11/05/2019 10:14 GMT+7

Phải mời phụ huynh giám sát an toàn thực phẩm trong trường học

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Hiện nay TP.HCM có 1.974 cơ sở giáo dục. Trong đó, 1.280 cơ sở có bếp ăn tập thể tự tổ chức; 112 cơ sở có bếp ăn tập thể thuê nấu; 292 cơ sở nhận suất ăn sẵn.

Phải mời phụ huynh giám sát an toàn thực phẩm trong trường học - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM) ăn trưa. Đây là một trong những trường được Sở GD-ĐT TP đánh giá cao về công tác ATTP - Ảnh: NHƯ HÙNG

Dù các trường trên địa bàn TP đã làm khá tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đáng lưu tâm.

Đây là những vấn đề được đưa ra mổ xẻ tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo ATTP trong trường học trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017 - 2019 do Sở GD-ĐT TP phối hợp với Ban quản lý ATTP TP tổ chức ngày 10-5.

Đặt niềm tin cho... nhà cung cấp

Theo ông Lê Minh Hải - phó Ban quản lý ATTP TP.HCM, từ năm 2014 đến năm 2018, trên địa bàn TP xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học với 340 học sinh bị ngộ độc. Trong đó, quy mô các vụ ngộ độc thực phẩm năm 2018 có giảm so với các năm trước.

Nói về nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm trong trường học, một cán bộ Sở GD-ĐT TP cho biết: "Ở các trường không có bếp ăn tập thể mà sử dụng suất ăn do doanh nghiệp cung cấp thì nguy cơ bị ngộ độc cao hơn những trường có bếp ăn tập thể, tổ chức nấu nướng ngay trong khuôn viên trường. Nguyên nhân, các trường sử dụng suất ăn cung cấp sẵn không thể kiểm soát trực tiếp nguồn thực phẩm tươi sống trước khi đưa vào chế biến".

Với thâm niên quản lý tại trường có bếp ăn và trường hợp đồng với nhà cung cấp suất ăn sẵn, cô M. - hiệu trưởng một trường tiểu học ở vùng ven TP - nhận xét: "Nếu có bếp ăn tập thể thì phó hiệu trưởng phụ trách bán trú và nhân viên cấp dưỡng của trường quản lý rất chặt chẽ khâu tiếp nhận thực phẩm.

Nếu có nghi ngờ về chất lượng sẽ trả lại ngay cho nhà cung cấp. Sau này, tôi về quản lý tại ngôi trường không có bếp ăn, nhận suất ăn cung cấp cho học sinh mà phập phồng lo lắng bởi thực phẩm đã được chế biến thành món ăn rồi thì rất khó đánh giá về độ an toàn".

Vì thế, việc xảy ra ngộ độc thực phẩm hoàn toàn mang tính "hên xui". Thỉnh thoảng nhà trường cũng có phối hợp với phụ huynh xuống tận nơi chế biến để tham quan nhưng một năm học đi được 2 lần là đã quá nhiều. Còn lại, đành phải trao trọn niềm tin vào nhà cung cấp suất ăn. Có giám sát thì cũng chỉ giám sát được ở khía cạnh là thành phần chất đạm, chất bột, rau củ... mà thôi.

"Thức ăn có chắc chắn 100% được chế biến từ thực phẩm sạch hay không thì... chịu" - vị hiệu trưởng này nhìn nhận.

Bỏ rào cản với phụ huynh

"Không phải từ khi báo chí nêu về vụ hàng loạt học sinh nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh, chúng tôi mới quan tâm đến vấn đề ATTP của con em. Nhưng hiện phụ huynh chúng tôi gặp nhiều cái khó trong việc giám sát bữa ăn của con em tại trường" - ông L.M.H., phụ huynh ở quận Phú Nhuận, tâm sự với Tuổi Trẻ.

Ông H. phân trần: "Có con trong độ tuổi đến trường, ai cũng mong con mình được học bán trú tại trường có bếp ăn tập thể". Nhưng với điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp như hiện nay, nhiều trường không thể tổ chức bếp ăn mà nhận suất ăn công nghiệp.

Ông H. có 2 con đang học THCS - đứa lớn học ở trường có bếp ăn tập thể được ăn khá ngon, thành phần thịt cá cũng trội hơn so với đứa nhỏ học ở trường cho học sinh ăn suất ăn cung cấp sẵn. Nghĩ ra cũng phải, vì nhà cung cấp họ làm phải có lợi nhuận, phụ huynh đóng tiền ăn cho con em mình thì họ không thể dùng hết số tiền đó được.

"Thế nhưng, điều chúng tôi lo lắng nhất là vấn đề ATTP chứ chất lượng bữa ăn có thể thiếu đạm, thiếu vitamin thì bữa tối và bữa sáng chúng tôi có thể bổ sung cho con em mình" - ông H. tâm tư.

"Vì lo lắng nên chúng tôi mong muốn được đồng hành với trường trong việc chọn nhà cung cấp suất ăn, giám sát bữa ăn... nhưng không dễ" - ông H. chia sẻ thêm.

Khi hỏi về vấn đề trên, khá nhiều phụ huynh đã trả lời Tuổi Trẻ: "Không đơn giản vì thầy hiệu trưởng nói trường đã chọn nhà cung cấp rồi, phụ huynh cứ giám sát và phản hồi, nhưng phản hồi mà tình trạng chỉ thay đổi được vài ngày rồi đâu lại vào đấy".

"Lâu nay hay có lời đồn về mối quan hệ mật thiết giữa nhà cung cấp suất ăn với hiệu trưởng nhà trường, rồi tỉ lệ phần trăm này nọ nhưng chúng tôi không dám tin là thật.

Nếu Sở GD-ĐT TP kiên quyết trong việc này thì cần có văn bản chỉ đạo cụ thể: nhà trường hãy giao quyền cho phụ huynh mà cụ thể là ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Họ sẽ đi thực tế, kiểm tra, thẩm định và chọn nhà cung cấp suất ăn sẵn phù hợp nhất và chất lượng tốt nhất cho con em mình" - ông H.P.Q., phụ huynh ở quận Tân Bình, đề nghị.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Gia Thụy, phó trưởng phòng chính trị - tư tưởng Sở GD-ĐT TP, cũng thừa nhận: "Việc đảm bảo ATTP hiện nay đang gặp một số khó khăn như: sản lượng của một số đơn vị trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn không đủ để cung cấp cho một đơn vị trường học nên đưa đến tình trạng một trường học phải hợp đồng với nhiều công ty khác nhau cùng một loại sản phẩm.

Một số trường sử dụng suất ăn công nghiệp chưa thường xuyên kiểm soát được từng loại thực phẩm mà nhà cung cấp sử dụng để chế biến món ăn cho học sinh hằng ngày. Chưa có sự tham gia, giám sát của cha mẹ học sinh, một số trường chưa công khai nhà cung cấp thực phẩm, nguyên liệu, món ăn hằng ngày cho phụ huynh học sinh theo dõi nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho học sinh khi sử dụng các bữa ăn hằng ngày ở nhà trường.

Theo ông Thụy, từ năm học 2019 - 2020, các trường cần đẩy mạnh việc mời phụ huynh giám sát bữa ăn của học sinh trong trường. Các trường cần có kế hoạch cụ thể về nội dung này và phải được thảo luận, thống nhất ngay trong hội nghị ban đại diện cha mẹ học sinh đầu năm.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải công khai nhà cung cấp thực phẩm, nguyên liệu, món ăn hằng ngày cho phụ huynh theo dõi.

Ông Lê Minh Hải thông tin: nhằm cải thiện điều kiện đảm bảo ATTP trong trường học, Ban quản lý ATTP đã ký kết với Sở GD-ĐT TP kế hoạch liên tịch số 1008 về bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM từ năm 2017 đến hết năm 2019. Trong đó, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho học sinh bắt buộc phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Ngoài ra, các trường phải kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn, cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căngtin trong trường học phải tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, sử dụng chất phụ gia thực phẩm… và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng (thông qua hóa đơn, chứng từ của các cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm)".

Phải mời phụ huynh giám sát an toàn thực phẩm trong trường học - Ảnh 4.

Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) mời phụ huynh đến trường dự giờ ăn bán trú của con em và ăn trưa cùng con (nếu muốn) - Ảnh: H.HG.

Từ năm học 2019 - 2020, mức độ ưu tiên các chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm để chọn nhà cung cấp tại các đơn vị trường học là: FSSC 22000:2005; GlobalGap; ISO 22000:2005; chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; VietGap; HACCP; GMP; cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Kiến nghị Ban quản lý ATTP TP tăng cường chỉ đạo các đội quản lý ATTP tại các quận/huyện kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất tại các đơn vị trường học có bếp ăn, suất ăn công nghiệp, căngtin trường học hoặc gửi kết quả sau thanh tra và phối hợp với Sở GD-ĐT xử lý các cơ sở giáo dục vi phạm về đảm bảo ATTP. Tiếp tục, thường xuyên cập nhật các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm đã được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, theo các chuẩn quy định về ATTP trên website của Ban quản lý ATTP để các trường kết nối thực hiện trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu, thực phẩm.

(Trích kiến nghị của ngành GD-ĐT TP tại hội nghị)

Những điểm sáng

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM tại hội nghị, TP đã thực hiện thí điểm tại các trường học trên địa bàn quận 3, 5, 8, 11, Tân Bình, Bình Thạnh với nội dung: các bếp ăn, căngtin trường học, cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh sử dụng thực phẩm được cung cấp từ các cơ sở nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được công nhận của TP và đạt chứng nhận HACCP, ISO 22000:2005, VietGap, GlobalGap...

Ông Nguyễn Văn Gia Thụy cho hay qua công tác kiểm tra, thanh tra tại 6 quận kể trên thì tình hình rất khả quan. "Tôi cũng rất tự hào khi thông báo rằng 18 quận, huyện còn lại, dù không được chọn thí điểm nhưng nhiều trường cũng đã sử dụng thực phẩm được cung cấp từ các cơ sở nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được công nhận của TP" - ông Thụy nói.

Năm 2018 chỉ có 1 trường hợp ngộ độc thực phẩm trong trường học với 25 học sinh bị ngộ độc. Đa số các trường học đã chú ý, quan tâm hơn, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ hơn trong các khâu đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn, căngtin; lấy nguồn thực phẩm đạt chuẩn, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc của thực phẩm.

Không những thế, các trường có bếp ăn tập thể còn thực hiện quy trình chế biến theo hình thức bếp ăn một chiều; 100% các trường tiểu học có bếp ăn bán trú đã thực hiện bộ thực đơn để cân bằng dinh dưỡng hợp lý cho học sinh nhằm kéo giảm tình trạng thừa cân béo phì.

TP.HCM kiểm tra đột xuất an toàn thực phẩm trong trường học TP.HCM kiểm tra đột xuất an toàn thực phẩm trong trường học

TTO - Thủ trưởng các đơn vị ở TP.HCM phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên