28/06/2022 09:21 GMT+7

Phòng chống tham nhũng từ địa phương

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
TS NGUYỄN SĨ DŨNG

TTO - Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng nhưng phải bảo vệ được những cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của dân, của nước.

Sau khi quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương được ban hành ngày 2-6, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã chính thức thành lập các ban chỉ đạo của mình. Việc ban chỉ đạo cấp tỉnh/thành mới được thành lập quả thật là một sự bổ sung lực lượng rất hùng hậu.

Quyết tâm, và kinh nghiệm chỉ đạo phòng chống tham nhũng của Trung ương hy vọng sẽ được tiếp nhận và nhân rộng trong cả nước. Nhờ đó công cuộc phòng chống tham nhũng ở địa phương cũng sẽ có được những chuyển biến mới.

Việc gì mới cũng khó. Việc chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở địa phương càng khó. Các mối quan hệ thân hữu ở địa phương thường sâu rộng hơn, cơ chế kiểm soát quyền lực ở địa phương thường khó vận hành hơn.

Các bí thư tỉnh/thành ủy làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần phải có không chỉ nhãn quan chính trị, mà còn cả sự hiểu biết về lĩnh vực tư pháp và sự cảm nhận sâu sắc về công lý. Vai trò của trưởng ban vô cùng to lớn. Định hướng, sự chính xác, khách quan và hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương rõ ràng sẽ phụ thuộc vào cái tâm và cái tài của trưởng ban.

Vấn đề là làm bí thư tỉnh/thành ủy với làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực là hai việc khác nhau. Làm bí thư giỏi không đương nhiên sẽ làm trưởng ban giỏi. Chính vì vậy Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương cần sớm có chương trình tập huấn để nâng cao năng lực cho các ban chỉ đạo cấp tỉnh, mà trước hết là cho các trưởng ban. Ngoài ra, để làm trưởng ban cấp tỉnh, có lẽ phẩm chất quan trọng nhất phải là liêm chính và trong sạch.

Việc các bí thư tỉnh/thành ủy kiêm nhiệm chức trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một sự tập trung quyền lực rất lớn. Ở địa phương, chắc chắn khó có cơ chế kiểm soát quyền lực nào thật sự có thể phát huy hiệu quả tốt nhất ở vấn đề này. Chính vì vậy sự kiểm soát của Trung ương là vô cùng quan trọng. Ban chỉ đạo Trung ương, đặc biệt là cơ quan thường trực, nên đảm nhiệm chức năng kiểm soát này.

Một thách thức không nhỏ đối với ban chỉ đạo địa phương là phân định rạch ròi giữa chỉ đạo và điều hành. Chỉ đạo là để định hướng, để thúc đẩy, để cung cấp năng lượng tích cực cho các cơ quan chức năng ở địa phương chứ không phải là để làm thay các cơ quan đó. Kiểm tra, thanh tra, điều tra, công tố và xét xử là các hoạt động đòi hỏi phải có năng lực chuyên môn và phải tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật.

Cuối cùng, tham nhũng là một vấn đề rất lớn. Nhưng sự thụ động, sự e ngại, sự thiếu quyết liệt và né tránh trách nhiệm của bộ máy quản trị công cũng là vấn đề lớn không kém. Vấn đề thứ nhất cần phải xử lý, thì vấn đề thứ hai cũng cần phải không để phát sinh. Chính vấn đề thứ hai đang ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước, cũng như đến đời sống của người dân. 

Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng nhưng phải bảo vệ được những cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của dân, của nước. Đây phải là nhiệm vụ trọng tâm của các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh/thành. Mà như vậy thì phải thấm nhuần tinh thần kết luận 14 của Bộ Chính trị về việc "bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung".

Kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng Kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng

TTO - Chiều 27-6, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã tiếp xúc cử tri quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên