07/03/2021 13:48 GMT+7

Phạm Đình Khánh Đoan: 'Phụ nữ phải khỏe thì mới đẹp'

TRƯỜNG HUY thực hiện
TRƯỜNG HUY thực hiện

TTO - Những ai kết bạn với Phạm Đình Khánh Đoan trên Facebook, ắt sẽ cảm nhận được sức sống ngời ngời ở cựu nữ hoàng điền kinh Việt Nam…

Phạm Đình Khánh Đoan: Phụ nữ phải khỏe thì mới đẹp - Ảnh 1.

Phạm Đình Khánh Đoan - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trên "tường nhà" của Khánh Đoan, các bạn "phây" cứ liên tục phải "mắt chữ O, mồm chữ A" với hình ảnh của bà mẹ hai con, vừa qua tuổi 40, gợi cảm và đầy sức sống.

Khi thì cô trồng cây chuối trên bãi biển, khi thì làm động tác bồ câu của yoga…, Khánh Đoan tập luyện mọi lúc mọi nơi. Bậc cửa cũng biến thành một chỗ tập lý tưởng. Cô chạy, cô bơi, cô chèo thuyền, cô tập yoga hay cô đi làm trọng tài ở một giải chạy, lúc nào cũng rực rỡ như nhau.

Cô làm HLV cho đội trẻ Khánh Hòa cũng tươi như hoa. Các dòng trạng thái của cô luôn lạc quan, tràn trề sức sống.

Tôi vẫn là típ phụ nữ của gia đình

* Cách đây 20 năm, trên số báo TTCT cuối cùng của năm 2001, ảnh Khánh Đoan đã xuất hiện trên bìa. Năm ấy, chị vừa thực hiện kỳ tích trở thành VĐV đầu tiên của điền kinh VN đoạt 2 HCV một kỳ SEA Games. Nhưng xem ra, ảnh hồi đó vẫn không tươi bằng bây giờ?

- Khánh Đoan: (Cười lớn) Anh quá khen rồi. Hồi đó mới đôi mươi, còn bây giờ tròn 41 rồi. Không có gì thay thế được tuổi trẻ đâu anh. Chẳng qua hồi ấy còn thi đấu, khổ luyện nên dung nhan có phần khắc khổ vì nắng và gió trên sân tập.

Chưa kể điều kiện chăm sóc bản thân hồi đó cũng không đầy đủ. Anh có biết bức ảnh trên bìa TTCT năm ấy của anh Bạch Dương chụp là tôi mượn áo dài của bà xã anh ấy đấy. Mặc áo khín nên tay áo ngắn ngủn đó…

* Dù đã bước qua thế kỷ 21 được 21 năm rồi, nhưng xem ra phụ nữ VN vẫn còn nặng hai chữ hi sinh - hi sinh cho chồng, cho con, cho đại gia đình mà ít chăm chút bản thân; nói cách khác là rất ít sống cho bản thân. Nhìn Đoan trên Facebook, có cảm giác chị đã thoát được quan niệm đó?

Tôi cho rằng mình cũng thuộc típ phụ nữ của gia đình, vẫn lo lắng cơm nước nhà cửa, vẫn chăm sóc con cái từng li từng tí… Nhưng tôi nghĩ mình biết cách dung hòa mọi việc để chăm sóc bản thân.

Còn mạng xã hội, với tôi là nơi để lưu trữ hình ảnh đẹp và viết những dòng trạng thái vui vui, chứ tâm trạng cũng có lúc buồn, cũng có chuyện không hài lòng… Không biết vậy có phải sống ảo không ta?

Nhiều người vẫn hỏi "con nhỏ này làm gì mà suốt ngày chỉ thấy đi chụp hình, chụp ảnh, cà phê này nọ", tôi trả lời vừa đùa vừa thật: "Tôi vẫn làm việc, ở nhà cũng không có người giúp việc hay ông bà đỡ đần, vẫn chăm sóc dạy dỗ con cái chu đáo, tôi có thời gian cho bản thân là nhờ giỏi sắp xếp thôi".

* Thu nhập của một HLV điền kinh mà lo được bản thân, lo cho con cái đầy đủ thì quả khó tin nhỉ?

- Làm sao có chuyện đó được anh! Tôi may mắn có nhiều bạn bè tốt, họ cho hùn hạp làm ăn, nhờ đó mới đủ điều kiện kinh tế.

Phải tính toán dữ lắm. Tôi có một căn nhà, nhưng không ở mà cho thuê, rồi mình đi thuê căn khác nhỏ hơn, nhờ vậy lại dôi thêm chút đỉnh mà lo cho mấy đứa nhỏ.

Nhiều người bảo ngày xưa đoạt 3 HCV SEA Games (1 HCV năm 1999 và 2 HCV năm 2001) chắc được thưởng nhiều lắm? Thú thật hồi đó về xây được cho ba mẹ một căn nhà ở Cam Ranh, còn lại mua được đúng chiếc xe máy rồi là phủi tay!

* Không phải VĐV nào khi kết thúc sự nghiệp cũng giữ được thói quen rèn luyện như chị. Có bí quyết nào không?

- Thứ nhất, thể thao ăn vào máu tôi rồi, ngày nào không tập thì thấy nhớ. Ra sân huấn luyện học trò cũng phải chạy vài vòng. Thấy yoga hay, phù hợp với lứa tuổi phụ nữ là lên mạng tìm hiểu rồi tự tập cũng được một năm nay.

Thứ hai với tôi, phụ nữ là phải đẹp; và đẹp phải đi đôi với khỏe. Thế là tập thôi. Tôi cũng thấy vui vì mình phần nào lan tỏa được thông điệp "phụ nữ là phải khỏe, đẹp" đến với nhiều bạn bè. Đặc biệt, tôi cảm nhận rõ nhất sự thay đổi bản thân vào năm 35 tuổi.

Bắt đầu bước vào tuổi ấy, thấy dấu ấn thời gian ập đến rất rõ nên phải chú tâm luyện tập để thay đổi thôi.

Làm gì cũng phải học

* Các con của chị có theo nghiệp mẹ không?

- Không anh!

* Một câu trả lời rất nhanh, dứt khoát. Điều đó là do mẹ không thích hay các con không muốn?

- Cũng có lúc các cháu muốn như mẹ, nhưng tôi kiểm tra rồi và thấy cả hai đều không có năng khiếu thể thao. Tôi nghĩ cuộc đời đừng cưỡng cầu. Thể thao đỉnh cao đòi hỏi nhiều yếu tố lắm. Đầu tiên là phải có năng khiếu trời cho và thứ hai là phải có ý chí mãnh liệt.

Tôi có cô em gái út cũng theo điền kinh được một năm rồi phải bỏ. Cô ấy bỏ vì không chịu nổi sự khắc nghiệt. Tôi nói chuyện với các con về những điều ấy và khuyên chúng nên tập thể thao cho khỏe thôi.

* Trong làng thể thao đỉnh cao của phái nữ, có không ít trường hợp bị thay đổi giới tính khi hormone nam phát triển vượt trội. Đoan nhìn nhận vấn đề này thế nào trong vị trí một cựu VĐV đỉnh cao và giờ là HLV?

- Theo anh thì tôi có bị như thế không?

* Chắc là không, vì điệu quá mà!

- Chưa chắc, có thể nhờ tôi khéo che thôi! Đùa thế thôi, quả thật đây là một vấn đề có thật và hết sức tế nhị. Chuyện này rất đa dạng, phải nói là không ai giống ai.

Có người "trời sinh", có người do "hoàn cảnh"; quan trọng là cộng đồng, xã hội cần có cái nhìn cởi mở hơn. Với những trường hợp do "hoàn cảnh", kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy phần lớn do môi trường sống xa gia đình.

* Nếu có một lời khuyên cho thế hệ VĐV trẻ trong tư cách đàn chị, chị sẽ nói gì?

- Làm gì thì làm, phải học văn hóa, đừng để đứt đoạn. Thời tôi còn thi đấu, khi nhận lệnh tập trung vào đội tuyển ở Nhổn, tôi vẫn bám theo chuyện học bằng được. Phải nói là vất vả vô cùng.

Sau những buổi tập kiệt sức, tôi vẫn đạp xe, hôm nào mệt quá thì đi xe buýt, xe ôm về Hà Nội học văn hóa (cạnh sân Hàng Đẫy) đến khi tốt nghiệp cấp III. Nhiều bạn bè tôi không đủ ý chí để theo, sau này đều tiếc về chuyện dang dở việc học.

Nhờ vậy, khi kết thúc sự nghiệp thi đấu, tôi có thể bắt tay ngay vào học Đại học TDTT để trở thành HLV điền kinh như hiện nay. Chuyện học văn hóa là rất quan trọng, cần được chú tâm trong thể thao đỉnh cao.

Gần đây, tôi thấy Học viện Hoàng Anh Gia Lai làm tốt chuyện này, học viên ở đó đều được học văn hóa, ngoại ngữ đầy đủ, nếu không thành đạt trong nghiệp thể thao thì cũng không quá lo cho tương lai.

* Trong bài trả lời phỏng vấn TTCT cách đây 20 năm, Đoan có khất một câu hỏi, đó là nếu được làm lãnh đạo cao nhất ngành thể thao, điều đầu tiên sẽ làm là gì? Giờ trả lời được chưa?

- (Cười lớn) Tôi sẽ ký quyết định cấp kinh phí làm đẹp cho các nữ VĐV, đưa vào chế độ hằng tháng!

"Trả lại tên cho em"

Vào Google tìm các bài viết, tư liệu về Phạm Đình Khánh Đoan vẫn thấy ghi năm sinh là 1982, nhưng chị lại nói mình sinh 1980?

Tôi cầm tinh con dê, âm lịch là năm 1979, tuổi Kỷ Mùi, còn dương lịch là tháng 2-1980. Hồi đó toàn ăn gian tuổi hết mà anh. Các chú các cô cứ bảo sao mình làm vậy.

Ngày tháng năm sinh cứ toàn ghi bằng chữ: "một ngàn chín trăm tám mươi", sau đó nếu cần thì viết thêm chữ "hai"! Còn nếu phải viết số thì ngoéo thêm cho số 0 biến thành số 2!

Đến năm 1997, sau khi báo chí làm mạnh về chuyện gian lận tuổi, ngành thể thao có lệnh "trả lại tên cho em", không hồi tố. Từ lúc ấy tôi đã làm lại hết. Bây giờ thì nạn gian lận này không còn nữa, người quản lý thì không dám, còn gia đình thì không ai chịu.

Là phụ nữ, hãy yêu lấy thân mình Là phụ nữ, hãy yêu lấy thân mình

TTO -Khi người phụ nữ đặt trọn niềm tin vào hạnh phúc lứa đôi và lòng chung thủy, sự bội bạc của người đầu gối tay ấp hẳn làm họ hụt hẫng, đớn đau tột cùng... Bản thân họ quay cuồng tìm cách trả thù tình, trừng trị kẻ thứ ba cho hả cơn tức.

TRƯỜNG HUY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên