28/09/2018 14:52 GMT+7

Phá vỡ thế độc quyền sách giáo khoa: Cửa mở nhưng ngại vào!

NGỌC HÀ - THANH HÀ
NGỌC HÀ - THANH HÀ

TTO - Bộ Thông tin và truyền thông đã cấp phép thêm cho 4 NXB có đủ điều kiện về nguồn lực và mạng lưới cộng tác viên được bổ sung chức năng xuất bản sách giáo khoa, tạo tiền đề cho việc phá vỡ thế độc quyền trong xuất bản SGK của NXB Giáo Dục.

Phá vỡ thế độc quyền sách giáo khoa: Cửa mở nhưng ngại vào! - Ảnh 1.

Nhà xuất bản Giáo Dục tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cục Xuất bản, in và phát hành Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT) cho biết ngoài Nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục, có 4 NXB vừa được cấp phép hoạt động có chức năng xuất bản sách giáo khoa (SGK). Điều này sẽ khiến thế độc quyền xuất bản SGK bị phá vỡ?

Ông Chu Văn Hòa - cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành - cho biết thực hiện nghị quyết 88 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ TT-TT đã cấp phép thêm cho 4 NXB có đủ điều kiện về nguồn lực và mạng lưới cộng tác viên được bổ sung chức năng xuất bản SGK trong giấy phép thành lập gồm: NXB ĐH Sư Phạm Hà Nội, NXB ĐH Sư Phạm TP.HCM, NXB ĐHQG Hà Nội và NXB ĐH Huế.

Phụ thuộc hai điều kiện

Ông Hòa khẳng định: "Việc cấp phép cho 4 NXB có chức năng xuất bản SGK là tiền đề cho việc phá vỡ thế độc quyền trong xuất bản SGK của NXB Giáo Dục. Nhằm tạo ra sự bình đẳng trong xuất bản nằm trong phạm vi công tác quản lý nhà nước của Bộ TT-TT, chúng tôi đã quyết tâm thực hiện được điều này".

Nhưng ông Hòa cho rằng để thực hiện được sự bình đẳng này, thực sự phá vỡ được thế độc quyền trong xuất bản SGK của NXB Giáo Dục còn phụ thuộc vào hai điều: 

1- Thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK đến đâu. 2- Tính khách quan của Bộ GD-ĐT, của các hội đồng biên soạn, xét duyệt việc xuất bản SGK của bộ.

Ông Hòa cho biết hiện nay Bộ GD-ĐT và NXB Giáo Dục đang vừa đá bóng vừa thổi còi. Điều này tạo ra sự độc quyền trong xuất bản SGK khi Bộ GD-ĐT thành lập đội ngũ tác giả và tổ chức biên soạn SGK, lập hội đồng thẩm định SGK và tổ chức thẩm định SGK các môn học, giao cho NXB Giáo Dục tổ chức bản thảo, biên tập, thiết kế - minh họa, đăng ký xuất bản, in và phát hành SGK.

SGK là "hàng hóa" đặc biệt

Bà Phạm Thị Trâm - giám đốc NXB ĐHQG Hà Nội, đơn vị vừa được bổ sung chức năng xuất bản SGK - cho biết NXB ĐHQG Hà Nội chưa đủ điều kiện để một mình đứng ra làm một bộ SGK. 

Theo bà Trâm, trước đây khi có một bộ SGK, việc làm sách cũng phải dựa vào việc tập trung đội ngũ nhà giáo, chuyên gia giỏi trên cả nước, chứ không phải phụ thuộc vào một NXB.

Phá vỡ thế độc quyền sách giáo khoa: Cửa mở nhưng ngại vào! - Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Trâm -- giám đốc NXB ĐHQG Hà Nội

"Với cơ chế mới một chương trình, nhiều bộ SGK, cộng với việc thêm một số NXB được cấp phép chức năng xuất bản SGK, chúng ta đang đứng trước quyền được thay đổi nên cần có suy nghĩ thật tích cực. 

Chẳng hạn như mơ ước cống hiến một bộ sách chất lượng, đạt chuẩn quốc tế. Nhưng liệu các nơi đều nhận thức được rõ về trách nhiệm cống hiến này chưa hay chỉ nghĩ đến thế mạnh của mình là quen tác giả, quen bạn hàng rồi sách sẽ phát hành tốt" - bà Trâm nói.

Cũng theo bà Trâm, SGK không phải là "hàng hóa" bình thường mà là mặt hàng đặc biệt bởi lẽ nó mang lại giá trị không phải chỉ cho một con người mà cho cả một thế hệ. 

"Vì vậy, không thể tư duy theo kiểu tôi bán được sách cho anh vì thân quen hay vì những ràng buộc khác nằm ngoài những đánh giá về chất lượng, sự phù hợp của sách với học sinh, với người dùng" - bà Trâm chia sẻ.

Từ đây, bà Trâm cho biết NXB ĐHQG Hà Nội sẽ xin ý kiến các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống và lãnh đạo ĐHQG Hà Nội, trường hợp các bên đều nhất trí thì sẽ tiến hành, hoặc cũng có thể đề nghị để phối hợp cùng các NXB khác chung sức cho ra đời bộ SGK chất lượng, ấn tượng, chạm đến giá trị chung của thời đại hội nhập quốc tế.

Nếu cứ lo lắng xuất bản SGK mà không lợi thế bằng người ta thì rất khó bắt đầu. SGK không phải là phát minh, sáng chế vĩ đại gì để nói rằng làm được bộ sách hay quá khó. Vấn đề là xác định mục tiêu, tinh thần đổi mới, sự chuẩn bị chu đáo các điều kiện để có bộ sách thực sự chất lượng.

Bà Phạm Thị Trâm - giám đốc NXB ĐHQG Hà Nội

Khó khăn lớn nhất: đội ngũ viết sách

Trong khi đó, ông Đinh Trí Dũng, giám đốc NXB ĐH Vinh, đơn vị dù chưa được bổ sung chức năng xuất bản SGK nhưng cũng bày tỏ sự ủng hộ chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK vì không thể để tình trạng độc quyền được nữa. 

"Độc quyền dễ sinh ra tiêu cực. Ví dụ khi đó, nếu hạ giá thành sách chỉ bằng cách in sách với giấy kém chất lượng hơn. Trong khi một bộ phận phụ huynh có thể muốn con mình dùng sách đẹp, in màu phong phú hơn... Do đó, rất cần sự đa dạng trong xuất bản lĩnh vực này" - ông Dũng nói.

Nhưng đứng ở khía cạnh một NXB của trường ĐH, ông Dũng cho rằng còn nhiều khó khăn nếu dấn thân vào xuất bản SGK. Chắc chắn các NXB cũng đều hình dung gặp nhiều khó khăn khi bước vào thị trường này. 

Ông Dũng nói: "Nếu dựa trên đội ngũ, năng lực của Trường ĐH Vinh, NXB ĐH Vinh cũng có thể tham gia vào xuất bản SGK. Nhưng với kinh nghiệm của một đơn vị xuất bản, chúng tôi hiểu rằng để làm SGK, điều khó khăn nhất vẫn là tập trung được đội ngũ viết sách. 

Không phải cứ GS, TS là viết được SGK. Tác giả sách phải là người am hiểu về giáo dục phổ thông, nắm vững vàng phương pháp dạy học".

Ngoài ra, ông Dũng nói thêm: "Mức đầu tư ban đầu cho xuất bản SGK cũng rất lớn. Đặc biệt, treo trên đầu các NXB là nỗi lo: sách viết xong, đấu thầu xong nhưng ai dùng? 

Nhìn một cách thẳng thắn, NXB Giáo Dục Việt Nam sẽ có lợi thế hơn vì xuất bản SGK lâu nay là chức năng của họ, NXB lại có kinh nghiệm trong hợp tác với các tác giả sách, có hệ thống phát hành rộng khắp và mối quan hệ với các sở GD-ĐT... 

Còn từ góc nhìn của một NXB ĐH, chúng tôi thấy phía trước còn không ít khó khăn, mạo hiểm, nên cần cân nhắc kỹ".

Các NXB đối mặt nhiều khó khăn

Lo không đủ tiềm lực

Các NXB đối mặt nhiều khó khăn - Ảnh 2.

TS Nguyễn Anh Vũ - giám đốc, tổng biên tập NXB Văn Học: "Về chuyện NXB Giáo Dục báo lỗ 40 tỉ đồng một năm, trong khi chi hoa hồng lên tới 250 tỉ, theo tôi, trong phát hành sách nói chung, chuyện phải có hoa hồng, chiết khấu là đương nhiên.

Ngoài ra, đầu tư cho SGK, sách giáo dục rất khác với các dòng sách khác nên rất khó để "phán xét" chuyện thua lỗ của NXB Giáo Dục".

Bàn chuyện xóa bỏ độc quyền làm SGK, ông Vũ cho biết chủ trương đã có từ lâu, đã được luật hóa nhưng không đơn giản để thực hiện được.

Ông Vũ cho biết trước đây NXB Văn Học đã nghĩ đến việc làm SGK nhưng lập tức nhận thấy mình không đủ tiềm lực để làm được dòng sách này. Nếu làm bộ SGK về môn văn học, NXB có thể làm tốt nhưng SGK của các chuyên môn khác thì "không đủ tiềm lực, năng lực".

Phá bỏ độc quyền, không thể nhanh chóng

Các NXB đối mặt nhiều khó khăn - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Cảnh Bình - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty sách Alpha: "Chuyện chiết khấu là tất yếu, đơn vị xuất bản nào cũng phải làm. Sách của Alpha và nhiều NXB khác hiện có tỉ lệ chiết khấu 30-45%, thậm chí 70-80% với những đầu sách ế.

Chiết khấu SGK của NXB Giáo Dục khoảng 25% như hiện nay là thấp so với các loại sách khác.

Chuyện NXB Giáo Dục báo lỗ 40 tỉ một năm cho thấy làm xuất bản rất khó. NXB Giáo Dục tuy độc quyền làm SGK nhưng lại không được tự định giá bán sách thì độc quyền ấy không nhất thiết đảm bảo có lãi.

Về chuyện xóa bỏ độc quyền làm SGK, dù luật đã quy định cho phép các NXB đều có thể làm SGK nhưng hiện vẫn chưa có đơn vị xuất bản nào có thể bước chân được vào lĩnh vực này, cho nên NXB Giáo Dục vẫn độc quyền làm SGK".

Tuy vui mừng khi chương trình khung của bộ SGK vừa được thông qua, tuy nhiên ông Bình cũng chỉ ra một bất cập: Có chương trình khung, nhưng ai sẽ là người thẩm định một bộ sách nào đó đúng hay không đúng với chương trình khung.

Một điều nữa khiến ông Bình cho rằng lộ trình để đi tới phá bỏ độc quyền làm SGK sẽ không nhanh chóng bởi muốn làm SGK thì phải có vốn rất lớn, điều này các NXB khó đáp ứng được. Đó là chưa nói đến cần đội ngũ có kinh nghiệm về lĩnh vực này.

"Chính sách cho tồn tại nhiều bộ SGK, cho phép nhiều NXB được làm SGK nhưng nỗ lực xóa độc quyền làm SGK hiện nay chỉ giống như cánh cửa mới mở he hé.

Nói vậy bởi NXB nhà nước thì không có vốn và động lực để làm, còn tư nhân thì lại không có tư cách để làm SGK vì chưa có NXB tư nhân".

THIÊN ĐIỂU

Sách giáo khoa: lỗ 40 tỉ, chiết khấu đến... 250 tỉ! Sách giáo khoa: lỗ 40 tỉ, chiết khấu đến... 250 tỉ!

TTO - Đây là nghịch lý được chỉ ra trong việc xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa sau khi Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thực hiện giám sát nội dung này trong giai đoạn 2012-2017.

NGỌC HÀ - THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên