Có thể buộc họ lao động công ích (dọn vệ sinh, phát tờ rơi tuyên truyền về vệ sinh môi trường...), nếu tái phạm có thể bị kiểm điểm ở cộng đồng (như đã từng thực hiện đối với hành vi đua xe trái phép)...

Dạy học trò phân loại rác thải Dạy học trò phân loại rác thải

TTO - Trên sân khấu buổi sinh hoạt dưới cờ cuối năm của hơn 3.600 em học sinh tiểu học Lê Văn Tám có ba nhân vật đặc biệt: ba bạn trẻ hóa trang thành ba chiếc… thùng rác có màu xanh lá, xanh dương và màu xám.

TRỊNH MINH GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên