21/11/2018 15:50 GMT+7

Ông Nguyễn Đình Cung: Chưa thể thay thế doanh nghiệp nhà nước

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Doanh nghiệp nhà nước là lực lượng kinh tế chưa thể thay thế được trong phát triển kinh tế thời gian tới, và mục tiêu tái cơ cấu là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong khu vực doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Cung: Chưa thể thay thế doanh nghiệp nhà nước - Ảnh 1.

DNNN đã đang và sẽ tiếp tục là lực lượng kinh tế chưa thể thay thế thời gian tới - Ảnh: Việt Dũng

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhận định như vậy trong báo cáo tại hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước,diễn ra sáng 21-11 tại Hà Nội.

Ông Cung phân tích, thời gian qua thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trên 3 vấn đề, gồm áp đặt buộc các tập đoàn, tổng công ty hoạt động theo nguyên tắc thị trường, nâng cao hiệu lực quản trị thông qua việc áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, và cổ phần hóa, thoái vốn.

"Đến nay dư luận xã hội chủ yếu tập trung vào cổ phần hóa và thoái vốn, nhưng tôi cho rằng 2 mảng trên quan trọng hơn", ông Cung nhấn mạnh.

“Không chấp nhận lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của tập đoàn, tổng công ty nhà nước thấp hơn lãi suất cho vay, ít nhất cao hơn 2 lần lãi suất cho vay. Như vậy mới tạo áp lực lựa chọn đầu tư, chỉ nên tập trung đầu tư doanh nghiệp làm ăn hiệu quả”, ông Cung nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Cung: Chưa thể thay thế doanh nghiệp nhà nước - Ảnh 2.

Đại diện các tập đoàn trao đổi với Thủ tướng bên hành lang hội nghị - Ảnh: VIỆT DŨNG

TS Nguyễn Đình Cung kiến nghị với tư cách chủ sở hữu, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng thông qua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, giao cho các tập đoàn, tổng công ty những nhiệm vụ, chỉ tiêu thật cao để những người thực sự nỗ lực mới hoàn thành nhiệm vụ, chứ không phải giao những nhiệm vụ mà bất kỳ ai cũng có thể hoàn thành.

TS Nguyễn Đình Cung thẳng thắn cho rằng không chấp nhận lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn lãi suất cho vay, ít nhất cao hơn 2 lần lãi suất cho vay vì như thế sẽ tạo áp lực lựa chọn đầu tư, nên tập trung đầu tư doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, những doanh nghiệp có tỉ suất lợi nhuận 20-30% hơn là đầu tư vào bất cứ doanh nghiệp nào. 

"Hiện bảng xếp hạng top 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu vào năm 2017, tập đoàn có doanh thu thấp nhất khoảng 24 tỉ USD. Còn 3 ông lớn của ta Viettel, EVN, PVN mới đạt doanh thu khoảng 11 tỉ USD. Nên phải tập trung đầu tư vào những DN làm ăn hiệu quả để trong một, vài năm tới mới có tập đoàn, tổng công ty nhà nước lọt vào top 500 toàn cầu", ông Cung kết thúc khuyến nghị.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên