11/06/2020 09:22 GMT+7

Phải chặn game online tấn công trẻ em

N.AN - T.LỤA - D.HÒA thực hiện
N.AN - T.LỤA - D.HÒA thực hiện

TTO - Hôm qua 10-6, dư luận xôn xao khi nam sinh lớp 11 Đ.N.H. (17 tuổi, ngụ xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bước đầu khai nhận nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé Đ. (5 tuổi) là do làm theo game online.

Phải chặn game online tấn công trẻ em - Ảnh 1.

Khoảng 15h chiều 7-6, bé Đ. xin phép bố qua nhà H. - gia đình hàng xóm - chơi. Đến tối cùng ngày, gia đình không thấy con về liền tá hỏa đi tìm kiếm và trình báo với cơ quan chức năng. Qua trích xuất camera an ninh, người dân xác định H. là người tiếp xúc cuối cùng với bé Đ.. Chiều 9-6, H. dẫn cơ quan chức năng vào khu vực giấu bé Đ. thì phát hiện bé đã chết trước đó.

Hiện trường nơi phát hiện thi thể bé Đ. gần mép suối trong cánh rừng tràm cách nhà của gia đình bé gần 10km, hai tay bé bị trói, miệng bị bịt băng keo và vải. Cạnh thi thể bé còn có xúc xích, sữa và ít bánh. Công an cho biết H. khai làm theo game online, H. đưa bé Đ. đi với động cơ là giấu bé rồi sau đó sẽ đưa bé về như mình là "người hùng" có công tìm ra bé. 

Tuy nhiên, khi thấy gia đình, cơ quan chức năng đi tìm, H. lo sợ không đưa bé về nữa, dẫn đến sự việc đau lòng. Bước đầu xác định bé Đ. chết do bị bỏ đói, khát trong nhiều giờ đồng hồ.

Từ vụ việc này, vấn đề đặt ra là hiện nay người lớn có biết trẻ đang xem, làm gì trên mạng với đầy rẫy những tiêu cực? Và biện pháp bảo vệ trẻ em là gì?

Ông Nguyễn Thanh Hiền (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội):

Kiểm soát chặt game online bạo lực, ảo tưởng

Phải chặn game online tấn công trẻ em - Ảnh 2.

Vụ việc diễn ra ở vùng núi cho thấy những tác động của thế giới mạng xã hội, game online rất khủng khiếp, không loại trừ ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lứa tuổi nào. Đó là những nguy hiểm tiềm ẩn, không khác gì một hình thức "xâm phạm tâm hồn" các em, biến chính các em trở thành nạn nhân, trở thành những đứa trẻ có suy nghĩ, nhận thức và hành động lệch lạc, xa rời đời sống.

Tôi cho rằng Đảng và Chính phủ, Quốc hội, các cấp các ngành đã quan tâm rất thiết thực đến trẻ em bằng nhiều chính sách, hỗ trợ, nhưng cần phải được nhìn nhận đầy đủ hơn, đặc biệt là những mặt trái và tác động của mạng xã hội, game online đến đời sống tâm lý và sự hình thành nhân cách, hành vi của trẻ em. Đó là những nguy cơ tiềm tàng, tiềm ẩn vô hình diễn ra hằng ngày trong đời sống.

Đồng thời cơ quan chức năng cũng cần tăng cường quản lý hoạt động game online, các chương trình và trò chơi đang lan tràn mà việc kiểm soát nội dung chưa được chặt chẽ. Có những nội dung game online không phù hợp với độ tuổi, hoặc nội dung tiềm ẩn, chứa đựng các nội dung bạo lực, có tính ảo tưởng, khiêu dâm... nên cần phải kiểm soát thật chặt chẽ hơn nữa.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Dùng kỹ thuật để quản lý mạng

Phải chặn game online tấn công trẻ em - Ảnh 3.

Chúng ta phải dùng ngay kỹ thuật của mạng để quản lý mạng, cần thiết loại trừ game không lành mạnh, không để phát hành và phát tán trong xã hội.

Đầu tiên chặn bằng nghiệp vụ không cho lưu hành các game với nội dung không phù hợp với độ tuổi, giới tính của trẻ em. Tiếp đến tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở, giáo dục ý thức vì đường đi của việc gây hại phong phú lắm, nên vai trò của gia đình và nhà trường rất quan trọng.

Khi đã cho phép mở dịch vụ thì phải quản lý kỹ, nâng cao vai trò kiểm tra, hậu kiểm và chính quyền cơ sở, lực lượng chuyên ngành cần phát huy hơn. Có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, nếu phát hiện phạt ở mức tối đa, thậm chí là đóng cửa.

Tuy nhiên tôi nhấn mạnh lại là vẫn cần phải nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm gia đình, quan trọng nhất là quản lý trẻ em gắn với nhà trường và xã hội.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM):

Cả gia đình cần phải hiểu biết

Phải chặn game online tấn công trẻ em - Ảnh 4.

Người lớn chúng tra khi lướt web đọc tin tức thì tin "rác", tin "bậy", tin "khiêu dâm" vẫn ở đâu đập vào mắt. Huống hồ trẻ con chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết nhưng lại được bố mẹ giao cả cái tivi, điện thoại hay laptop để tùy ý sử dụng thì hậu quả sẽ ra sao?

Việc giáo dục, tuyên truyền về trách nhiệm của cha mẹ, về quyền của trẻ em phải đến được với từng người dân, từng đứa trẻ. Không chỉ chờ cha mẹ bảo vệ, trẻ phải hiểu biết và ý thức được về quyền lợi của mình, về hành vi đúng sai để bảo vệ bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nếu cả cha mẹ và trẻ đều không ý thức được về quyền, về trách nhiệm của mình thì để lại những hậu quả vô cùng nặng nề.

Phải chặn game online tấn công trẻ em - Ảnh 5.

Người lớn có biết trẻ em đang làm gì trong những trò chơi game online như thế này không? - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Võ Dương Tú Diễm (Hãng bảo mật Kaspersky Lab tại VN):

2 cách lập hàng rào bảo vệ con

thuy diem - kaspersky 1(read-only)

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, thế giới Internet có nhiều nội dung lẫn lộn đến mức nhiều khi người lớn cũng chưa chắc đã phân biệt rõ ràng là tốt hay xấu, huống chi là các học sinh, trẻ em. Do đó việc xây dựng hàng rào bảo vệ con trên mạng là điều tất yếu mà các bậc cha mẹ nào cũng nên làm (nếu đã hiểu) và học (nếu chưa biết).

Theo tôi nghĩ, các bậc cha mẹ hiện nay có thể áp dụng hai cách sau: tập xem các nội dung trên mạng cùng con để chọn lọc nội dung phù hợp và cho qua những đoạn quảng cáo (có khi lại dẫn dắt các bé đến với game online không phù hợp) và dùng các ứng dụng để lọc tự động các nội dung không phù hợp hay các phần mềm bảo vệ trẻ em, kiểm soát nội dung theo từng lứa tuổi. Qua đó bảo vệ trẻ bằng cách dạy trẻ kỹ năng vượt qua cám dỗ.

TS Đinh Phương Duy (chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM):

Dù khó nhưng không thể bỏ qua

ts dinh phuong duy 1(read-only) copy

Cách bảo vệ trẻ hữu hiệu nhất không phải là cấm đoán mà dạy con làm chủ thời gian, làm chủ cảm xúc, biết phân chia thời gian cho hợp lý. Đặc biệt cần hình thành cho trẻ kỹ năng vượt qua cám dỗ, cạm bẫy.

Lâu nay kỹ năng vượt qua cám dỗ của người trẻ ở VN rất yếu, trẻ dễ bị lôi kéo, nghe theo rủ rê. Đành rằng cha mẹ và nhà trường đã có nhiều thứ phải lo lắng nhưng không vì thế mà bỏ qua. Những sân chơi trải nghiệm, những chương trình xây dựng nhận thức cho trẻ để trẻ nhận biết những tình huống xấu, nhận biết giá trị bản thân... rất cần thiết. Nhà trường không nên xem đó là phong trào, một khóa học mà phải duy trì nó như một hoạt động thường xuyên.

Đ.THIỆN - V.THỦY ghi

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội):

Đưa vào dự thảo nghị quyết sắp trình Quốc hội

nguyenthithuy 1(read-only)

Qua thảo luận về tình trạng xâm phạm trẻ em đợt 1 kỳ họp vừa rồi, Quốc hội thấy việc phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cần có sự quan tâm. Vấn đề này đã được đưa vào dự thảo nghị quyết sắp tới trình Quốc hội thông qua và được nhiều đại biểu tiếp tục trao đổi để làm kỹ hơn. Dự thảo hiện có những yêu cầu rõ nét hơn về nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, gia đình và nhà trường trong việc bảo vệ an toàn cho trẻ trên môi trường mạng.

Cũng cần nhìn thực tế nhiều bậc phụ huynh không có kiến thức về mạng và bảo vệ con trên môi trường mạng. Đây là một nguy cơ rất lớn đến an toàn của trẻ.

Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):

Trách nhiệm của tất cả mọi người

trankimyen 1(read-only)

Hiện nay điều kiện tiếp cận thông tin trên mạng hầu như phủ khắp, không phân biệt độ tuổi, giới tính. Có những em bé rất nhỏ đã sử dụng thành thạo máy tính, điện thoại. Cả mặt tiện lợi và hạn chế của công nghệ hầu như ai cũng nhìn thấy rõ.

Từ đó mới thấy vai trò, trách nhiệm quan trọng của cộng đồng, nhà trường và gia đình trong việc giáo dục, hướng dẫn con trẻ tham gia môi trường mạng. Vấn đề này cần được cụ thể hóa trong nghị quyết về phòng chống xâm hại trẻ em sắp tới. Trong đó nhấn mạnh nhà trường phải có những chương trình giảng dạy, hướng dẫn học sinh sử dụng công nghệ có trách nhiệm, hiểu biết để lựa chọn thông tin, trò chơi lành mạnh.

Các cơ quan liên quan cũng cần có những chương trình tuyên truyền, giáo dục phụ huynh các kiến thức, kỹ năng về quản lý, hướng dẫn cho con trẻ tiếp cận an toàn với môi trường mạng. Và chính bản thân phụ huynh cũng phải có trách nhiệm giám sát, quản lý và hướng dẫn để con em sử dụng môi trường mạng đúng mục đích.

T.LONG ghi

Thăm dò ý kiến

Game Online là một loại hình giải trí nhưng cũng không ít lần đem đến những hệ lụy tiêu cực. Ứng xử với Game Online, theo bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Bộ phối hợp với Google, Apple, Facebook gỡ 142 game online cờ bạc, bạo lực Bộ phối hợp với Google, Apple, Facebook gỡ 142 game online cờ bạc, bạo lực

TTO - Bộ Thông tin và truyền thông đã phối hợp với Google, Apple, Facebook gỡ bỏ 142 game vi phạm phát hành vào thị trường Việt Nam, trong đó có 104 game cờ bạc đổi thưởng, 38 game có nội dung bạo lực.

N.AN - T.LỤA - D.HÒA thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên